Xuất khẩu linh kiện, phụ tùng ô tô quý I/2025 đạt hơn 3,9 tỷ USD
Linh kiện, phụ tùng ô tô là một trong những mặt hàng chủ lực đem về hàng trăm triệu USD chỉ trong quý I/2025.
Theo số liệu sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, trong tháng 3/2025, xuất khẩu linh kiện, phụ tùng ô tô của Việt Nam đạt hơn 1,44 tỷ USD, tăng mạnh 13,2% so với tháng trước. Tính chung quý I, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này đạt trên 3,9 tỷ USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái, trở thành mặt hàng xuất khẩu lớn thứ 5 của cả nước.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Đáng chú ý, linh kiện, phụ tùng ô tô của Việt Nam không bị đánh thuế đối ứng 46% từ Mỹ.
Nhật Bản tiếp tục là thị trường nhập khẩu lớn nhất với giá trị trên 788 triệu USD, tăng 10% so với quý I/2024. Đứng thứ hai là Hoa Kỳ với kim ngạch hơn 749 triệu USD, dù giảm nhẹ 2% so với cùng kỳ.
Hàn Quốc hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Việt Nam với kim ngạch đạt hơn 417 triệu USD.
Theo Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO), Việt Nam đang đứng thứ ba thế giới về xuất khẩu dây điện ô tô, chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ. Đây là phân khúc xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng kim ngạch linh kiện ô tô của Việt Nam.
Thông tin từ Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, cả nước hiện có khoảng 350 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô, trong đó hơn 60% là doanh nghiệp chuyên sản xuất linh kiện, phụ tùng. Việt Nam hiện là đối tác cung ứng linh kiện ô tô cho nhiều thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan và Đức.
Đáng chú ý, giá trị xuất khẩu linh kiện ô tô của Việt Nam thường cao gấp 1,5-2 lần so với giá trị nhập khẩu. Nhiều trung tâm sản xuất ô tô hàng đầu thế giới như Nhật Bản, Mỹ, EU, Thái Lan hiện đều đang nhập khẩu dây cáp điện ô tô từ Việt Nam, cho thấy vai trò ngày càng quan trọng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng linh kiện ô tô toàn cầu.
Không chỉ đóng vai trò then chốt trong xuất khẩu, lĩnh vực sản xuất phụ tùng ô tô còn tạo ra hàng trăm nghìn việc làm, đóng góp quan trọng vào GDP và thúc đẩy công nghiệp hóa. Đây cũng là lý do khiến Chính phủ đang ưu tiên đầu tư mạnh vào chuỗi cung ứng ngành công nghiệp hỗ trợ.
Các chuyên gia cho rằng Việt Nam cần đầu tư mạnh hơn vào công nghệ sản xuất, quản lý chất lượng, và chuyển đổi số, đồng thời thúc đẩy hợp tác FDI trong ngành công nghiệp phụ trợ. Đặc biệt, cần đẩy nhanh tiến trình xây dựng các khu công nghiệp chuyên biệt, đồng bộ về logistics và cơ sở hạ tầng để thu hút thêm các đối tác lớn như Nhật Bản, Đức, Mỹ và Hàn Quốc.