Việt Nam và Pháp thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo và sở hữu trí tuệ

14:58, 14/09/2022

Đối tác Pháp đã chia sẻ kinh nghiệm trong thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, đặc biệt là cách thức hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong bảo hộ và thương mại hoá các tài sản trí tuệ.

Đoàn Khoa học và Công nghệ Việt Nam làm việc với Viện Sở hữu công nghiệp Pháp. 

Nhằm cụ thể hoá kết quả chuyến thăm và làm việc tại Pháp của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính (tháng 11/2021) và Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt (tháng 7/2022), từ ngày 09-12/9, Đoàn công tác của Bộ Khoa học và Công nghệ, do Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang làm trưởng đoàn, đã làm việc tại một số cơ quan của Cộng hòa Pháp nhằm tìm hiểu, trao đổi và nghiên cứu kinh nghiệm, mô hình quản lý, cũng như cơ chế chính sách trong việc thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, sở hữu trí tuệ, quản lý nguồn gốc và chất lượng sản phẩm hàng hóa tại nước này. 

Tham gia đoàn công tác có Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ các địa phương như Hà Nội, Bắc Giang, Hải Phòng, Sơn La, Thừa Thiên Huế, Cần Thơ.

Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng và đại diện văn phòng Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam tại Pháp cũng tham dự các hoạt động của đoàn. 

Trong khuôn khổ chuyến thăm, đoàn đã có các buổi làm việc với Viện Sở hữu công nghiệp Pháp (INPI) và Viện Quốc gia về nguồn gốc và chất lượng (INAO).

Hai bên đã trao đổi, chia sẻ các kinh nghiệm của Pháp trong việc thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo và sở hữu trí tuệ ở cấp quốc gia, cũng như triển khai ở cấp vùng, miền, địa phương, đặc biệt là cách thức triển khai hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong bảo hộ và thương mại hoá các tài sản trí tuệ, cũng như hoạt động bảo hộ, quản lý, kiểm soát chỉ dẫn địa lý và các văn bằng bảo hộ khác.

Đây là những thế mạnh của hệ thống sở hữu trí tuệ Pháp, đồng thời cũng là nhu cầu phát triển của hệ thống sở hữu trí tuệ Việt Nam. 

Đoàn công tác đã làm việc với lãnh đạo thành phố Macon, thuộc tỉnh Bourgogne và Hiệp hội sản xuất rượu nho của thành phố.

Đây là địa phương nổi tiếng với sản phẩm rượu vang được bảo hộ chỉ dẫn địa lý ở miền Trung nước Pháp, vốn nổi tiếng về nghề trồng nho truyền thống từ những năm 1930.

Nhân dịp này, đoàn cũng đã đến khảo sát thực tế tại Trường đào tạo dạy nghề Davayé, ở ngoại ô thành phố Mâcon, một cơ sở đào tạo nghề thuộc Bộ Nông nghiệp của Cộng hòa Pháp, chuyên về lĩnh vực đào tạo trồng, thu hoạch, chế biến rượu vang và phomai. 

Qua các cuộc làm việc và khảo sát thực tế, các thành viên đoàn công tác, nhất là lãnh đạo các Sở Khoa học và Công nghệ, đã tiếp thu được nhiều kinh nghiệm tốt từ phía Pháp trong việc tổ chức thực hiện cơ chế, chính sách, đào tạo nguồn nhân lực, quản lý, giám sát, khai thác phát triển thương mại hóa cho các sản phẩm đã được bảo hộ, quản lý nguồn gốc và chất lượng sản phẩm đã được bảo hộ tài sản trí tuệ, phương thức hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng chính xác quy trình sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý.

Nhân dịp này, đoàn cũng đã tìm hiểu, trao đổi thông tin về các cơ hội cũng như tiềm năng hợp tác giữa Pháp và Việt Nam, trước mắt là thành phố Mâcon và các địa phương của Việt Nam.

Minh Thùy (T/h)