Việt Nam sẽ xếp hạng năng lực IT và AI các cơ sở nghiên cứu đào tạo

17:08, 30/08/2022

Bộ Khoa học và Công nghệ đang lấy ý kiến để xây dựng các chỉ số trên cơ sở dữ liệu mở nhằm xếp hạng về năng lực công bố của các cơ sở nghiên cứu, đào tạo. Dự án do Vụ Công nghệ cao, Bộ Khoa học và Công nghệ là đơn vị chủ trì thực hiện, Câu lạc bộ FISU, Đại học Thủy Lợi xây dựng hệ thống và triển khai các nội dung chuyên môn.

Chiều ngày 29/8 các chuyên gia, nhà khoa học đã cho ý kiến về các tiêu chí và phương pháp xây dựng xếp hạng để hoàn thiện phần mềm. Đây là cơ sở để xây dựng bảng xếp hạng về năng lực công bố của các cơ sở nghiên cứu và đào tạo về công nghệ thông tin (IT) và truyền thông nói chung và bảng phân hạng con về năng lực công bố của lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) nói riêng tại Việt Nam. Kết quả xếp hạng sẽ được công bố theo đề nghị của Bộ Khoa học và Công nghệ.

Các chuyên gia, lãnh đạo và nhà khoa học thảo luận các chỉ số xây dựng bảng xếp hạng. Ảnh: TLU

GS.TS. Nguyễn Thanh Thủy-Chủ tịch FISU Việt Nam cùng các nhà khoa học thảo luận các chỉ số xây dựng bảng xếp hạng.

TS. Tạ Quang Chiểu, Phó trưởng khoa Công nghệ thông tin, Đại học Thủy Lợi, cho biết việc xây dựng bảng xếp hạng là cần thiết, nhằm phục vụ các tham chiếu cho các cơ sở giáo dục đại học và các ngành kinh tế xã hội tại Việt Nam.

Ông cho biết, hiện nay trong lĩnh vực giáo dục, có nhiều bảng xếp hạng các cơ sở đào tạo (trường đại học) như ARWU, THE hay QS. Mỗi bảng có đặc điểm riêng, như ARWU có ưu điểm sử dụng số liệu khách quan nhưng các tiêu chí khá khắt khe về thành tích khoa học, chỉ phù hợp với số ít trường đại học nghiên cứu của các nước phát triển. Trong khi đó THE sử dụng 13 tiêu chí như giảng dạy, nghiên cứu, trích dẫn và triển vọng quốc tế hay thu nhập ngành, song việc chú trọng số lượng sinh viên nhập học vào bảng xếp hạng có thể làm ảnh hưởng đến yếu tố chất lượng của trường.

Tuy nhiên các bảng xếp hạng quốc tế với các tiêu chí riêng chưa thực sự phù hợp để ứng dụng cho Việt Nam. Bởi vậy việc xây dựng một bảng xếp hạng riêng cho Việt Nam là điều cần thiết giúp cộng đồng học thuật, học sinh sinh viên lựa chọn nơi học tập, công tác. Các cơ sở có tham chiếu để làm tốt công tác nghiên cứu. Cơ quan quản lý nhà nước có thông tin để đánh giá đúng, từ đó đầu tư và có kế hoạch giao nhiệm vụ phù hợp.

Các đơn vị nghiên cứu và đào tạo về công nghệ thông tin (bao gồm AI) tại Việt Nam sẽ được tham gia xếp hạng. Các xếp hạng sẽ dựa trên công bố khoa học cùng ranking các nhà khoa học. Các công bố được tính là các bài báo đăng tải trên các tạp chí uy tín được công nhận và báo cáo tại hội thảo, hội nghị. Năm 2022 dự kiến 10-15 đơn vị tham gia và số lượng đơn vị sẽ được cập nhật hàng năm.

PGS. TS Nguyễn Hữu Quỳnh, Giám đốc Trung tâm tin học, Phó trưởng khoa Công nghệ thông tin, Đại học Thủy Lợi, phát biểu tại hội thảo.

PGS. TS Nguyễn Hữu Quỳnh, Giám đốc Trung tâm tin học, Phó trưởng khoa Công nghệ thông tin, Đại học Thủy Lợi, phát biểu tại hội thảo.

PGS. TS Nguyễn Hữu Quỳnh, Giám đốc Trung tâm tin học, Phó trưởng khoa Công nghệ thông tin, Đại học Thủy Lợi cũng đưa ra mô hình hệ thống xếp hạng, tạm gọi là "VPCRanking của Việt Nam". Bảng xếp hạng sẽ áp dụng phân hạng CSRanking (Mỹ) hoàn toàn minh bạch, dựa trên số liệu và xếp hạng các cơ sở giáo dục thông qua nhà xuất bản uy tín. Ở đó, việc thu thập cơ sở dữ liệu về các nhà khoa học thông qua các tập dữ liệu công bố trên DBLP (cơ sở dữ liệu lưu trữ các tài liệu về lĩnh vực khoa học máy tính) và Google Scholar. Bằng phần mềm xếp hạng và thuật toán học sẽ giúp tính điểm đưa ra danh sách xếp hạng.

Tuy nhiên thực tế là các nhà khoa học Việt Nam trong lĩnh vực công bố chưa nhiều, nếu chỉ sử dụng đơn lẻ các cơ sở dữ liệu nêu trên sẽ khó đưa ra bức tranh tổng thể về một nhà khoa học. Do đó, PGS Quỳnh đề xuất điều chỉnh quy đổi điểm từ ấn phẩm khoa học có cơ sở dữ liệu trong DBLP và bổ sung một số tạp chí sử dụng nguồn của Google Scholar để phù hợp hơn với điều kiện của Việt Nam. Hay như cách tính điểm nhà khoa học, đề xuất giảm độ dài tối thiểu của ấn phẩm khoa học xuống 4 trang.

Ông Lý Hoàng Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết sẽ ghi nhận và tiếp thu các góp ý để xây dựng cơ sở dữ liệu minh bạch, mở trên cơ sở đó hoàn thiện nội dung phục vụ cho việc triển khai dự án. Ông đề nghị các đơn vị, nhà khoa học sớm thống nhất bảng tiêu chí đưa vào rankings, cụ thể các chỉ số, tránh việc tính bình quân, để sớm đưa bộ chỉ số vào triển khai.

Dự án "Xây dựng bảng phân hạng năng lực công bố về lĩnh vực CNTT &TT, và AI của các cơ sở nghiên cứu và đào tạo tại Việt Nam" do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, tài trợ bởi Aus4Innovation - chương trình hỗ trợ củng cố hệ thống đổi mới sáng tạo của Việt Nam do Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia tài trợ, quản lý bởi Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Australia CSIRO. Chương trình có tổng ngân sách 16,5 triệu đô la AUD, triển khai trong giai đoạn 2018-2022.

PV