Việt Nam – Điểm đến chiến lược cho hợp tác kinh tế và đầu tư quốc tế
Ngày 12/2/2025, tại Paris, Diễn đàn Hợp tác Kinh doanh Pháp - Đông Nam Á lần thứ 3 do Business France tổ chức đã diễn ra, thu hút gần 200 đại diện doanh nghiệp, cơ quan phát triển kinh tế và chuyên gia từ Pháp, Việt Nam và các nước Đông Nam Á. Diễn đàn do Bộ trưởng Phụ trách Thương mại Ngoại giao Pháp Laurent Saint-Martin và Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam Bùi Hoàng Phương đồng chủ trì, nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế và mở rộng quan hệ thương mại giữa hai bên.
![](https://congnghevadoisong.vn/files/2024/Vit_Nam__im_n_chin_lc_cho_hp_tac_kinh_t_va_u_t_quc_t_1.jpg)
Thứ trưởng Bộ TT&TT Bùi Hoàng Phương phát biểu tại Diễn đàn Hợp tác Kinh doanh Pháp - Đông Nam Á lần thứ 3.
Việt Nam – Cầu nối quan trọng giữa ASEAN và châu Âu
Phát biểu khai mạc sự kiện, ông Laurent Saint-Martin, Bộ trưởng Phụ trách Thương mại Ngoại giao và Người Pháp ở nước ngoài nhấn mạnh Đông Nam Á đang trở thành một trong những khu vực kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới. Trong đó, Việt Nam là một trong những nền kinh tế tăng trưởng ấn tượng nhất, với vai trò cầu nối giữa ASEAN và EU nhờ tham gia 17 hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là EVFTA và IPA, mở ra cơ hội lớn cho hợp tác kinh doanh và đầu tư.
Tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ TT&TT Bùi Hoàng Phương phát biểu nhấn mạnh, Việt Nam sở hữu nguồn tài nguyên phong phú, lực lượng lao động chất lượng cao và là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Với dân số hơn 100 triệu người và lực lượng lao động có tay nghề cao trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM), Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn của các tập đoàn công nghệ lớn. Nhờ môi trường chính sách ổn định và các hiệp định thương mại tự do với nhiều đối tác chiến lược, Việt Nam đã thu hút sự mở rộng đầu tư của nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu như NVIDIA, Amkor, Samsung, Qualcomm, Synopsys, Cadence và Marvell, khẳng định vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Quan hệ Việt - Pháp hiện có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển mạnh mẽ hơn, đặc biệt sau khi hai nước nâng cấp lên Đối tác chiến lược toàn diện trong chuyến thăm chính thức Pháp của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm vào tháng 10/2024. Hai bên đang mở rộng hợp tác trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là công nghệ cao, chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo (AI), năng lượng tái tạo và hạ tầng giao thông.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Bùi Hoàng Phương cho biết, Pháp là một trong những đối tác đầu tư quan trọng của Việt Nam, với nhiều doanh nghiệp Pháp đã thành công tại thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, đầu tư từ Pháp vào các lĩnh vực chiến lược như công nghệ cao, chuyển đổi số và AI vẫn chưa tương xứng với tiềm năng hai nước. Ông kỳ vọng trong thời gian tới, sẽ có nhiều tập đoàn và doanh nghiệp Pháp gia tăng đầu tư vào Việt Nam, tận dụng lợi thế thị trường và mở rộng hợp tác trên nhiều lĩnh vực.
Diễn đàn lần này là cơ hội để các doanh nghiệp Pháp hiểu rõ hơn về tiềm năng phát triển của Việt Nam và thiết lập quan hệ hợp tác chặt chẽ hơn với các đối tác trong khu vực. Với nền kinh tế năng động, chính sách đầu tư cởi mở và chiến lược phát triển bền vững, Việt Nam tiếp tục khẳng định vai trò là điểm đến chiến lược cho các doanh nghiệp Pháp và châu Âu trong thời gian tới.
![](https://congnghevadoisong.vn/files/2024/Vit_Nam__im_n_chin_lc_cho_hp_tac_kinh_t_va_u_t_quc_t_2.jpg)
Bên lề diễn đàn, cuộc gặp song phương giữa Bộ trưởng Laurent Saint-Martin và Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương đã khẳng định cam kết mở rộng hợp tác giữa hai nước, đặc biệt trong các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, bán dẫn, hạ tầng số, năng lượng tái tạo và giao thông đô thị.
Việt Nam thu hút sự quan tâm lớn từ các doanh nghiệp Pháp
Tại diễn đàn, nhiều doanh nghiệp Pháp bày tỏ quan tâm đến việc đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực chuyển đổi số, AI, sản xuất bán dẫn, năng lượng tái tạo và hạ tầng giao thông. Pháp hiện có hơn 300 doanh nghiệp đang đầu tư tại Việt Nam, trong đó có các tập đoàn lớn như Airbus, Total, EDF, Schneider Electric, Sanofi… Tuy nhiên, tiềm năng hợp tác vẫn còn rất lớn và cần được khai thác mạnh mẽ hơn.
Bà Chu Thị Thanh Hà, Chủ tịch FPT Software, cho biết FPT đã có hơn 20 năm hợp tác với các đối tác Pháp, trong đó có nhiều tập đoàn lớn như Airbus, Canal+, cung cấp giải pháp công nghệ và dịch vụ số. Hiện FPT đang hợp tác với CEA-LETI, trung tâm nghiên cứu vi điện tử hàng đầu của Pháp, để thúc đẩy nghiên cứu và sản xuất bán dẫn, mở ra cơ hội hợp tác sâu rộng hơn trong lĩnh vực công nghệ cao.
![](https://congnghevadoisong.vn/files/2024/Vit_Nam__im_n_chin_lc_cho_hp_tac_kinh_t_va_u_t_quc_t_3.jpg)
Toàn cảnh sự kiện.
Bên lề diễn đàn, cuộc gặp song phương giữa Bộ trưởng Laurent Saint-Martin và Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương đã khẳng định cam kết mở rộng hợp tác giữa hai nước, đặc biệt trong các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, bán dẫn, hạ tầng số, năng lượng tái tạo và giao thông đô thị.
Diễn đàn lần này không chỉ là cơ hội để các doanh nghiệp Pháp hiểu rõ hơn về thị trường Việt Nam mà còn góp phần củng cố mối quan hệ hợp tác bền chặt giữa hai nước. Việt Nam đang trên hành trình trở thành trung tâm sản xuất, công nghệ và đổi mới sáng tạo hàng đầu khu vực Đông Nam Á, thu hút sự quan tâm ngày càng lớn của các tập đoàn quốc tế./.