Thúc đẩy hợp tác quốc tế về giáo dục đào tạo trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục đào tạo không chỉ giúp Việt Nam nâng cao chất lượng đào tạo mà còn góp phần xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, mở rộng tầm ảnh hưởng và tăng cường hội nhập quốc tế.
Ngoại giao giáo dục là một lĩnh vực trong quan hệ đối ngoại, trong đó giáo dục được sử dụng như một công cụ để thúc đẩy sự hợp tác quốc tế, giao lưu văn hóa, và phát triển nguồn nhân lực. Đây là một chiến lược toàn cầu mà các quốc gia áp dụng để xây dựng hình ảnh, mở rộng ảnh hưởng, cũng như giải quyết các vấn đề trong nước, đặc biệt là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Đối với Việt Nam, hợp tác quốc tế (HTQT) trong giáo dục đào tạo (GDĐT) có vai trò cực kỳ quan trọng trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ và toàn cầu hóa. Hợp tác giáo dục giúp Việt Nam tiếp cận các thành tựu khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới, đồng thời nâng cao trình độ đội ngũ giảng viên, sinh viên và các chuyên gia. Hơn nữa, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực GDĐT cũng tạo cơ hội cho Việt Nam quảng bá hình ảnh và nâng cao vị thế trên trường quốc tế.
Lễ trao biên bản ghi nhớ hợp tác song phương và đa phương giữ Đại học Bách khoa Hà Nội và 4 doanh nghiệp lớn của Hàn Quốc tại diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Hàn Quốc hồi tháng 6/2023 dưới sự chứng kiến của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam và Bộ trưởng Bộ Công thương Hàn Quốc. (Ảnh: ĐHBK Hà Nội).
HTQT luôn là nhiệm vụ trọng tâm để đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục
Trong những năm qua, Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng trong việc trong việc đẩy mạnh HTQT trong lĩnh vực GDĐT. Năm 2014, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã xây dựng chiến lược ngoại giao giáo dục, nhằm không chỉ nâng cao chất lượng đào tạo trong nước mà còn khẳng định vai trò của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế thông qua giáo dục.
Việt Nam đã xây dựng mạng lưới hợp tác giáo dục rộng khắp với nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế. Các chương trình học bổng, các dự án hợp tác đào tạo, nghiên cứu chung, và các sự kiện giao lưu học thuật đã giúp gia tăng sự hiện diện của Việt Nam trong các diễn đàn giáo dục toàn cầu. Ngoài ra, Việt Nam cũng đã thu hút được sự quan tâm của nhiều học sinh, sinh viên quốc tế đến học tập tại các trường đại học trong nước.
Tại hội nghị hợp tác đầu tư với nước ngoài trong giáo dục năm 2024 diễn ra vào cuối tháng 9/2024, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc đã khẳng định: “HTQT trong GDĐT luôn được xác định là một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục đại học, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế”.
Trong gần 40 năm đổi mới và phát triển đất nước, đặc biệt trong 10 năm gần đây, hoạt động HTQT trong lĩnh vực GDĐT đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận, góp phần quan trọng trong việc nâng cao uy tín, vị thế của giáo dục Việt Nam trên trường quốc tế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thúc đẩy hiểu biết quốc tế, ngoại giao nhân dân và là nền tảng cho các hoạt động hợp tác khác.
Với việc không ngừng đẩy mạnh hợp tác và đầu tư với nước ngoài trong GDĐT, đến nay Việt Nam đã thiết lập quan hệ hợp tác giáo dục với trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, đồng thời là thành viên tích cực của các tổ chức quốc tế và khu vực như UNESCO, SEAMEO, ASEAN, ASEM, APEC….
Tính đến 30/6/2024, Việt Nam đã thu hút được 605 dự án đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục với tổng số vốn đầu tư lên tới trên 4,57 tỷ USD; khoảng 430 chương trình đào tạo liên kết với nước ngoài được triển khai tại 65 cơ sở giáo dục đại học trong nước; có 5 cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam.
Nhằm tiếp tục đẩy mạnh đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới, thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, trí tuệ nhân tạo (AI), đưa giáo dục và đào tạo Việt Nam đạt trình độ tiên tiến của khu vực châu Á vào năm 2030 và đạt trình độ tiên tiến của thế giới vào năm 2045, tại Kết luận số 91-KL/TW ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW “về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế", Bộ Chính trị đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị tập trung thực hiện tốt 8 nhiệm vụ, trong đó có nhiệm vụ đẩy mạnh hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển đất nước trong giai đoạn mới.
Để thực hiện được nhiệm vụ trên, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh ba ưu tiên chiến lược trong thu hút hợp tác và đầu tư nước ngoài vào giáo dục Việt Nam, đó là: Thu hút các trường đại học nước ngoài uy tín thành lập phân hiệu tại Việt Nam; thúc đẩy hợp tác giữa các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam với các cơ sở đại học uy tín nước ngoài; tăng cường trao đổi học sinh sinh viên và thu hút sinh viên quốc tế đến học tập tại Việt Nam.
Sinh viên Việt Nam tìm hiểu về cơ hội du học Mỹ tại Triển lãm Giáo dục Mỹ 2022 do Văn phòng Giáo dục Mỹ EducationUSA tổ chức tháng 10/2022. (Ảnh: Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam).
Theo thống kê hiện nay, Việt Nam đang có hơn 230.000 du học sinh ở nước ngoài, tập trung nhiều nhất ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, Mỹ, Đài Loan, Trung Quốc, Canada. Chiều ngược lại có gần 22.000 sinh viên nước ngoài đang học tập ở Việt Nam, cao nhất 9 năm qua.
Hiện các trường đại học Việt Nam đang tích cực thu hút và tạo điều kiện học tập tốt nhất cho lưu học sinh nước ngoài. Việc trao đổi học sinh, sinh viên giúp thúc đẩy giao lưu văn hóa, trao đổi học thuật và góp phần tăng cường đoàn kết hữu nghị với các nước, hội nhập quốc tế.
Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong kỷ nguyên mới
Kỷ nguyên mới với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ và sự thay đổi nhanh chóng trong nền kinh tế thế giới mang đến nhiều cơ hội cho hợp tác, hỏi học cho nền giáo dục của Việt Nam. Sự hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, cùng với những chính sách khuyến khích hợp tác quốc tế, tạo ra cơ hội lớn để Việt Nam xây dựng thương hiệu giáo dục và thu hút sinh viên quốc tế.
Hơn nữa, sự quan tâm ngày càng tăng của các quốc gia đối với việc đầu tư vào giáo dục sẽ giúp Việt Nam có cơ hội hợp tác và học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển. Nếu tận dụng tốt cơ hội này, Việt Nam có thể tạo ra những bước đột phá trong việc nâng cao chất lượng giáo dục và thúc đẩy hợp tác quốc tế về GDĐT.
Việt Nam luôn đặt mục tiêu giáo dục là quốc sách hàng đầu và phát triển giáo dục được xác định đóng vai trò là một trong 3 khâu đột phá để thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước giai đoạn 2021 - 2030. Theo đó, hội nhập quốc tế sâu rộng trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo sẽ giúp kết hợp sức mạnh nội tại của đất nước với sức mạnh thời đại.
Quốc hội Việt Nam cũng đã ban hành Luật Giáo dục đại học sửa đổi bổ sung năm 2018 và Luật Giáo dục năm 2019. Hai Luật này là tiền đề để thúc đẩy hợp tác và đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục. Theo đó, các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam đã được tự chủ rất cao về hợp tác quốc tế.
Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định quy định về hợp tác và đầu tư với nước ngoài, mở ra nhiều cơ hội để các đối tác nước ngoài hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực giáo dục. Ví dụ như việc thành lập phân hiệu cơ sở giáo dục đại học nước ngoài tại Việt Nam, việc các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục quốc tế hoạt động tại Việt Nam…
Các chương trình quốc tế đã góp phần thúc đẩy phát triển giáo dục tại Việt Nam khi tạo cơ hội tiếp cận để học tập các chương trình tiêu chuẩn quốc tế cho học sinh, sinh viên. Không chỉ tiết kiệm chi phí cho học sinh, phụ huynh thay vì phương án đi du học, nâng cao sức cạnh tranh của học sinh, sinh viên Việt Nam khi bước ra thế giới mà quan trọng hơn, lâu dài hơn còn tạo cơ hội học hỏi, phát triển cho các đơn vị giáo dục trong nước để nâng chuẩn chất lượng nền giáo dục.
Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI), việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng mục tiêu phát triển cũng rất được chú trọng. Chương trình “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050” cũng nêu rõ mục tiêu đến năm 2030 phấn đầu đào tạo ít nhất 50.000 nhân lực có trình độ từ đại học trở lên phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn.
Việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành bán dẫn được kỳ vọng không chỉ tạo tiền đề để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực bán dẫn mà còn ươm mầm và khuyến khích cho những dự án khởi nghiệp trong ngành công nghiệp bán dẫn, tạo ra nhiều doanh nghiệp hỗ trợ ngành công nghiệp bán dẫn nhằm tạo nên hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong ngành công nghiệp của tương lai này.
Các đại biểu tham quan các gian hàng ứng dụng AI tại Ngày hội Trí tuệ nhân tạo Việt Nam (Ảnh: VGP).
Dù Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội và dư địa để đẩy mạnh HTQT về GDĐT nhưng không thể phủ nhận nước ta cũng đối mặt với một số thách thức, trong đó, thách thức lớn nhất là chất lượng giáo dục và nghiên cứu khoa học trong nước vẫn còn chênh lệch so với các nước phát triển. Cơ sở hạ tầng giáo dục, cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên cần được cải thiện để nâng cao tính cạnh tranh của các trường đại học Việt Nam trong môi trường quốc tế.
Bên cạnh đó, Việt Nam còn thiếu những nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực quản lý, khoa học - công nghệ - kỹ thuật; việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng yêu cầu của xã hội, còn nặng về lý thuyết, nhẹ về thực hành, chưa quan tâm đúng mức đến kỹ năng xã hội, kỹ năng sống và khả năng tự học, kỹ năng sáng tạo cho người học, nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp phải đào tạo lại mới đáp ứng được nhu cầu của nhà tuyển dụng.
Ngoài ra, việc thu hút sinh viên quốc tế đến học tại Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn do rào cản ngôn ngữ, sự khác biệt về văn hóa và chất lượng giáo dục chưa đồng đều…
Mặc dù vẫn còn một số thách thức, nhưng với những chính sách tạo thuận lợi của Chính phủ cùng quyết tâm đổi mới, nâng cao chất lượng của chính các trường đại học, cao đẳng trong nước với quyết tâm tạo cơ hội “du học tại chỗ” cho sinh viên trong nước, có thể tin tưởng Việt Nam sẽ tận dụng được các cơ hội để đưa HTQT trong lĩnh vực GDĐT lên tầm cao mới, góp phần xây dựng nền giáo dục hội nhập và hiện đại, phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước bền vững trong tương lai./.