Việt Nam đang trở thành đối tác công nghệ hàng đầu của châu Âu
Chuyến công tác châu Âu tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 54 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos, Thụy Sĩ của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã định vị Việt Nam là điểm đến hàng đầu cho giới đầu tư công nghệ cao.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Đối thoại chiến lược quốc gia Việt Nam và Diễn đàn Kinh tế Thế giới - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Việt Nam sớm trở thành trung tâm mới của ngành công nghiệp bán dẫn
Hơn 30 hoạt động và các tọa đàm về hợp tác phát triển trí tuệ nhân tạo, công nghiệp ô tô, chip bán dẫn và hệ sinh thái do Thủ tướng chủ trì trong hai ngày làm việc tại WEF Davos 2024 cho thấy Việt Nam đang tạo điều kiện thuận lợi để thu hút thêm đầu tư vào các ngành này.
"Châu Âu vốn rất nổi tiếng với lĩnh vực ô tô, chip bán dẫn hay trí tuệ nhân tạo. Do đó, Việt Nam và EU hoàn toàn có thể trở thành đối tác để phát triển những ngành này trong tương lai", ông Leif Schneider, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, Hiệp hội các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) nhận định.
Đại diện của Eurocham Việt Nam cho rằng Việt Nam có nhiều thành tựu đáng kể và danh tiếng trong lĩnh vực phát triển phần mềm nên hoàn toàn có thể cung cấp cho các đối tác EU một hệ sinh thái hấp dẫn, tận dụng công nghệ từ nước ngoài và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Đồng thời, việc hợp tác với các đối tác EU sẽ giúp Việt Nam sớm đạt được mục tiêu trở thành trung tâm mới của ngành công nghiệp bán dẫn trong khu vực ASEAN.
"Điều này càng có ý nghĩa hơn khi các nước EU đang nỗ lực tăng khả năng cạnh tranh với các nền kinh tế hàng đầu khác ở châu Á, đặc biệt là trong ngành công nghiệp bán dẫn và ô tô. Với những điều kiện trên, Việt Nam có tiềm năng trở thành một trong những đối tác quan trọng nhất của EU, vì Việt Nam có thể đáp ứng những mảnh ghép còn thiếu cho bài toán kinh tế hiện tại của châu Âu", ông Leif Schneider cho biết.
Không chỉ ở lĩnh vực công nghệ, tiềm năng hợp tác kinh tế giữa EU và Việt Nam còn rất lớn, trải rộng trên nhiều lĩnh vực. Trong chuyến công du này, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thành công trong việc thể hiện Việt Nam là đối tác kinh tế thân thiết nhất của EU trong khu vực ASEAN và nêu bật lợi ích chung trong việc duy trì và mở rộng mối quan hệ này.
"Nhiều công ty EU muốn tăng gấp đôi vốn đầu tư vào Việt Nam. Đó là minh chứng rõ ràng nhất cho tiềm năng hợp tác kinh tế EU - Việt Nam. Do đó, tôi tin rằng kim ngạch thương mại song phương sẽ tiếp tục tăng và đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam từ EU sẽ tăng trong năm 2024", ông Leif Schneider kỳ vọng.
Cũng theo ông Leif Schneider, chuyến công du châu Âu của Thủ tướng Phạm Minh Chính là một cột mốc quan trọng trong quan hệ song phương. Việt Nam đã củng cố được vai trò là một trong những đối tác thương mại quan trọng nhất của EU và là người bạn đáng tin cậy trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Hungary Viktor Orbán tham dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Hungary - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Có cùng quan điểm với ông Leif Schneider, ông Charaf Kadri, Tổng Giám đốc của Sandoz Vietnam, công ty hoạt động trong ngành dược được thành lập năm 1886 tại Thụy Sĩ, cho rằng châu Âu đã chứng kiến tốc độ tăng trưởng và sự năng động vượt trội của kinh tế Việt Nam trong những thập kỷ qua.
"Sức hấp dẫn của Việt Nam ngày càng tăng. Việt Nam là điểm đến ưa thích của đầu tư nước ngoài, nhất là khi thế giới bước vào kỷ nguyên mới lấy trí tuệ nhân tạo làm động lực tăng trưởng và kinh tế xanh", ông Charaf Kadri bình luận.
Theo ông Charaf Kadri, Liên minh châu Âu hiện là một trong những nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam và được xếp hạng là đối tác thương mại lớn nhất trong cộng đồng ASEAN. Mối quan hệ hợp tác này đã được nâng cao hơn nữa sau chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính và có thể sẽ mang lại các dự án đầu tư nước ngoài từ tất cả 27 quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu.
Gần đây, Việt Nam trở thành mắt xích quan trọng trong xu hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu và có nhiều đóng góp quan trọng trong sự dịch chuyển này. Thông qua Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Thủ tướng đã thể hiện sự quan tâm của Việt Nam đối với sự phát triển của kinh tế thế giới cũng như cho thế giới biết đến tiềm năng phát triển kinh tế độc đáo của Việt Nam và khu vực ASEAN. Điều này có thể biến Việt Nam thành đối tác địa chính trị quan trọng và củng cố vị thế của Việt Nam như một điểm đến hàng đầu cho giới đầu tư toàn cầu.
Sự chú ý ngày càng tăng của giới đầu tư quốc tế đối với tiềm năng kinh tế đáng kinh ngạc của Việt Nam cũng là một trong những kết quả nổi bật trong chuyến công du của Thủ tướng Phạm Minh Chính. Việc ký kết Biên bản ghi nhớ giữa Việt Nam và WEF giai đoạn 2023-2026 khẳng định quan điểm chung về chủ nghĩa đa phương và hợp tác lâu dài. Về lâu dài, việc thành lập trung tâm Công nghiệp 4.0 tại TPHCM với sự hỗ trợ của WEF cũng là một thành tựu nổi bật.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh và Thủ tướng Romania Ion Marcel Ciolacu chứng kiến Lễ ký kết 19 văn kiện hợp tác giữa các bộ, ngành, địa phương hai nước Việt Nam và Romania - Trong ảnh: Lãnh đạo Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Kinh tế, Doanh nghiệp và Du lịch Romania ký kết Bản ghi nhớ về việc thúc đẩy hợp tác trao đổi những vấn đề quan tâm trong lĩnh vực kinh tế - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Củng cố lợi ích chung của EU trong nền kinh tế Việt Nam
Chuyến thăm Thụy Sĩ, Hungary và Romania của Thủ tướng Phạm Minh Chính được đánh giá góp phần thắt chặt mối quan hệ Việt Nam và EU.
Theo ông Leif Schneider, tiềm năng hợp tác kinh tế giữa Việt Nam với Romania, Hungary và Thụy Sĩ rất đa dạng. Mối quan hệ tốt đẹp của Việt Nam với ba nước sẽ có tác động dây chuyền đến các quốc gia khác ở châu Âu.
Với Thụy Sĩ, mặc dù không phải là thành viên EU nhưng Thụy Sĩ là một quốc gia châu Âu được coi là hình mẫu của nhiều nước trong khu vực, có danh tiếng về sự thịnh vượng và đáng tin cậy trong kinh doanh. Việt Nam càng gắn bó chặt chẽ với các nền kinh tế phát triển như Thụy Sĩ thì tầm quan trọng của Việt Nam với tư cách là đối tác thiết yếu và là cầu nối giữa châu Âu và châu Á sẽ càng trở nên quan trọng hơn.
Ông Charaf Kadri tin rằng mối quan hệ tốt đẹp của Việt Nam và Thụy Sĩ là đòn bẩy quan trọng để xây dựng mối quan hệ hợp tác kinh tế đầy hứa hẹn. Mối quan hệ này còn nhiều dư địa để phát triển nhờ nhu cầu đầu tư vào thị trường Việt Nam của các công ty Thụy Sĩ.
"Các công ty Thụy Sĩ có sự hiện diện đa dạng tại thị trường Việt Nam trong ngành dược phẩm và thực phẩm, hậu cần, tài chính. Sự hiện diện này được thúc đẩy bởi nhiều sáng kiến đổi mới, hỗ trợ liên tục trong nghiên cứu và phát triển cũng như mối quan tâm thường xuyên về quan hệ đối tác bền vững với các bên liên quan khác nhau", ông Charaf Kadri cho biết.
Còn trong quan hệ với Romania, theo ông Charaf Kadri, hai nước đặt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 1 tỷ USD trong những năm tới, gấp đôi năm 2022. Trong chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa qua, 19 thỏa thuận hợp tác đã được ký kết, tạo tiền đề cho việc tăng cường sức mạnh hợp tác trong thời gian tới.
Với Hungary, hiện hai nước đã thiết lập mối quan hệ đối tác toàn diện. Trong quan hệ thương mại, Việt Nam và Hungary cam kết tăng kim ngạch thương mại song phương lên 2 tỷ USD.
Ông Leif Schneider cho rằng mối quan hệ EU và Việt Nam không chỉ là vấn đề song phương mà còn liên quan đến tất cả 27 quốc gia thành viên, mỗi nước đều có lợi ích riêng đối với Việt Nam. Do đó, việc cải thiện mối quan hệ của từng thành viên EU với Việt Nam có tác động củng cố lợi ích chung của EU trong nền kinh tế Việt Nam.
Theo Báo Điện tử Chính phủ