Vĩnh Phúc: Kỷ niệm "200 năm Danh xưng Vĩnh Tường (1822 - 2022)"

13:51, 24/11/2022

Vừa qua, huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật đặc sắc kỷ niệm "200 năm Danh xưng Vĩnh Tường (1822 - 2022)".

Lãnh đạo tỉnh tặng hoa huyện Vĩnh Tường.

Tại kỷ niệm 200 năm Danh xưng Vĩnh Tường (1822 - 2022), đồng chí Lê Duy Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ghi nhận, biểu dương và chúc mừng những kết quả mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Vĩnh Tường đã đạt được.

Đồng chí nói: Lễ kỷ niệm 200 năm danh xưng Vĩnh Tường hôm nay là một trong những hoạt động rất thiết thực, góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử hào hùng của quê hương. Trên cơ sở đó xây dựng, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống cao đẹp của vùng đất Xứ Đoài nghìn năm văn hiến, khơi dậy ý chí, khát vọng và tâm huyết của những công dân Vĩnh Tường thực sự trở thành nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Trước mắt, Vĩnh Tường tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; phấn đầu hoàn thành tiêu chí đô thị loại IV vào năm 2025; Thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện đi đôi với giáo dục chất lượng cao, coi trọng giáo dục văn hóa, truyền thống, bản sắc địa phương.

Các hoạt động trong chương trình kỷ niệm "200 năm Danh xưng Vĩnh Tường (1822 - 2022) đều gắn với phong trào thi đua "Gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống; xây dựng quê hương Vĩnh Tường Xanh - Sạch - Đẹp - Văn minh - Đáng sống" . Vĩnh Tường đã  tổ chức thành công Hội thảo “200 năm Danh xưng Vĩnh Tường (1822 - 2022)”; Biên tập cuốn sách: “Di sản Hán Nôm trên địa bàn huyện Vĩnh Tường” đang triển khai thực hiện và hoàn thành vào tháng 8/2023; Tái bản, bổ sung, chỉnh lý, xuất bản cuốn sách “Danh nhân Vĩnh Tường” đang triển khai thực hiện và hoàn thành vào tháng 10/2023.

Trao giải Cuộc thi viết " Phủ Vĩnh Tường - 200 năm hình thành và phát triển".

Tổ chức cuộc thi: Tìm hiểu lịch sử 200 năm Phủ Vĩnh Tường với Chủ đề: “Phủ Vĩnh Tường - 200 năm hình thành và phát triển”; Tổ chức cuộc thi thiết kế kiến trúc Thư viện, Nhà truyền thống huyện và Quán thơ Hồ Xuân Hương; Công tác chỉnh trang đô thị, vệ sinh môi trường đã và đang được thực hiện đảm bảo mỹ quan đô thị cũng như xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu cùng các hoạt động  thể dục thể thao, đặc biệt là Chương trình nghệ thuật “Vĩnh Tường 200 năm - Văn hiến, tự hòa và khát vọng”.

Thông qua việc tổ chức các hoạt động kỷ niệm "200 năm Danh xưng Vĩnh Tường (1822 - 2022) đã nêu bật định hướng phát triển lâu dài của Vĩnh Tường với truyền thống lịch sử, văn hóa, ngàn năm văn hiến; tầm vóc, vị thế và sức mạnh nội sinh; thể hiện ý chí, khát vọng vươn lên của Đảng bộ và Nhân dân huyện Vĩnh Tường trong thời đại công nghệ 4.0 và chủ động hội nhập quốc tế.

Chương trình nghệ thuật tối 21/11 tại Trung tâm Hội nghị huyện Vĩnh Tường.

Sau 20 năm hợp nhất với huyện Yên Lạc thành huyện Vĩnh Lạc, ngày 1/1/1996, huyện Vĩnh Tường được tái lập và đi vào hoạt động. Từ đó đến nay, kinh tế phát triển cao, theo chiều hướng tích cực; tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân tăng từ 6% giai đoạn 1996 - 2000 lên 12,27 % giai đoạn 2015-2020. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tính đến nay so với năm đầu tái lập (năm 1996), tỷ trọng nông nghiệp giảm mạnh từ 75,3% xuống còn 15,51%; công nghiệp - xây dựng tăng nhanh, từ 10,4% lên 54,58%; dịch vụ tăng từ 14,3% lên 29,88%. Thu nhập bình quân đầu người từ 2,1 triệu đồng/năm tăng lên 58,5 triệu đồng/năm. Nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa bền vững, gắn với thị trường. Vĩnh Tường là huyện đi đầu của tỉnh trong thực hiện dồn thửa đổi ruộng, góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hiện đại. Không chỉ sáng tạo trong sản xuất nông nghiệp, Vĩnh Tường còn năng động trong phát triển Công nghiệp, dịch vụ. Đến nay, toàn huyện có 09 khu, cụm Công nghiệp và các làng nghề truyền thống.

Cùng với phát triển kinh tế, các lĩnh vực văn hóa - xã hội được đặc biệt quan tâm, đầu tư. Chất lượng giáo dục toàn diện không ngừng được nâng lên, nằm trong tốp đầu của tỉnh. Hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, được chú trọng. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của quê hương được gìn giữ, bảo tồn và phát huy.

Quân sự quốc phòng địa phương được củng cố và tăng cường. Công tác cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính được triển khai đồng bộ, quyết liệt, chỉ số cải cách hành chính năm 2021 xếp thứ Nhất, chuyển đổi số xếp trong tốp đầu của tỉnh; năng lực cạnh tranh cấp huyện ngày một nâng cao.

Uyên Thư (T/h)