Vĩnh Phúc tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 dịp Tết Dương lịch 2022 và Tết Nguyên đán Nhâm Dần

10:05, 21/12/2021

Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 hiện nay tại khu vực Đông Nam Á đang diễn biến phức tạp; đã phát hiện biến chủng Omicron ở nhiều quốc gia giáp ranh với Việt Nam như Campuchia, Thái Lan,...; Nguy cơ biến chủng Omicron xâm nhập vào Việt Nam (trong đó có Vĩnh Phúc) là rất cao.

Số ca mắc mới tăng nhanh tại nhiều tỉnh. Trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc trong một tháng gần đây, trung bình mỗi ngày ghi nhận khoảng 51 ca, trong đó nhiều ca tại cộng đồng và đã xuất hiện các ca mắc mới tại các doanh nghiệp cả trong và ngoài khu công nghiệp.

Để tiếp tục chủ động, quyết liệt, kiểm soát hiệu quả và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian tới, đặc biệt dịp Tết Dương lịch năm 2022 và Tết Nguyên đán Nhâm Dần; Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, UBND các huyện, thành phố, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh khẩn trương triển khai thực hiện một số nội dung sau:

1. Yêu cầu các cán bộ công chức, viên chức, người lao động và toàn thể nhân dân: Trong dịp nghỉ Tết Dương lịch, Tết Nguyên Đán Nhâm Dần hạn chế di chuyển khi không cần thiết để đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID- 19 trên địa bàn tỉnh, cũng như bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình. Tuyên truyền, vận động, thông tin đến người thân trong gia đình đang học tập, làm việc ngoài tỉnh hạn chế đi/về tỉnh.

Trường hợp do nhu cầu phải đến/về địa phương, yêu cầu phải khai báo y tế, thông báo với chính quyền địa phương và làm xét nghiệm, có kết quả âm tính SARS-CoV-2 trước khi trở về địa phương, gia đình (RT-PCR hoặc Test nhanh kháng nguyên).

2. Tiếp tục chỉ đạo dừng tổ chức các lễ hội, các sự kiện, liên hoan, tiệc cuối năm tập trung đông người (trừ các hội nghị theo yêu cầu nhiệm vụ, được phép cơ quan có thẩm quyền).

3. Nghiêm cấm tổ chức ăn uống linh đình. Hạn chế tối đa số người tại các đám cưới, đám hiếu, đám giỗ, chạp, sang cát, mừng thọ... theo đúng hướng dẫn của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; gia đình tổ chức phải ký cam kết thực hiện nghiêm với chính quyền địa phương bằng văn bản. UBND cấp xã, Tổ Covid cộng đồng, Tổ liên gia tự quản giám sát việc thực hiện theo quy định. Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Vĩnh Phúc tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 dịp Tết Dương lịch 2022 và Tết Nguyên đán Nhâm Dần.

4. UBND các huyện, thành phố:

4.1.Tập trung tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19; Dừng các hoạt động tập trung đông người không cần thiết; Đánh giá mức độ nguy cơ, điều chỉnh tăng cấp độ dịch; trên cơ sở đó ban hành văn bản chỉ đạo hạn chế các hoạt động tương ứng (trách nhiệm thuộc Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 cấp cơ sở).

4.2. Đóng các lối mở ra/vào các vùng, khu có dịch và có các biện pháp kiểm soát chặt chẽ trong khu vực được phong tỏa.

4.3. Nâng tỷ lệ xét nghiệm tầm soát lên ít nhất 10-20%, tăng cường xã hội hóa xét nghiệm; tầm soát ngẫu nhiên hàng ngày và luân phiên hàng tuần tại các hộ gia đình, khu dân cư. Các doanh nghiệp phải chủ động nâng tỷ lệ xét nghiệm tầm soát lên mức tối đa (có thể) khi nguy cơ, cấp độ dịch tăng lên.

4.4. Tổ chức tiêm ngay lượng vắc xin đã được phân bổ để tăng tỷ lệ bao phủ vắc xin COVID-19; phấn đấu đến ngày 31/12/2021 tiêm đạt 100% mũi 2 cho người từ 18 tuổi trở lên (trừ trường hợp chống chỉ định); đạt 100% số trẻ từ 12-17 tuổi tiêm mũi 1 (trẻ đủ điều kiện), đảm bảo an toàn và nhanh nhất có thể theo hướng dẫn của Sở Y tế, không để sót ai thuộc diện chỉ định tiêm mà không được tiêm chủng đầy đủ (kể cả mũi tăng cường khi có kế hoạch triển khai), đặc biệt những người thuộc nhóm có nguy cơ cao theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Chủ tịch UBND các huyện, thành phố phải rà soát và chịu trách nhiệm phân loại, báo cáo số lượng đủ điều kiện tiêm chủng, số không đủ điều kiện tiêm chủng với Sở Y tế.

Đối với những người đủ điều kiện tiêm chủng nhưng cố tình không tiêm vắc xin phòng COVID-19, nếu mắc COVID-19 phải chịu trách nhiệm và phải tự chi trả các chi phí điều trị.

4.5. Phối hợp với Sở Y tế xây dựng kế hoạch thành lập thêm cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19 với quy mô 200 giường bệnh/1 huyện; quy mô từ 300 - 500 giường/1 thành phố để sẵn sàng tiếp nhận điều trị bệnh nhân nhẹ, không triệu chứng trên địa bàn.

4.6. Tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về phòng, chống dịch.

4.7. Duy trì hoạt động của Trạm Y tế lưu động, Tổ chăm sóc người nhiễm COVID-19 cộng đồng đảm bảo về tổ chức, nhân lực, địa bàn, trang thiết bị y tế để tất cả người dân bị cách ly, điều trị COVID-19 tại cộng đồng đều được hướng dẫn, chăm sóc về y tế.

4.8. Yêu cầu các Chủ khách sạn, nhà nghỉ, cơ sở kinh doanh lưu trú trên địa bàn phải có trách nhiệm xét nghiệm Test nhanh COVID-19 cho khách lưu trú; kết quả âm tính mới được phép lưu trú.

4.9. Trường hợp Test nhanh cho khách lưu trú, nếu có kết quả dương tính thì xử trí ngay các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.

5. Giao Ban Quản lý các khu công nghiệp, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công thương, UBND các huyện, thành phố theo lĩnh vực, địa bàn phụ trách:

5.1.Chỉ đạo các doanh nghiệp thường xuyên đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 tới từng phân xưởng/khu vực sản xuất..., đánh giá tối thiểu 1 tuần/lần. Kết quả đánh giá nguy cơ lây nhiễm COVID-19 là cơ sở để yêu cầu doanh nghiệp tổ chức xét nghiệm luân phiên mẫu gộp cho từ 10-20% người lao động/1 tuần trong các doanh nghiệp.

5.2. Yêu cầu chủ doanh nghiệp kiểm tra, giám sát, chỉ đạo Tổ an toàn covid thực hiện nghiêm việc kiểm soát người lao động trong doanh nghiệp mình, đặc biệt thực hiện triệt để việc khai báo y tế để thực hiện xét nghiệm và áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp.

5.3. Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan chỉ đạo thực hiện xét nghiệm sàng lọc COVID-19 mẫu gộp định kỳ hàng tuần cho 100% người lao động, người bán hàng trong chợ, trung tâm thương mại, cơ sở kinh doanh dịch vụ bằng xã hội hóa.

5.4. Chỉ đạo các doanh nghiệp thuộc thẩm quyền chủ động xây dựng kế hoạch, thực hiện phương châm 3 tại chỗ đối với từng doanh nghiệp.

6. Sở Giáo dục và Đào tạo: Phối hợp với UBND các huyện, thành phố để xem xét, cho đi học trở lại ở những địa bàn đã kiểm soát được dịch COVID-19; đồng thời có các biện pháp khi cho học sinh trở lại trường để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.

7. Sở Y tế (cơ quan thường trực Ban chỉ đạo):

7.1. Cập nhật thông tin, đánh giá nguy cơ, dự báo tình hình, chủ động đề xuất UBND tỉnh/BCĐ tỉnh chỉ đạo về chuyên môn trong công tác phòng, chống dịch, nhất là phát hiện sớm biến chủng mới, tăng cường năng lực y tế cơ sở, không để quá tải hệ thống y tế.

7.2. Phối hợp với UBND cấp huyện trong việc xây dựng kế hoạch bổ sung thêm cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19 với quy mô 200 giường bệnh/ 1 huyện; quy mô mở rộng thêm: từ 300 - 500 giường/1 thành phố (ngoài chỉ tiêu 170 GB đã giao cho UBND cấp huyện) để sẵn sàng tiếp nhận điều trị bệnh nhân nhẹ, không triệu chứng trên địa bàn. Đồng thời hướng dẫn UBND cấp huyện về khung nhân lực, vật tư, trang thiết bị y tế để đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả.

7.3. Sử dụng kết quả xét nghiệm Test nhanh kháng nguyên COVID-19 (test nhanh do Bộ Y tế cấp phép) để theo dõi và xác định kết thúc thời gian cách ly tập trung và cách ly tại nhà để đáp ứng với tình hình thực tế trên địa bàn tỉnh.

7.4. Chỉ đạo rà soát tất cả các trường hợp nhập cảnh từ ngày 28/11/2021 có kết quả xét nghiệm COVID-19 dương tính bằng phương pháp NAAT (Nucleic Acid Amplification Test), PCR trong vòng 14 ngày (kể từ

ngày nhập cảnh), phối hợp với Sở Y tế để đánh giá dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm gửi về Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để thực hiện xét nghiệm giải trình tự gen nhằm xác định biến thể Omicron.

Tăng cường hệ thống giám sát nhằm sớm phát hiện sớm các ổ dịch, chùm ca bệnh có diễn biến, đặc điểm bất thường (số mắc, diễn biến nặng hoặc nhập viện, tử vong tăng bất thường theo thời gian, khu vực, đối tượng cụ thể...); để kịp thời phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương giám sát, chỉ đạo.

7.5. Chỉ đạo các cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn tỉnh sẵn sàng cử cán bộ tham gia phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh khi có yêu cầu. Thống kê danh sách cán bộ y tế tư nhân trên địa bàn tỉnh, yêu cầu các cơ sở y tế tư nhân cung cấp danh sách tối thiểu 20% cán bộ y tế của đơn vị để sẵn sàng nhận nhiệm vụ khi có yêu cầu kể từ ngày 25/12/2021.

7.6. Tổ chức hướng dẫn, tập huấn điều trị người nhiễm COVID-19 tại nhà.

8. Công an tỉnh: Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan kiểm tra, giám sát chặt chẽ người nhập cảnh vào Việt Nam trên địa bàn tỉnh, để kiểm soát, ngăn chặn biến chủng Omicron xâm nhập và lây lan trên địa bàn, đặc biệt là người đến từ các quốc gia trong khu vực Đông Nam á đã phát hiện biến chủng Omicron như: Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Philippines,...

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và toàn thể nhân dân nghiêm túc triển khai thực hiện.

 Khôi Nguyên