Văn hóa doanh nghiệp - Điểm tựa phục hồi kinh tế sau đại dịchVăn hóa doanh nghiệp - Điểm tựa phục hồi kinh tế sau đại dịch
Sáng 26/8, Tạp chí Văn hóa nghệ thuật (Bộ VHTT&DL) phối hợp với Viện Văn hóa và Phát triển (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) tổ chức Hội thảo khoa học văn hóa doanh nghiệp - Điểm tựa phục hồi kinh tế sau đại dịch.
TS. Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL phát biểu tại Hội thảo.
Chủ trì Hội thảo có: PGS. TS. Nguyễn Duy Bắc, Phó Giám đốc thường trực Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; TS. Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL. Tham gia hội thảo có gần 100 đại biểu là các nhà khoa học, nhà quản lý văn hóa, hiệp hội, doanh nghiệp cùng các phóng viên đến từ nhiều cơ quan báo chí Trung ương và Hà Nội.
Hội thảo nhằm góp phần thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 và chủ đề công tác năm 2022 của Bộ VHTT&DL: Năm xây dựng văn hóa cơ sở và công tác tổ chức cán bộ, đồng thời lan tỏa mạnh mẽ thông điệp xây dựng văn hóa doanh nghiệp trong toàn xã hội. Hội thảo đã nhận được 29 tham luận và một số ý kiến phát biểu, trao đổi sôi nổi.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Trịnh Thị Thủy cho biết, trong những năm gần đây đã có nhiều nghiên cứu của các chuyên gia, các nhà quản lý để cập đến vai trò, vị trí, tầm quan trọng của văn hóa doanh nghiệp đối với sự phát triển bền vững của đất nước nói chung, của doanh nghiệp nói riêng. Đối với doanh nghiệp, giá trị cốt lõi của thương hiệu chính là kim chỉ nam quyết định sản phẩm mà doanh nghiệp cung cấp, đối tượng khách hàng mà doanh nghiệp hướng tới, quyết định hướng đi của doanh nghiệp.
Tại lễ công bố Ngày Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam (ngày 10/11/2016) và phát động cuộc vận động "Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam" ngày 7/11/2016, Thủ tưởng Chính phủ đã nhấn mạnh: Văn hóa doanh nghiệp là linh hồn của thương hiệu, là yếu tố khác biệt bền vững của doanh nghiệp. Một thương hiệu tốt không chỉ là tài sản của doanh nghiệp mà còn là tài sản của quốc gia.
Việt Nam vừa trải qua hơn 2 năm chống chọi với đại dịch COVID-19; những ảnh hưởng, tác động của đại dịch đối với nền kinh tế, xã hội của đất nước, với các doanh nghiệp là hết sức nặng nề: Sản xuất đình trệ, doanh thu sụt giảm-thậm chí không có doanh thu.
Trong bối cảnh khó khăn chồng chất ấy, nhiều doanh nghiệp đã gồng mình nỗ lực vượt khó, giữ vững thương hiệu, chủ động thích ứng bằng những cách thức sản xuất, kinh doanh linh hoạt (như làm việc theo ca, làm việc trực tuyến, "3 tại chỗ", "1 cung đường 2 điểm đến"...). Đồng thời, thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động dịch vụ, sản xuất.
Tiếp tục giữ vững chữ tín, không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ sản phẩm, giá cả phù hợp, quan tâm, chăm lo chế độ, chính sách cho người lao động nhất là trong giai đoạn giãn cách xã hội, đồng thời có những chương trình hoạt động thiện nguyện ý nghĩa, thể hiện trách nhiệm với cộng đồng, xã hội.
Nhiều mô hình, sáng kiến hay về xây dựng văn hóa doanh nghiệp vượt qua đại dịch của các thương hiệu lớn như: Viettel, VNPT, Vinamilk… sẽ là những gợi ý, những bài học kinh nghiệm quý để chúng ta có thể tham khảo, vận dụng vào thực tiễn hoạt động kinh doanh trong thời gian tới.
Hội thảo là dịp để các nhà lãnh đạo quản lý, các nhà khoa học, các doanh nghiệp, hiệp hội đánh giá, phân tích vai trò, đóng góp của văn hóa doanh nghiệp với phục hồi nền kinh tế sau đại dịch.
Qua đó giúp chúng ta nhận diện rõ hơn thực trạng cũng như hiệu quả của xây dựng văn hóa doanh nghiệp hiện nay trong phát triển bền vững đất nước; đúc rút những bài học kinh nghiệm về mô hình, cơ chế quản lý, chính sách hỗ trợ xây dựng văn hóa doanh nghiệp bền vững. Từ đó, đề xuất những giải pháp hữu hiệu để xây dựng và phát huy văn hóa doanh nghiệp thực sự là điểm tựa phục hồi kinh tế sau đại dịch.
Các đại biểu đóng góp ý kiến tại Hội thảo.
Tạo nền tảng văn hóa doanh nghiệp vững chắc
Theo Phó Giám đốc Thường trực Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Duy Bắc, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều doanh nghiệp đã không ngừng đổi mới sáng tạo, có nhiều cách làm hay, hiệu quả, vừa bảo đảm sản xuất kinh doanh, vừa phòng chống tốt dịch bệnh.
Một số doanh nghiệp lớn, có uy tín và truyền thống lâu đời vẫn duy trì được tốc độ tăng trường, có nhiều đóng góp tích cực vào công tác phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của người lao động, đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng của nền kinh tế.
Để doanh nghiệp phát triển bền vững, mang lại những giá trị tích cực cho cộng đồng xã hội, Đảng đề ra nhiệm vụ, chủ trương mang tính lâu dài là phải "xây dựng văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân và kinh doanh", tạo môi trường thật sự lành mạnh, dân chủ, đoàn kết, khoa học, nhân văn, vì lợi ích cộng đồng và sự phát triển toàn diện con người.
Việc xây dựng thành công văn hóa doanh nghiệp sẽ tạo nền tảng tinh thần, động lực, sức mạnh để doanh nghiệp khẳng định uy tín, hình ảnh, thương hiệu sản phẩm; nắm bắt thời cơ, vận hội mới, đồng thời khắc phục, đẩy lùi những khó khăn, đồng hành cùng Đảng, Nhà nước, nhân dân thực hiện tốt mục tiêu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Tại hội thảo, các đại biểu đã đi sâu đánh giả, phân tích vai trò và đóng góp quan trọng của văn hóa doanh nghiệp đối với phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19, khẳng định phát huy văn hóa doanh nghiệp sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, thích ứng với bối cảnh, tình hình mới. Các nhà khoa học, cơ quan quản lý, cơ quan báo chí, hiệp hội, doanh nghiệp đã chia sẻ về thực trạng xây dựng văn hóa doanh nghiệp hiện nay (những ưu điểm, hạn chế và nguyên nhân).
Các tham luận, ý kiến đóng góp đã góp phần làm sáng tỏ hiệu quả của việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp trong thời gian qua đối với sự phát triển bền vững đất nước. Đồng thời đề xuất, kiến nghị các giải pháp hữu hiệu nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách để xây dựng và phát huy văn hóa doanh nghiệp thực sự là điểm tựa phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19.
Theo PGS.TS. Nguyễn Toàn Thắng, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển (Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), các doanh nghiệp cần phát huy tính linh hoạt, thích ứng nhưng vẫn phải bảo đảm nguyên tắc: Kinh doanh, sản xuất tuân thủ pháp luật, không thể vượt qua giới hạn cho phép; phát huy tính linh hoạt, thích ứng nhưng không chệch hướng, không vi phạm sứ mệnh cao cả và tầm nhìn tốt đẹp của doanh nghiệp.
Đồng thời phải phòng ngừa thói "tùy tiến cẩu thả, khôn vặt, láu cá"; "tham bát bỏ mâm", ham lợi nhỏ, bỏ mất lợi lớn trong kinh doanh, sản xuất…
Trong bối cảnh đại dịch và hậu đại dịch COVID-19 hiện nay, văn hóa doanh nghiệp là tài sản văn hóa quan trọng của doanh nghiệp, sẽ tạo ra niềm tin dẫn đạo và quy tắc ứng xử đạt chuẩn chân, thiện, mỹ, được cộng đồng xã hội tin yêu, quý trọng tôn vinh, hướng tới, từ đó sẽ thúc đẩy doanh nghiệp phát triển bền vững.
Theo Báo điện tử Chính phủ