Văn hóa kinh doanh - lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp
Văn hóa kinh doanh sẽ là một trong những yếu tố quan trọng dẫn dắt sự tồn tại và phát triển bền vững của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp có tầm nhìn dài hạn, và tạo nên lợi thế cạnh tranh riêng biệt.
Tăng ngưỡng chịu đựng, vượt qua thử thách
Phát biểu tại Diễn đàn “Văn hóa với doanh nghiệp” lần thứ 2 sáng 3.12 với chủ đề “Chấn hưng văn hóa - nền tảng phục hồi và phát triển kinh tế bền vững”, ông Hồ Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam, Trưởng Ban tổ chức Cuộc vận động Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam (BTC 248) cho biết: Dù mới triển khai một thời gian ngắn nhưng Bộ tiêu chí Văn hóa kinh doanh Việt Nam đã nhanh chóng khẳng định sự cần thiết đối với hoạt động kinh doanh nói riêng và sự phát triển toàn diện của từng doanh nghiệp.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trao kỷ niệm chương cho 24 doanh nghiệp đạt chuẩn Văn hóa kinh doanh Việt Nam năm 2022.
"Hoạt động không chỉ mang tính chất tôn vinh mà còn nhằm phổ biến, nhân rộng các điển hình tiên tiến trong quá trình xây dựng, thực thi văn hóa doanh nghiệp, từ đó lan tỏa mạnh mẽ tới cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong và ngoài nước", ông Tuấn cho hay.
Đại diện một đơn vị được tôn vinh dịp này, ông Trần Tuấn Việt, Tập đoàn TNG Holdings Việt Nam chia sẻ: "3 năm qua, các doanh nghiệp Việt Nam đã trải qua giai đoạn rất khó khăn vì Covid-19. Chính lúc đó văn hóa doanh nghiệp đã thể hiện vai trò và tầm quan trọng tại TNG, giúp chúng tôi vững vàng vượt qua giai đoạn gian khó ấy, kết nối với nhau, kết nối các bộ phận và kết nối với cộng đồng. Cùng với sự quan tâm của Đảng và Chính phủ, tôi tin rằng cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam sẽ khẳng định mình, cùng nhau xây dựng được bản sắc văn hóa doanh nghiệp và văn hóa kinh doanh, giúp chúng ta thắng lợi trên trường quốc tế".
Chủ tịch Hội đồng Thành viên Deloitte Việt Nam Hà Thu Thanh phát biểu tại diễn đàn.
Còn Chủ tịch Hội đồng Thành viên Deloitte Việt Nam Hà Thu Thanh thì cho rằng văn hóa kinh doanh có thể sẽ không giúp doanh nghiệp tạo ra lợi nhuận ngay tức thì, nhưng đây sẽ là nền tảng giúp ngày càng tăng ngưỡng chịu đựng, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững, vượt qua mọi thử thách.
“Xu hướng người tiêu dùng ưa thích các thương hiệu bền vững. Vì vậy, có thể thấy, phát triển bền vững trên nền tảng văn hóa kinh doanh của doanh nghiệp do doanh nhân dẫn dắt sẽ trở thành con đường duy nhất nếu doanh nghiệp muốn tiếp tục tồn tại và phát triển. Song song với đó, những hoạt động kinh doanh phi văn hóa, làm ăn chộp giật sẽ bị đào thải,” bà Hà Thu Thanh nói.
Bổ sung tiêu chí về đóng góp vào sự thịnh vượng chung
Trao đổi tại diễn đàn, nhằm tìm kiếm giải pháp nâng cao vai trò của văn hóa trong phục hồi và phát triển kinh tế bền vững hậu Covid-19, Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, KTS Lê Viết Hải kiến nghị Hiệp hội Phát triển Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam bổ sung vào Bộ Tiêu chí Văn hóa kinh doanh Việt Nam tiêu chí đóng góp vào sự thịnh vượng chung cũng như bảo vệ và phát triển nền văn minh nhân loại.
Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, KTS Lê Viết Hải mong muốn doanh nghiệp cần có hành động cụ thể trong bảo tồn di sản vật thể và phi vật thể của quốc gia.
Theo ông Hải, cần bổ sung 3 chỉ tiêu: Thứ nhất, doanh nghiệp Việt Nam có đóng góp trong việc phát minh, sáng chế các sản phẩm và dịch vụ chất lượng vượt trội, tiết kiệm tài nguyên, thân thiện với môi trường, phù hợp với các chỉ tiêu ESG (Environmental, Social, and Governance) cũng như xu hướng kinh tế tuần hoàn (Circular Economy) của thế giới để xuất khẩu ra thị trường nước ngoài, phục vụ hiệu quả cho người tiêu dùng toàn cầu.
Thứ hai, trong phát triển sản xuất kinh doanh ở bất cứ quốc gia nào, doanh nghiệp luôn quan tâm và có hành động cụ thể trong việc bảo tồn, tôn tạo di sản vật thể và phi vật thể của quốc gia; có nhiều sáng kiến chung đóng góp vào việc bảo vệ và phát triển nền văn minh nhân loại.
Thứ ba, qua hoạt động giao thương quốc tế doanh nghiệp lan tỏa văn hóa kinh doanh đặc sắc của Việt Nam, văn hóa tốt đẹp của dân tộc, thể hiện lòng nhân hậu, đức hy sinh của người Việt Nam ra thế giới; đóng góp tích cực vào việc đem lại hòa bình cho nhân loại, có nhiều nỗ lực thực hiện nhiệm vụ của một đại sứ văn hóa và đại sứ hòa bình cho Việt Nam.
Cùng chung quan điểm về định hướng phát triển bền vững cho doanh nghiệp Việt Nam, bà Hà Thu Thanh góp ý, để phát triển liên tục và bền vững, doanh nghiệp cần củng cố và xây dựng nền móng văn hóa kinh doanh vững và sáng. Văn hóa kinh doanh sẽ là một trong những yếu tố quan trọng dẫn dắt sự tồn tại và phát triển bền vững của từng doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp có tầm nhìn dài hạn, và tạo nên lợi thế cạnh tranh riêng biệt.
Tọa đàm về vai trò, tác động của chấn hưng văn hóa đến phục hồi và phát triển kinh tế bền vững; bài học thực tiễn của các doanh nghiệp về phát huy vai trò của văn hóa trong phục hồi và phát triển kinh tế bền vững sau đại dịch Covid-19...
Thực thi trách nhiệm xã hội thể hiện cam kết và trách nhiệm của doanh nghiệp trong sự đồng hành cùng xã hội - đây là một thành tố để đo giá trị cống hiến của các doanh nghiệp với cộng đồng, bảo đảm hài hòa các yếu tố phát triển kinh tế gắn với tuân thủ, đạo đức kinh doanh, với sự phát triển an toàn của cộng đồng xã hội và giảm tác động tới môi trường.
"Đó là những minh chứng sinh động cho thấy, trách nhiệm xã hội cũng là một nét đẹp của đạo đức doanh nhân, của văn hóa kinh doanh gắn với phát triển bền vững trong nền kinh tế", Chủ tịch Deloitte Việt Nam nêu quan điểm.
Bộ tiêu chí Văn hóa kinh doanh Việt Nam gồm 5 điều kiện bắt buộc: Không buôn lậu, không trốn thuế; Không sản xuất, kinh doanh hàng giả, sản phẩm độc hại; Không nợ lương và BHXH của người lao động; Không lừa đảo, lợi dụng hoặc làm hại các tổ chức, cá nhân khác; Không vi phạm pháp luật. Các tiêu chí đánh giá mức độ đáp ứng của từng doanh nghiệp đối với Bộ tiêu chí gồm 5 nhóm: Lãnh đạo doanh nghiệp phát triển bền vững; Xây dựng và thực thi văn hóa doanh nghiệp; Thượng tôn pháp luật; Đạo đức kinh doanh; Trách nhiệm xã hội. |
Theo Báo Đại biểu Nhân Dân