Xây dựng Lào Cai thành trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và ASEAN với vùng Tây Nam - Trung Quốc
Đề án “Xây dựng Lào Cai trở thành trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam - Trung Quốc” đang được khẩn trương hoàn thiện để có thể trình Chính phủ trong năm nay như kế hoạch đề ra.
- Hệ thống thông tin phản ánh hiện trường tạo môi trường giao tiếp số giữa người dân Lào Cai với chính quyền
- Chiến lược dữ liệu số - Chìa khóa để thúc đẩy Chuyển đổi số tỉnh Lào Cai
- Lào Cai: Tập huấn, hướng dẫn sử dụng mạng truyền số liệu chuyên dùng
- Lào Cai: Thu hồi 4.500 thuê bao di động do chưa chuẩn hoá thông tin
Chiều 12/7, tại Hà Nội, Bộ Công Thương phối hợp với UBND tỉnh Lào Cai tổ chức Hội thảo khoa học “Xây dựng Lào Cai trở thành trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam - Trung Quốc” nhằm tiếp thu những ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, các nhà quản lý để xây dựng, hoàn thiện Đề án.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân và Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường đồng chủ trì Hội thảo.
Nhiều nội dung mới về phát triển và liên kết vùng
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết: Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10 tháng 02 năm 2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, xác định “Xây dựng Lào Cai trở thành một trong những cực tăng trưởng, hạt nhân quan trọng trong phát triển kinh tế vùng. Đồng thời, đưa Lào Cai trở thành trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam Trung Quốc”.
Thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị, ngày 01 tháng 8 năm 2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 96/NQ-CP về Chương trình hành động, và một trong những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu liên quan đến hoàn thiện thể chế phát triển và liên kết vùng là “Hình thành trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam Trung Quốc tại Lào Cai” với thời gian trình Chính phủ trong năm 2023.
Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương được UBND tỉnh Lào Cai lựa chọn làm cơ quan tư vấn thực hiện Đề án “Xây dựng Lào Cai trở thành trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam - Trung Quốc”.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, Đề án chứa đựng nhiều nội dung mới về phát triển và liên kết vùng, đặc biệt là kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam - Trung Quốc.
"Đề án chứa đựng nhiều nội dung mới về phát triển và liên kết vùng, đặc biệt là kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam - Trung Quốc. Do vậy, cần có sự đóng góp ý kiến của các nhà khoa học, nhà quản lý và các bên có liên quan để làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn; đánh giá những khó khăn, hạn chế trong xây dựng Lào Cai trở thành trung tâm kết nối giao thương kinh tế; Lựa chọn một số ngành mũi nhọn để làm nổi bật tính chất “trung tâm kết nối giao thương kinh tế của vùng Trung du và miền núi phía Bắc” của Lào Cai; Đề xuất cơ chế quản lý, chính sách ưu đãi phát triển Lào Cai trở thành trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam - Trung Quốc", Thứ trưởng nhấn mạnh.
Tạo nguồn lực phát triển mới cho tỉnh Lào Cai và vùng Trung du và miền núi phía Bắc
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường cho biết: Đề án đã được xây dựng dự thảo lần 1 vào tháng 5/2023, UBND tỉnh đã tổ chức họp, cho ý kiến để tiếp tục hoàn thiện và đến nay tổ chức Hội thảo khoa học về Đề án, như vậy về cơ bản các bước triển khai xây dựng đang theo đúng tiến độ kế hoạch đã đề ra.
Việc sớm trình và được Chính phủ phê duyệt triển khai Đề án “Xây dựng Lào Cai trở thành trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam - Trung Quốc” sẽ thúc đẩy việc hoàn thiện thể chế, chính sách đặc thù tạo ra nguồn lực phát triển mới cho vùng Trung du và miền núi phía Bắc nói chung và tỉnh Lào Cai nói riêng.
Giới thiệu về kết cấu và nội dung Đề án, đại diện Viện Nghiên cứu Chiến lược chính sách Công Thương - đơn vị tư vấn xây dựng Đề án cho biết, trên cơ sở nghiên cứu bối cảnh quốc tế và bối cảnh trong nước; đánh giá tiềm năng phát triển, nguồn lực, thuận lợi và những khó khăn, hạn chế của Lào Cai, Dự thảo Đề án xác định quan điểm, mục tiêu tổng thể là xây dựng Lào Cai trở thành cực tăng trưởng của vùng Trung du và miền núi phía Bắc; trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam - Trung Quốc; trọng điểm về phát triển du lịch, dịch vụ cửa khẩu, công nghiệp luyện kim, hóa chất, phát triển dược liệu của vùng và cả nước; trung tâm nghiên cứu khai thác, duy trì và phát huy được các nét đẹp của văn hoá các dân tộc vùng Tây Bắc; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội và chủ quyền quốc gia, biên giới, giữ vững môi trường hoà bình, hợp tác, phát triển. Phấn đấu đến năm năm 2030, Lào Cai trở thành tỉnh khá của cả nước, đến năm 2045 trở thành tỉnh phát triển của cả nước.
Một số chỉ tiêu cụ thể là đến năm 2030, hình thành trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam - Trung Quốc về thương mại, dịch vụ, du lịch và công nghiệp của vùng Trung du và miền núi phía Bắc và có khả năng gắn kết được với các địa phương trên hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) 2021-2030 khoảng 10,5%/năm; 2021 - 2025 khoảng 10%/năm; giai đoạn 2026-2030 khoảng 11%/năm; GRDP bình quân đầu người trên 260 triệu đồng/năm. Đến năm 2025, thu ngân sách 15,5 nghìn tỷ đồng; đến năm 2030 phấn đấu tự cân đối được ngân sách. Đến năm 2030 có trên 15.000 doanh nghiệp hoạt động; đến năm 2025, tống giá trị xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu đạt trên 10 tỷ USD, đến năm 2030, đạt trên 15 tỷ USD.
Từ đó, Đề án đề xuất 08 nhóm giải pháp xây dựng Lào Cai trở thành trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam - Trung Quốc, bao gồm: Các giải pháp về quy hoạch; hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tăng cường công tác quản lý nhà nước; hợp tác trong và ngoài nước; huy động các nguồn nhân lực, tài chính cho phát triển mô hình cực tăng trưởng và trung tâm kết nối giao thương; phát triển khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng thu hút nguồn nhân lực; giải pháp về đảm bảo quốc phòng - an ninh.
Dự thảo Đề án kiến nghị Chính phủ xem xét và phê duyệt Báo cáo Đề án “Xây dựng Lào Cai trở thành trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam - Trung Quốc”,đồng thời ban hành Cơ chế chính sách đặc thù; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực; điều phối các hoạt động đàm phán hợp tác quốc tế, hợp tác liên tỉnh.
Đề án cần bám sát các quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh Lào Cai
Thảo luận, góp ý với Dự thảo Đề án, các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện các cơ quan quản lý nhà nước đánh giá cao kết cấu và những hạng mục vấn đề, nội dung Đề án xây dựng. Tuy nhiên, các ý kiến cho rằng Đề án cần tham khảo mô hình phát triển tương đồng đã có của những nước khác trên thế giới. Các giải pháp của Đề án cần cụ thể hơn, trong đó có thể nghiên cứu đề xuất thành lập các khu chế xuất; vấn đề quản lý và phát triển kinh tế đêm; quy hoạch các phương thức giao thông… vào nội dung Đề án. Đặc biệt Đề án cần nhấn mạnh vai trò kết nối với các nước ASEAN và vùng Tây Nam - Trung Quốc, đồng thời cập nhật những xu hướng phát triển chung của khu vực hiện nay để thúc đẩy hơn giao thương giữa Việt Nam và ASEAN với vùng Tây Nam - Trung Quốc.
Các đại biểu thảo luận, góp ý với dự thảo Đề án.
Kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân đề nghị Nhóm tư vấn xây dựng Đề án cần tiếp thu những ý kiến đóng góp, gia cố các nội dung để khẩn trương hoàn thiện Đề án.
Trong quá trình đó, Đề án cần bám sát các Nghị quyết về quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh Lào Cai nhưng theo hướng nâng tầm hơn đó là xây dựng trung tâm kết nối giao thương giữa Việt Nam và ASEAN với vùng Tây Nam - Trung Quốc. Thực hiện đúng kế hoạch, tiến độ đã đề ra; tích cực phối hợp với các Sở, ban, ngành của Lào Cai và các Bộ, ngành liên quan để triển khai hoàn thiện đúng hướng, kịp thời vì đây là Đề án có nội dung lớn, phạm vi rộng.
Thứ trưởng cho biết, Bộ Công Thương sẽ tích cực phối hợp, hỗ trợ tỉnh Lào Cai trong việc nghiên cứu, lồng ghép Đề án với những quy hoạch liên quan như Quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics…