Vĩnh Phúc: Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang
Sau thời gian thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, nhìn chung các đám cưới đã được đơn giản hóa về thủ tục, tổ chức trang trọng, tiết kiệm phù hợp với thuần phong, mỹ tục và điều kiện kinh tế của gia đình; các hủ tục lạc hậu trong việc tang cơ bản đã được loại bỏ.
Thực hiện văn bản số 531/VHCS-NSVH ngày 26 tháng 7 năm 2021 của Cục Văn hóa cơ sở về việc báo cáo thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang; Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Vĩnh Phúc báo cáo kết quả thực hiện trên địa bàn tỉnh, cụ thể như sau:
Về công tác lãnh đạo, chỉ đạo
Sau khi tổng kết 10 năm thực hiện Quyết định 308/2005/QĐ-TTg ngày 25/11/2005 của Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục ban hành các văn bản chỉ đạo việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang như sau:
- Quyết định số 02/2019/QĐ-UBND ngày 10/01/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ban hành Quy định thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.
- Nghị quyết số 11/2020/NQ-HĐND ngày 14/12/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh về chính sách hỗ trợ chi phí hỏa táng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021 - 2025.
- Kế hoạch số 209/KH-UBND ngày 31/12/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh về triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/2020/NQ-HĐND ngày 14/12/2020 về chính sách hỗ trợ chi phí hỏa táng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025.
- Đặc biệt trong năm 2020 – 2021 do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nguy cơ lây nhiễm rất cao trong tổ chức việc cưới, việc tang. Để phòng, chống dịch COVID-19 trong việc cưới, việc tang và cộng đồng, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu cho UBND tỉnh nhiều văn bản chỉ đạo và ban hành nhiều văn bản.
Nhìn chung các đám cưới tại Vĩnh Phúc đã được đơn giản hóa về thủ tục.
Về công tác tuyên truyền
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với các ngành, Đoàn thể: Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Tỉnh Đoàn, Hội Nông dân … tích cực chủ động tuyên truyền, phổ biến quán triệt tinh thần Quyết định 308/2005/QĐ-TTg tới các hội viên, đoàn viên và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Báo Vĩnh Phúc, Đài PTTH tỉnh tiếp tục đăng tải nhiều tin, bài, ảnh, chuyên trang, chuyên mục, phổ biến, tuyên truyền sâu rộng Quyết định 308/2005/QĐ-TTg tới các tầng lớp nhân dân. Hệ thống Đài tuyền thanh của 9/9 huyện, thành phố và 136 xã, phường, thị trấn đã có chương trình truyên truyền thường xuyên, liên tục về Quyết định 308/2005/QĐ-TTg.
Sở chỉ đạo các Phòng Văn hóa - Thông tin huyện, thành phố đưa việc thực hiện Quyết định 308/2005/QĐ-TTg là một nội dung trong xây dựng và bình xét các danh hiệu Gia đình văn hóa, Làng, Thôn, TDP văn hóa, Cơ quan, Đơn vị, Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa hàng năm. Trung tâm Văn hóa tỉnh tổ chức tuyên truyền cổ động bằng băng zôn, pano, áp phích, xe ô tô, xe máy trên địa bàn tỉnh...
Việc thực hiện Quyết định 308/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ được coi là nhiệm vụ chính trị xã hội quan trọng, cần chỉ đạo đồng bộ thường xuyên nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực trong việc tổ chức việc cưới, việc tangtheo nếp sống văn minh nhằm xóa đi những hủ tục lạc hậu. Qua công tác tuyên truyền vận động việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang trong cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên và nhân dân đã có nhiều chuyển biến tích cực. Dư luận nhân dân đồng tình cao với nội dung của Quyết định 308/2005/QĐ-TTg, nhất là trong tình hình kinh tế hiện nay còn nhiều khó khăn. Hầu hết các đám cưới, đám tang được tổ chức gọn nhẹ, trang trọng, tiết kiệm, bỏ các thủ tục rườm rà theo tục lệ cũ.
Kết quả thực hiện
Về việc cưới, nhìn chung các đám cưới đã được đơn giản hóa về thủ tục, tổ chức trang trọng, tiết kiệm phù hợp với thuần phong, mỹ tục và điều kiện kinh tế của gia đình; chấp hành nghiêm Luật Hôn nhân và Gia đình, Quyết định 308/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị 11-CT/TU của Tỉnh ủy và Quyết định số 02/2019/QĐ-UBND ngày 10/01/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ban hành Quy định thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, quy ước, hương ước của làng, thôn, tổ dân phố.
Các thủ tục chạm ngõ, ăn hỏi, xin cưới, đón dâu được tổ chức đơn giản, gọn nhẹ, không phô trương hình thức, không rườm rà, không nặng về đòi hỏi lễ vật, dần hình thành tổ chức đám cưới theo nếp sống mới: Đa số tổ chức trong 1 ngày, không mời khách tràn lan, tổ chức trong phạm vi gia đình, dòng họ, không mời hút thuốc lá, không ăn lại mặt, tổ chức nghi lễ đơn giản, tiết kiệm, đã góp phần giảm gánh nặng chi phí kinh tế cho gia đình. Một số địa phương thực hiện tốt như: huyện Yên Lạc, huyện Vĩnh Tường, Tam Dương, huyện Bình Xuyên.
Về phòng, chống dịch COVID-19 trong tổ chức việc cưới: Nhân dân đã cân nhắc thời gian để tổ chức việc cưới, nhiều đám cưới phải hoãn, hoặc dừng lại mà chỉ tổ chức việc cưới vào thời điểm phù hợp và sử dụng hình thức báo hỷ, tiệc trà trong nội bộ gia tộc, không mời khách ăn uống, tập trung đông người.
Các gia đình giảm tối đa quy mô, số lượng khách mời tham dự đám cưới, chỉ tổ chức trong một ngày. Không sử dụng lòng đường, lề đường, vỉa hè, nơi công cộng để dựng rạp tổ chức việc cưới. Tuân thủ các quy định và hướng dẫn về phòng, chống dịch Covid - 19, thực hiện nghiêm túc hướng dẫn của cơ quan y tế và chính quyền địa phương về công tác phòng, chống dịch bệnh.
Các thủ tục chạm ngõ, ăn hỏi, xin cưới, đón dâu được tổ chức đơn giản, gọn nhẹ, không phô trương hình thức, không rườm rà.
Về việc tang, các hủ tục lạc hậu trong việc tang cơ bản đã được loại bỏ như không để linh cữu tại nhà quá 48 giờ; hạn chế việc rải vàng mã, tiền trên đường đưa tang. Việc cử nhạc tang được chấp hành nghiêm chỉnh theo tinh thần Quyết định 308/2005/QĐ-TTg: không cử nhạc tang trước 5 giờ sáng và sau 22 giờ đêm, việc tổ chức cúng 49 ngày, 100 ngày, giỗ đầu, giỗ hết, cải táng được tiến hành gọn nhẹ, tiết kiệm. Việc thực hiện vòng hoa luân chuyển từng bước được thực hiện và đạt được kết quả bước đầu.
Việc quy hoạch, quản lý và đầu tư nâng cấp chỉnh trang nghĩa trang được nhiều địa phương quan tâm đầu tư, việc chôn cất tại nghĩa trang nhân dân được thực hiện theo đúng theo quy định của UBND tỉnh. Một số xã của huyện Yên Lạc, Vĩnh Tường quy định thống nhất ngày cải táng trong năm (vào tháng chạp), thị trấn Yên Lạc xây dựng huyệt hung táng cố định để tiết kiệm diện tích đất canh tác.
Đặc biệt, hình thức hỏa táng ngày càng được nhân dân đồng tình và tự giác thực hiện. Người dân đã thay đổi tư duy thói quen, nhận thức được lợi ích thiết thực của việc chuyển đổi từ hung táng sang sử dụng hình thức hỏa táng cho người chết. Tỷ lệ người dân lựa chọn hình thức hỏa táng cho người chết tăng dần qua các năm. Nếu như năm 2016 số ca hỏa táng toàn tỉnh đạt 31,3%, thì đến năm 2019 đã tăng lên 51,9%.Những địa phương có tỷ lệ hỏa táng cao như: Thành phố Vĩnh Yên đạt 72,9%; Thành phố Phúc Yên đạt 70%; Huyện Tam Dương đạt 63,4%; Huyện Vĩnh Tường đạt 60,4%; Huyện Yên Lạc đạt 50%.
Về phòng, chống dịch COVID-19 trong tổ chức việc tang: Gia đình khi có người tử vong đã phối hợp với ban tổ chức lễ tang thông tin cho các cơ quan, đoàn thể, họ hàng, bạn bè liên quan hạn chế tối đa người đến viếng, tham dự lễ tang bằng cách cử đại diện tham dự, hoặc điện chia buồn để tránh tập trung đông người theo quy định hiện hành.
Bố trí bàn đón tiếp và phát khẩu trang, nơi rửa tay có đủ nước sạch và xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn ... cho người tham dự lễ tang. Không tổ chức ăn, uống tại lễ tang cho người tham dự lễ tang. Việc tổ chức ăn uống chỉ thực hiện trong nội bộ gia đình và phải đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩmtheo quy định. Thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch Covid -19, bảo đảm theo quy định của Bộ Y tế.
Hạn chế, tồn tại
Nhận thức của một số ít cấp ủy, chính quyền, sở, ngành, cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý về Quyết định 308/2005/QĐ-TTg chưa sâu sắc, chưa đầy đủ. Việc lãnh đạo, chỉ đạo, học tập, quán triệt và tổ chức thực hiện Quyết định 308/2005/QĐ-TTg ở một số cấp ủy đảng, địa phương, cơ quan, đơn vị chưa thường xuyên, nghiêm túc. Do đó kết quả đạt được trong thực hiện Quyết định 308/2005/QĐ-TTg chưa đồng đều, còn có mặt hạn chế.
Việc tổ chức cưới nhiều ngày, nhiều nơi vẫn còn diễn ra ở một số địa phương. Trong tổ chức đám cưới còn tình trạng mở loa đài công suất lớn, quá giờ quy định ảnh hưởng đến người dân xung quanh; ở thành phố, đô thị còn tình trạng bắc rạp lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của nhân dân, cản trở giao thông. Một số cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong đó có cán bộ lãnh đạo, quản lý, chưa thực sự gương mẫu, tổ chức đám cưới của bản thân hoặc của con còn mời khách tràn lan, ăn uống nhiều ngày, phô trương, lãng phí, gây dư luận không tốt trong nhân dân.
Đối với việc phúng viếng ở một số đám tang còn kéo dài, một số hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, ăn uống trong việc tang chưa được loại bỏ hoàn toàn như việc rải tiền, rải vàng mã trên đường vẫn còn… Cá biệt vẫn còn một số trường hợp lựa chọn ngày giờ dẫn đến tình trạng để người chết quá giờ quy định gây mất vệ sinh và môi trường sống. Tình trạng phô trương lãng phí xây dựng mộ to vẫn còn diễn ra ở một số địa phương, Nhất là tình trạng lộn xộn trong việc sử dụng nhạc tang và sử dụng các phương tiện điện tử phục vụ đám tang chưa đúng quy định ảnh hưởng đến trật tự cộng đồng.
Vĩnh Phúc đẩy mạnh "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa"
Nguyên nhân
Về nguyên nhân khách quan: Mặt trái của cơ chế thị trường và quá trình giao lưu kinh tế, văn hoá tác động tiêu cực đến đời sống xã hội, trong đó có nếp sống, lối sống của nhân dân; Một số tập tục trong việc cưới, việc tang… ở các địa phương trở thành tập quán, trong đó có cả những hủ tục lạc hậu, từ lâu đời ăn sâu trong tiềm thức, lối sống, ứng xử của người dân, đã trở thành lực cản, phải có một thời gian mới thay đổi được.
Nguyên nhân chủ quan: Các cấp, các ngành, các địa phương, cơ quan, đơn vị, có lúc, có nơi còn buông lỏng, chưa thực sự quan tâm sâu sát, chưa thường xuyên, thiếu kiên quyết trong việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện Quyết định 308/2005/QĐ-TTg. Một số việc làm trái, làm sai quy định của Quyết định 308/2005/QĐ-TTg chưa được công khai, xử lý kịp thời, việc biểu dương, khen thưởng đơn vị, cơ quan, địa phương, cá nhân thực hiện tốt chưa được quan tâm đúng mức;
Nhận thức của người dân về Quyết định 308/2005/QĐ-TTg còn chưa đầy đủ, chưa thấu suốt, nên rất khó khăn trong việc vận động xóa bỏ thói quen, nếp cũ. Một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức chưa gương mẫu thực hiện Quyết định.
Đánh giá chung
Các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, cơ quan, địa phương, đơn vị đã quán triệt, tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân về thực hiện các nội dung nêu trong Quyết định; bước đầu tạo được sự chuyển biến tích cực về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang.
Việc cưới từng bước tổ chức theo nếp sống mới, tiết kiệm, văn minh; những lễ cưới truyền thống được khôi phục kết hợp hài hòa giữa nghi lễ truyền thống với xu hướng tiến bộ hiện đại mà vẫn giữ được bản sắc văn hóa Việt trong lễ cưới.
Việc tang đã dần xóa bỏ hủ tục mê tín dị đoan, không tổ chức mời khách ăn uống trong ngày tang lễ. Người dân nhận thức được lợi ích thiết thực của việc tự giác, tôn trọng các quy định về nếp sống văn minh trong việc tang của cộng đồng. Do đó, môi trường xã hội có chuyển biến lành mạnh, ý thức tôn trọng pháp luật của người dân được nâng lân. Hiệu quả vai trò quản lý Nhà nước về văn hóa trong đời sống cộng đồng được khẳng định rõ rệt, góp phần giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, gạt bỏ dần các yếu tố lạc hậu và hủ tục mê tín.
Tuy nhiên, việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Quyết định 308/2005/QĐ-TTg ở một số cấp ủy đảng, địa phương, cơ quan, đơn vị chưa thường xuyên, nghiêm túc. Một số cán bộ, đảng viên, trong đó có cán bộ lãnh đạo, quản lý, chưa thực sự gương mẫu, tổ chức đám cưới còn mời khách tràn lan, ăn uống nhiều nơi, nhiều ngày; trong việc tang vẫn còn tình trạng phúng viếng bằng nhiều vòng hoa gây lãng phí lớn, việc đưa tang rầm rộ bằng nhiều ô tô, xe máy gây cản trở giao thông đi lại. Vẫn còn hiện tượng rắc vàng mã, tiền giấy trên đường đưa tang…
Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, địa phương, cơ quan, đơn vị tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc Quyết định 308/2005/QĐ-TTg; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về xây dựng nếp sống văn minh, nhằm nâng cao và tạo sự thống nhất hơn nữa trong nhận thức và hành động của đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân; tích cực thực hiện tốt chủ trương của Đảng, Nhà nước và của tỉnh về xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang góp phần xây dựng nếp sống văn minh, đời sống văn hóa mới.
Đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”: Tập trung vào củng cố chất lượng và hiệu quả gia đình văn hóa, làng, thôn, khu phố văn hóa, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa. Trong đó lấy việc thực hiện tốt quyết định 308/2005/QĐ0TTg là tiêu chuẩn để xét các danh hiệu này.
Các cơ quan Báo chí của tỉnh và các đài Truyền thanh, truyền hình cấp huyện, thành phố và cơ sở tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền việc thực hiện Quyết định 308/2005/QĐ-TTg, biểu dương những cơ quan, đơn vị, địa phương, tổ chức, cá nhân gương mẫu thực hiện nếp sống văn minh, tiết kiệm; đồng thời phê phán những cơ quan, đơn vị, cá nhân vi phạm.
Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, địa phương, đơn vị quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và gương mẫu đi đầu trong thực hiện Quyết định 308/2005/QĐ-TTg, trong đó tập trung lãnh đạo khắc phục các hạn chế, khuyết điểm đã nêu trên, nhất là việc mời cưới tràn lan, tổ chức nhiều ngày; chưa thực hiện quy định luân chuyển vòng hoa ở đám tang….
Các cấp, các ngành cần tăng cường đôn đốc, kiểm tra, giám sát các cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên về việc thực hiện Quyết định 308/2005/QĐ-TTg và các quy định về xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội... Kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân thực hiện tốt; đồng thời xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, các cơ quan, đơn vị không thực hiện nghiêm Quyết định 308/2005/QĐ-TTg.
Phương Mai