Việt Nam có thể tạo ra trợ lý ảo chuyên sâu từ công nghệ AI?

11:47, 29/11/2023

Năm 2023 là năm dùng công nghệ cao, công nghệ mới để giải bài toán nhỏ Việt Nam nhưng tạo ra giá trị lớn. Vậy, chúng ta có thể dùng AI để tạo ra trợ lý ảo chuyên sâu cho từng lĩnh vực chuyên môn?

Các công ty công nghệ lớn thì đang phát triển công nghệ số để giải quyết các bài toán to, các nhu cầu phổ quát, họ tập trung cho các thị trường hàng tỷ người dùng. Thí dụ như ChatGPT để trả lời các thể loại câu hỏi của tất cả mọi người, và vì thế mới đạt mức trung bình khá.

Nếu chúng ta dùng AI để tạo ra trợ lý ảo chuyên sâu cho từng lĩnh vực chuyên môn, khi mà dữ liệu liệu phải xử lý chỉ bằng một phần triệu so với ChatGPT thì trợ lý ảo của chúng ta sẽ xuất sắc, đạt đến mức chuyên gia. Làm như vậy là cách tiếp cận cá thể hoá, và phù hợp với trình độ hiện tại của chúng ta. Thị trường ở đây là rất phong phú và không hề nhỏ.

Trong quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ như hiện nay, đã có các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam như FPT, Viettel, VNPT,... tiếp cận, nghiên cứu, đầu tư và ứng dụng trong đó có AI. Nổi bật trong có VNPT với những định hướng tạo ra trợ lý AI “Make in Vietnam” để phục vụ cuộc sống của người dân, doanh nghiệp.

Vingroup hướng vào các công nghệ ứng dụng AI trong chăm sóc sức khỏe, ô tô thông minh và xe tự lái, Viettel đặt trọng tâm đầu tư vào các công nghệ xử lý ngôn ngữ tự nhiên, chuyển đổi giọng nói, chữ viết tiếng Việt với độ chính xác cao.

Những trợ lý ảo đầu tiên của "Make in Vietnam" ra đời.

Nhưng không chỉ các tập đoàn lớn chạy đua AI, nhiều startup Việt hoặc có người Việt Nam sáng lập cũng theo đuổi lĩnh vực này. Một số đã ghi dấu ở thị trường quốc tế như ELSA Speak hay Harrison-AI. Dù giảm mạnh so với năm trước đó do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, số vốn đầu tư vào các startup công nghệ Việt Nam trong năm ngoái vẫn đạt hơn 451 triệu USD, theo Báo cáo đổi mới sáng tạo và đầu tư công nghệ Việt Nam 2020. Không ít các startup Việt nói rằng họ đã triển khai hoặc tính đến chuyện triển khai AI trong các sản phẩm của mình trong tương lai.

Trợ lý ảo do Viettel phát triển hỗ trợ thẩm phán tra cứu pháp luật, đã được đưa vào hoạt động và giúp giảm thời gian xử lý của các thẩm phán tới 30%.

Theo ông Trần Mạnh Quân, Phó Giám đốc Khối nền tảng trợ lý ảo (Trung tâm Không gian mạng Viettel). trải qua hơn 1 năm thử nghiệm, trợ lý ảo pháp luật hỗ trợ các thẩm phán đã chứng minh được hiệu quả tích cực. Cụ thể, ứng dụng giúp giảm 30% lượng công việc so với thao tác truyền thống, tối ưu thời gian vận hành của toàn bộ hệ thống tòa án.

Trợ lý ảo pháp luật hỗ trợ các thẩm phán của Viettel có thể giới thiệu luật, pháp lệnh, thông tư, nghị định chính xác đến từng điều, khoản của văn bản pháp quy và thời điểm có hiệu lực, phù hợp với thời gian xảy ra vụ việc hoặc giới thiệu các tình huống tương tự dựa trên kho dữ liệu được lưu trữ.

Để phát triển AI, trước tiên Việt Nam phải có bước đi phù hợp trong đào tạo nguồn nhân lực cả bề rộng và chiều sâu. Câu chuyện đào tạo đòi hỏi sự hợp tác của Bộ GD&ĐT, Bộ KH&CN, Bộ TT&TT và Bộ LĐTB&XH dưới sự điều hành của Nhà nước và Chiến lược AI.

Theo nhiều chuyên gia, để đáp ứng nhu cầu nhân lực AI khổng lồ trong vòng 10 năm tiếp theo, Việt Nam cần dành khoản đầu tư lớn để triển khai đồng thời nhiều cách tiếp cận rộng rãi, bao gồm cả đào tạo chính quy, kết hợp đào tạo doanh nghiệp – viện trường, đào tạo trong cộng động và giáo dục trực tuyến mở đại trà.

Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường

(https://kinhtemoitruong.vn/viet-nam-co-the-tao-ra-tro-ly-ao-chuyen-sau-tu-cong-nghe-ai-83129.html)