Việt Nam - New Zealand ký kết thỏa thuận hợp tác về giáo dục

08:51, 11/03/2024

Sáng 11/3, trước sự chứng kiến của Thủ tướng hai nước, Thoả thuận hợp tác về giáo dục giữa hai Chính phủ Việt Nam - New Zealand đã được ký kết.

Trước sự chứng kiến của Thủ tướng hai nước, Bộ trưởng Bộ GDĐT Việt Nam Nguyễn Kim Sơn và Bộ trưởng Giáo dục Cao đẳng, Đại học và Kỹ năng New Zealand ký kết Thoả thuận Hợp tác về Giáo dục.

Đây là một hoạt động trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tới New Zealand. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Việt Nam Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Giáo dục Cao đẳng, Đại học và Kỹ năng New Zealand đại diện hai Chính phủ ký kết Thoả thuận hợp tác.

Theo thoả thuận này, Bộ GD&ĐT Việt Nam và Cơ quan Giáo dục New Zealand coi giáo dục là lĩnh vực hợp tác then chốt và vì lợi ích chung trong việc tăng cường quan hệ song phương giữa Việt Nam và New Zealand.

Các Bên ghi nhận việc củng cố hợp tác giáo dục giúp đẩy mạnh kết nối người dân hai nước, tăng cường hiểu biết lẫn nhau và hỗ trợ thực hiện mục tiêu của hai nước về phát triển nguồn nhân lực.

Hai bên cùng cam kết nghiên cứu các biện pháp để tiếp tục xây dựng mối quan hệ giáo dục, bao gồm cả các hoạt động giáo dục trực tuyến phù hợp với luật pháp và quy định hiện hành của hai nước cũng như các điều ước quốc tế mà mỗi nước là thành viên.

Thỏa thuận Hợp tác về Giáo dục giữa Bộ GD&ĐT Việt Nam và Cơ quan giáo dục New Zealand giai đoạn 2023-2026 xác định các lĩnh vực hợp tác mà hai bên cam kết sẽ cùng nhau phối hợp từ nay cho đến hết năm 2026.

Thỏa thuận đề ra các mục tiêu mới cho quan hệ hợp tác giáo dục trong giai đoạn ba năm tới nhằm tạo đà cho các cơ hội phát triển quan hệ giáo dục giữa hai nước trong về nội dung thực hiện trong giai đoạn này.

Theo đó, các bên hợp tác để trao đổi thông tin về các khóa đào tạo tiếng Anh, đào tạo ngắn hạn và đào tạo cán bộ quản lý.


Thoả thuận Hợp tác về Giáo dục Việt Nam - New Zealand xác định giáo dục là lĩnh vực hợp tác then chốt trong tăng cường quan hệ song phương.

Thông qua các hoạt động kết nối và hợp tác giáo dục với hệ sinh thái giáo dục đa dạng, phía New Zealand và phía Việt Nam sẽ tìm hiểu các cơ hội hợp tác xây dựng các giá trị chung, chia sẻ về chuyên môn cũng như về các vấn đề giáo dục mà cả hai bên cùng quan tâm, đặc biệt là về Tiếng Anh, khả năng đọc viết, giáo dục mầm non và các môn khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM).

Hai bên sẽ nỗ lực hợp tác thông qua các công cụ kỹ thuật số và thúc đẩy tác động tích cực của các hoạt động nhằm phục vụ lợi ích của cả hai bên trong việc đào tạo phát triển nguồn nhân lực.

Hằng năm, hai bên hợp tác hỗ trợ cung cấp thông tin về các chương trình học bổng và những cơ hội học bổng du học tại hai nước.

Hai bên sẽ khuyến khích các cơ sở giáo dục tìm hiểu cơ hội tăng cường hợp tác nghiên cứu, trao đổi giảng viên, sinh viên và các nhà nghiên cứu khoa học, trong đó có khả năng triển khai các chương trình liên kết đào tạo bậc Tiến sỹ.

Phía Việt Nam và phía New Zealand khuyến khích các trường của hai nước phát triển cơ hội triển khai các hoạt động giáo dục.

Để đánh dấu các kết nối lâu dài của các cựu sinh viên Việt Nam, hai bên sẽ tích cực hỗ trợ hoạt động của các nhóm cựu sinh viên ở Việt Nam và New Zealand, tuân thủ theo các quy định pháp luật hiện hành của mỗi nước.

Hợp tác giáo dục trong khuôn khổ Thỏa thuận sẽ được thực hiện thông qua: Hai bên khuyến khích hợp tác về giáo dục và đào tạo nhằm tăng cường quan hệ giữa các địa phương và cơ sở giáo dục của Việt Nam và New Zealand; trao đổi hợp tác giữa Việt Nam và phía New Zealand trong vấn đề công nhận và tương đương văn bằng; phối hợp để quảng bá hai nước như một điểm đến du học hoặc thực tập cho các sinh viên Việt Nam và New Zealand.

Trước đó, từ 2020 Việt Nam và New Zealand đã triển khai Kế hoạch Hợp tác Chiến lược về Giáo dục Việt Nam - New Zealand giai đoạn 2020 - 2023. Thoả thuận Hợp tác về Giáo dục Việt Nam - New Zealand ký kết ngày 11/3/2024 sẽ thay thế Kế hoạch trước đó.

Theo Báo Giáo dục & Thời đại

https://giaoducthoidai.vn/viet-nam-new-zealand-ky-ket-thoa-thuan-hop-tac-ve-giao-duc-post674844.html