WHO xác nhận ca tử vong đầu tiên do virus lây từ dơi sang người tại Tây Phi cực kỳ nguy hiểm
Reuters cho biết đây là lần đầu tiên khu vực Tây Phi ghi nhận ca tử vong do virus Marburg. Đã có 12 đợt bùng phát Marburg chính kể từ năm 1967, chủ yếu ở miền Nam châu Phi.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết ngày 9-8, Guinea xác nhận ca tử vong đầu tiên do virus Marburg gây bệnh sốt xuất huyết cực kỳ nguy hiểm giống như Ebola.
Ca tử vong ở Guinea được công bố chỉ 2 tháng sau khi quốc gia này tuyên bố thoát khỏi dịch Ebola kể từ đợt bùng phát đầu năm này khiến 12 người thiệt mạng.
Theo WHO, bệnh nhân kể trên - là nam giới - phát hiện triệu chứng sớm ngày 25-7 nên đi điều trị y tế nhưng tình trạng sức khỏe mau chóng xấu đi, cuối cùng tử vong ngày 2-8. Các chuyên gia tại phòng thí nghiệm sốt xuất huyết của Guinea và Viện Pasteur ở Senegal sau đó xác nhận người này mắc virus Marburg.
Ba thành viên gia đình của bệnh nhân này và một nhân viên y tế được xác định là những người có nguy cơ cao đang được theo dõi.
WHO cảnh báo thêm một loại virus lây từ dơi sang người, đã có ca tử vong.
Mười chuyên gia của WHO, bao gồm các nhà dịch tễ học và nhân chủng học, đã được điều động để hỗ trợ cơ quan y tế Guinea. Các phản ứng khẩn cấp bao gồm đánh giá rủi ro, giám sát dịch bệnh, sàng lọc cộng đồng, chăm sóc lâm sàng, kiểm soát nhiễm trùng và hỗ trợ hậu cần.
Giám đốc khu vực châu Phi của WHO Matshidiso Moeti cho hay họ đang hợp tác với các cơ quan y tế để thực hiện phản ứng nhanh chống lại virus Marburg dựa trên kinh nghiệm xử lý dịch Ebola của Guinea trong quá khứ. Hai bệnh này lây truyền theo cách tương tự nhau.
Các trường hợp mắc Marburg và Ebola năm này đều được phát hiện ở quận Gueckedou của Guinea, gần biên giới với Liberia và Bờ Biển Ngà.
WHO cho biết tỉ lệ tử vong do virus Marburg gây ra là từ 24% - 88% trong các đợt bùng phát trước đó. Virus lây lan khi con người tiếp xúc với chất lỏng và mô, bề mặt bị nhiễm. Các triệu chứng mà người bệnh gặp phải bao gồm đau đầu, nôn ra máu, đau cơ và chảy máu.
Cũng theo WHO, virus Marburg có trên cơ thể của loài dơi và có thể lây sang người. Mặc dù không có vắc-xin hoặc phương pháp điều trị cụ thể nhưng nếu người bệnh bù nước bằng đường uống hoặc đường tĩnh mạch, cộng thêm điều trị thích hợp sẽ giúp cải thiện tỉ lệ sống sót.
Phương Mai (T/h)