WHO đề nghị thay đổi cách gọi “biến chủng Ấn Độ, Anh” để tránh kì thị
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã công bố cách gọi tên các biến chủng virus SARS-CoV-2 dựa trên bảng chữ cái Hy Lạp, thay vì cách gọi theo tên quốc gia phát hiện đầu tiên. Động thái của WHO diễn ra trong bối cảnh Ấn Độ ngày càng phẫn nộ khi giới truyền thông gọi biến chủng virus B.1.617 là “biến chủng Ấn Độ”.
Theo đề xuất của WHO, đột biến COVID-19 được gọi là "biến chủng Anh" hoặc B.1.1.7 nên được gọi là "Alpha", trong khi chủng đột biến phổ biến ở Nam Phi được đổi tên thành "Beta". Hai biến chủng Brazil, được gọi là P.1 và P.2, lần lượt trở thành Gamma và Zeta, trong khi hai nhánh con của “biến chủng Ấn Độ”, B.1.617.1 và B.1.617.2, được gọi là “Kappa” và “Delta”.
Hai biến chủng khác, được Mỹ báo cáo lần đầu tiên vào tháng Ba năm nay, được gán cho những cái tên bị đánh giá là khó nhớ nhất, là “Epsilon” và “Iota”.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã công bố cách gọi tên các biến chủng virus SARS-CoV-2 dựa trên bảng chữ cái Hy Lạp.
Bà Maria Van Kerkhove - trưởng nhóm chuyên gia COVID-19 của WHO nhấn mạnh các tên gọi mới sẽ không thay thế tên khoa học của biến chủng, vì tên khoa học là sự kết hợp phức tạp giữa các kí tự và số. Thay vào đó, tên mới sẽ giúp mọi người dễ gọi tên các biến chủng trong các cuộc thảo luận công khai. Đồng thời, việc này sẽ giúp xoá bỏ sự kì thị đối với quốc gia đầu tiên phát hiện biến chủng.
Động thái mới của WHO diễn ra trong bối cảnh Ấn Độ ngày càng phẫn nộ khi giới truyền thông gọi biến chủng virus B.1.617 là “biến chủng Ấn Độ”. Bộ Y tế Ấn Độ hồi tháng trước lập luận rằng cái tên được sử dụng tự do trên các phương tiện truyền thông này dễ "gây hiểu lầm”, vì không phải là tên chỉ định bởi WHO.
Trước đó, hồi tháng Hai, Giáo sư Salim Abdool Karim, lúc đó là đồng Chủ tịch Ủy ban Cố vấn Bộ trưởng của Nam Phi về COVID-19, nói với CNN trong một cuộc phỏng vấn rằng hãy ngừng gọi chủng virus đang lan rộng ở đất nước của ông là "biến chủng Nam Phi”. Thay vào, hãy gọi nó bằng tên khoa học: 501Y.V2.
Ý tưởng đúng đắn về mặt chính trị của WHO được nhiều quốc gia ủng hộ. Nhưng cũng khiến nhiều người băn khoăn. Một số nhà quan sát cho rằng các chữ cái Hy Lạp thực sự không dễ nhớ. Trong khi những người khác chỉ ra rằng WHO có nguy cơ “cạn tên” vào một thời điểm nào đó, vì bảng chữ cái Hy Lạp chỉ có 24 chữ cái.
Minh Phương (t/h)