Xây dựng hệ sinh thái bán dẫn và mốc 3 năm quyết định

10:38, 05/08/2024

Để trở thành một mắt xích quan trọng trong hệ sinh thái bán dẫn toàn cầu, cùng với việc tiếp tục phát huy những lợi thế có sẵn, Việt Nam cần nhìn nhận khách quan, khắc phục những hạn chế tồn đọng nhằm xây dựng và phát triển một hệ sinh thái bán dẫn vững mạnh trong thời gian sắp tới...

Tại tọa đàm “Xây dựng hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn Hà Nội, Việt Nam” trong khuôn khổ Ngày hội kết nối đầu tư công nghệ bán dẫn Thành phố Hà Nội 2024 mới đây, các chuyên gia đồng tình với quan điểm: ba năm tới là thời gian quyết định đối với nỗ lực chuyển mình của hệ sinh thái bán dẫn Việt Nam, vì vậy cần khẩn trương thiết lập chiến lược phát triển rõ ràng từ nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng đến hỗ trợ của Chính phủ.

Ông Nguyễn Thanh Yên, Tổng giám đốc Công ty CoAsia Semi (Hàn Quốc) tại Việt Nam, thẳng thắn cho biết: “Mặc dù Việt Nam đã tham gia vào hệ sinh thái, nhưng mới chỉ đóng góp con người, không phải cả thị trường”. Việt Nam thu hút thành công nhiều tập đoàn bán dẫn lớn trên thế giới trong nhiều năm qua không phải vì Việt Nam là một thị trường thương mại tiềm năng mà do các “ông lớn” lựa chọn đầu tư mở rộng, chuyển dịch đến Việt Nam. Samsung, Intel, Hana hay Micron sang Việt Nam chỉ vì mục đích quan trọng nhất là tận dụng lực lượng lao động của Việt Nam.

Theo ông Yên, khi dân số thế giới ngày càng già hóa, đến năm 2030 thị trường bán dẫn toàn cầu có thể sẽ thiếu khoảng nửa triệu kỹ sư làm chip, đây chính là cơ hội Việt Nam cần tận dụng để bứt phá trong bức tranh bán dẫn chung. “Thêm một người làm chip sẽ bớt đi một người phải chạy xe công nghệ, thêm một người làm chip sẽ bớt đi một người phải xuất khẩu lao động, đây chính là cơ hội chúng ta nhất định phải nắm bắt”, ông Nguyễn Thanh Yên nói.

Đến năm 2030 thị trường bán dẫn toàn cầu có thể sẽ thiếu khoảng nửa triệu kỹ sư làm chip, đây chính là cơ hội Việt Nam cần tận dụng để bứt phá trong bức tranh bán dẫn chung - Ảnh minh họa.

"Ba năm tới là cơ hội cuối cùng của việt nam"

Theo GS.TS. Chử Đức Trình, Hiệu trưởng Trường đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội), mặc dù con người là yếu tố quan trọng nhất để Việt Nam hấp dẫn các tập đoàn bán dẫn hàng đầu thế giới, nhưng cần nhìn nhận rằng thời gian để Việt Nam tận dụng thế mạnh này không còn nhiều. “Ba năm tới sẽ là cơ hội cuối cùng của Việt Nam. Dân số Việt Nam cũng đang có dấu hiệu già hóa nên nếu không tận dụng được cơ hội này, Việt Nam sẽ già trước khi giàu”, GS.TS. Chử Đức Trình khẳng định.

“Để xây dựng hệ sinh thái bán dẫn vững mạnh, Việt Nam vẫn cần thu hút các doanh nghiệp FDI đến đầu tư nhưng cần có chiến lược để thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam đồng hành phát triển cùng các doanh nghiệp FDI. Khi tôi làm việc với các doanh nghiệp lớn, họ bày tỏ muốn tìm các doanh nghiệp phụ trợ để hợp tác nhưng Việt Nam lại không có doanh nghiệp nào có thể đáp ứng” - GS.TS. Chử Đức Trình cho hay.

Bên cạnh đó, từ góc độ thực tế, lãnh đạo các doanh nghiệp bán dẫn tham gia tọa đàm cho rằng sinh viên Việt Nam sau khi ra trường thường thiếu khả năng bao quát tổng thể công việc, xuất phát từ nguyên nhân chương trình giảng dạy thiếu kết nối giữa các môn học. Đồng tình với quan điểm này, GS.TS. Chử Đức Trình cũng chỉ ra nhân lực Việt Nam thường thiếu sức bền để tiến xa dài hạn, đến khoảng 35 tuổi, nhân lực không còn khả năng cạnh tranh với thế hệ lớp trẻ tiếp theo.

Các chuyên gia cho rằng để nâng cao năng lực làm việc của đội ngũ nhân lực, các trường đại học cần đưa kiến thức thực tế từ các doanh nghiệp thành một phần trong chương trình giảng dạy để các sinh viên chưa ra trường cũng đã có cơ hội tiếp cận với sản xuất quy mô sản xuất công nghiệp của doanh nghiệp.

Nếu như sinh viên chỉ học kiến thức hàn lâm và khi bắt đầu đi làm mới được đào tạo nghiệp vụ thực tế như vậy là quá muộn. Ngoài ra, bên cạnh những kỹ năng chuyên môn, các cơ sở giáo dục cũng cần trang bị từ sớm cho sinh viên kỹ năng mềm, văn hóa làm việc…

GS.TS. Chử Đức Trình, Hiệu trưởng Trường đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội).

Cần 'bàn tay" hỗ trợ của nhà nước

Trong năm 2024, kim ngạch xuất khẩu phần cứng và điện tử Việt Nam ước đạt 135 tỷ USD, tuy nhiên, theo GS.TS. Chử Đức Trình, miếng bánh xuất khẩu linh kiện điện tử lại đóng góp chủ yếu từ doanh nghiệp FDI, gần như không có doanh nghiệp Việt Nam. Vì vậy, dù hệ sinh thái bán dẫn Việt Nam bước đầu ghi nhận những kết quả tích cực, nhưng năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước vẫn còn đang hạn chế.

“Để xây dựng hệ sinh thái bán dẫn vững mạnh, Việt Nam vẫn cần thu hút các doanh nghiệp FDI đến đầu tư nhưng cần có chiến lược để thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam đồng hành phát triển cùng các doanh nghiệp FDI. Khi tôi làm việc với các doanh nghiệp lớn, họ bày tỏ muốn tìm các doanh nghiệp phụ trợ để hợp tác nhưng Việt Nam lại không có doanh nghiệp nào có thể đáp ứng”, GS.TS. Chử Đức Trình nói.

Thực tế chỉ khi các doanh nghiệp FDI bước vào thị trường hệ sinh thái bán dẫn, các doanh nghiệp Việt Nam mới có thể phát triển lớn mạnh hơn, từ đó mới xuất hiện các doanh nghiệp khởi nghiệp trong vệ tinh của các ông lớn hàng đầu.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần đặc biệt chú ý quan tâm đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam. Nếu không nuôi dưỡng, không có chính sách tốt cho các doanh nghiệp đó, thì rất khó phát triển cả hệ sinh thái của Việt Nam.

Hệ sinh thái bán dẫn Việt Nam có hai nhóm doanh nghiệp. Nhóm doanh nghiệp lớn gần như không cần hỗ trợ từ phía Nhà nước. Tuy nhiên, bên cạnh đó các doanh nghiệp nhỏ thường không có đầy đủ hệ thống cơ sở vật chất, vì vậy rất cần sự đồng hành, hỗ trợ từ các chính sách của Nhà nước.

Sở dĩ Đài Loan (TQ) hay Hàn Quốc phát triển trở thành những trung tâm bán dẫn như ngày hôm nay là có sự hỗ trợ lớn từ phía nhà nước và đó là nhân tố đóng vai trò quan trọng. “Chính phủ các quốc gia này không nhìn bài toán đầu tư để tìm kiếm lãi, họ nhìn về sự phát triển của cả một hệ sinh thái bán dẫn”, thực tế này từng được cả giới chuyên gia, nhà khoa học và doanh nghiệp Việt Nam khẳng định.

Việt Nam được đánh giá có vị thế thuận lợi, thể chế chính trị ổn định, nguồn nhân lực trẻ, chất lượng cao và đặc biệt, Việt Nam có được sự đồng hành, ủng hộ của nhiều quốc gia, của nhiều doanh nghiệp lớn trên thế giới, thể hiện qua các chuyến thăm của Tổng thống Hoa Kỳ, Tổng thống Hàn Quốc, Thủ tướng Singapore và Thủ tướng Hà Lan...

Riêng đối với Hà Nội, thành phố được đánh giá có nhiều điểm mạnh như dân số đông, nhân lực dồi dào, giỏi, nhiều trường đại học đầu ngành, tuy nhiên chưa có một bản quy hoạch các khu công nghiệp để nhìn nhận đúng nghĩa các điểm mạnh của thành phố...

Theo VnEconomy

https://vneconomy.vn/xay-dung-he-sinh-thai-ban-dan-va-moc-3-nam-quyet-dinh.htm