Yêu Tổ quốc trên không gian mạng
Bên cạnh đất liền, hải đảo, vùng biển, vùng trời của Tổ quốc ta, không gian mạng (nội hàm bài viết này đề cập đến các kênh mạng xã hội - MXH) mà người Việt Nam dùng hàng ngày có thể xem là “Vùng lãnh thổ đặc biệt”.
Trên “Vùng lãnh thổ đặc biệt” này, mỗi ngày ngoài những thông tin tích cực có không ít thông tin xấu độc, tin giả,… như một loại “giặc đặc biệt” đang làm ảnh hưởng đến công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam. Nhận diện đúng, đấu tranh, đẩy lùi, chiến thắng được “giặc đặc biệt” này cũng là hành động yêu Tổ quốc thiết thực.
Hiện thực trên không gian mạng
Mỗi ngày khi bạn mở mạng xã hội (MXH) ra, dù là Youtobe, TikTok hay Facebook,… đều tràn ngập các thông tin tốt, xấu. MXH ngày nay là kênh thông tin lấn át cả phương tiện truyền thông đại chúng chính thống cả về mặt số lượng người dùng lẫn tốc độ thông tin. Báo cáo thường niên về các xu hướng truyền thông xã hội do Meltwater và We are social công bố năm 2024 cho thấy lượng người dùng MXH trên toàn cầu là 5,04 tỷ người, chiếm 62,3% dân số thế giới. Trong khi đó, tại Việt Nam, theo nghiên cứu của Datareportal và Wearesocial, tính đến đầu năm 2024 có 72,70 triệu người sử dụng MXH, tương đương với 73,3% tổng dân số.
Công nghệ 4G, 5G, GenAI,… ngày càng phát triển, ngày càng đáp ứng các yêu cầu về sản xuất nội dung số. Bởi vậy MXH, không chỉ lan tỏa rộng, tốc độ thông tin nhanh, mà còn vì đa chủng loại thông tin, cách truyền tải và bám sát thị hiếu người dùng.
Điều đáng nói, các thông tin xấu độc ngày nay còn lấn át thông tin tốt. Tại kỳ họp Quốc hội diễn ra tháng 11/2024, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang đã nêu các hành vi vi phạm pháp luật phổ biến trên mạng xã hội hiện nay gồm: Hành vi tạo dựng, làm phát tán, đăng tải, chia sẻ, lưu trữ tin giả, tin sai sự thật; xuyên tạc chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, phá hoại khối đại đoàn kết; xuyên tạc, bôi nhọ, hạ uy tín các tổ chức, cá nhân, gây thông tin hoang mang, ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống sinh hoạt của nhân dân; xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp, ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của các tổ chức, cá nhân; thông tin giả, sai sự thật nhằm "câu view, câu like", thậm chí trục lợi, lừa đảo; hành vi phát trực tiếp trên mạng xã hội để phát ngôn, tuyên truyền những nội dung chứa tin giả, tin sai sự thật tác động tiêu cực tới tâm trạng xã hội và tình hình an ninh trật tự.
“Hậu quả của tin giả, tin sai sự thật là khôn lường, gây nhiều hệ lụy nghiêm trọng, trở thành mối đe dọa lớn đối với tình hình kinh tế - xã hội, thậm chí đe dọa trực tiếp đến chủ quyền quốc gia và an ninh toàn cầu”, Bộ trưởng Lương Tam Quang nhận định.
Thông tin về sản xuất trứng gà giả được đăng tải bằng các clip trên nền tảng MXH trong thời gian đây là một ví dụ. Người trong clip cho rằng đây là trứng gà giả, thậm chí còn được sản xuất bằng hóa chất độc hại.
Thông tin về sản xuất trứng gà giả được lan truyền trên MXH. Ảnh chụp màn hình
Trả lời trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam (ngày 22/5/2025), TS. Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, khẳng định: "Đây là vấn đề không thể về mặt khoa học công nghệ, vì cấu tạo của trứng gia cầm là một tế bào đặc biệt, có đặc tính lý hóa và sinh học, rất hoàn hảo là một tế bào, không dễ làm giả được. Tôi khẳng định như vậy vì tôi đã làm nghề chăn nuôi 40 năm, đi khắp nhiều nơi, nhiều nước. Chỉ ở Việt Nam chúng ta mới có những tin đồn thất thiệt về trứng giả".
Hiện nay, trứng là mặt hàng rẻ nhất, để làm ra nó thì giá rất đắt. Trước kia chưa có tin đồn này, trứng có giá 1.400 - 1.500 đồng/quả, bây giờ còn 1.100 - 1.200 đồng/quả. Theo ông Dương, tin đồn này khiến nhiều người không ăn trứng, nhiều doanh nghiệp và hộ chăn nuôi bị thua lỗ nặng, gây hậu quả xã hội rất là lớn.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến, cùng ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Gia cầm Việt Nam cũng đều khẳng định đây là thông tin bịa đặt và kiến nghị Bộ Công an, Bộ NN&MT, Bộ Công thương, Bộ KHCN vào cuộc điều tra, xác minh và xử lý nghiêm các đối tượng đã đưa tin sai sự thật về trứng gà giả. Thực hư clip và hành vi của người đăng tải đang được cơ quan chức năng xác minh nhưng như vậy là chính người Việt chúng ta đã gây thiệt hại kinh tế cho người Việt.
Với sự phát triển của công nghệ, tin tức giả không dừng lại ở việc cắt ghép, pha trộn với những thông tin chưa kiểm chứng, thổi phồng những vấn đề dư luận quan tâm, còn là những thông tin bịa đặt, bóp méo sự thật, xuyên tạc vấn đề hoặc có một phần sự thật nhưng được đưa tin với dụng ý xấu, phân tích và định hướng dư luận bằng luận điệu tiêu cực.
Từ vụ việc Phạm Quang Linh - “Quang Linh Vlogs” bị khởi tố vì hành vi “lừa dối khách hàng” liên quan đến sản phẩm kẹo rau củ Kera. Một số tổ chức, cá nhân có tư tưởng thù địch như Việt Tân, Nhật ký yêu nước,… đã nhanh chóng lợi dụng vụ việc để phát tán những luận điệu sai trái, cho rằng chính “hệ thống chính trị Việt Nam đã tha hóa con người anh”, “từ khi vào hệ thống chính trị, con người Quang Linh đã đổi thay”. Thực chất, đây là thủ đoạn lợi dụng lòng tin của quần chúng đối với một cá nhân nổi tiếng để từ đó gieo rắc hoài nghi, công kích niềm tin vào hệ thống chính trị, gây chia rẽ giữa Nhân dân với Đảng, Nhà nước. Trong khi quan điểm chỉ đạo của Đảng là “không có vùng cấm” trong đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật và suy thoái đạo đức trong hệ thống chính trị, bộ máy của Đảng, Nhà nước.
Theo tác giả Phan Nguyễn Hà Thanh, trong loạt bài “Cuốn phăng luận điệu xuyên tạc, sáng bừng hào khí Đại lễ” đăng trên Báo Quân đội nhân dân ngày 28/4/2025, Đại lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước thu hút sự quan tâm đặc biệt của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta; kiều bào yêu nước và bạn bè yêu chuộng hòa bình khắp thế giới. Tầm ảnh hưởng tích cực và sức lan tỏa mạnh mẽ của các hoạt động kỷ niệm khiến các thế lực thù địch và những đối tượng phản động cay cú, tăng cường thực hiện các chiến dịch truyền thông xuyên tạc, chống phá...
“Một trong những tổ chức phản động lưu vong có tần suất thông tin xuyên tạc dày đặc trên các nền tảng mạng xã hội, chống phá Đại lễ 30/4/2025 của dân tộc, đó chính là tổ chức khủng bố “Việt Tân”. Tổ chức này do Lý Thái Hùng cầm đầu. Với chiêu bài chuyển hướng hoạt động từ khủng bố vũ trang sang “đấu tranh bất bạo động”, “Việt Tân” đã và đang đẩy mạnh tận dụng tiện ích không gian mạng, sử dụng AI để tuyên truyền, gieo rắc thông tin, tư tưởng phản động, dân túy. Từ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 đến nay, "Việt Tân" thực hiện dồn dập các chiến dịch tuyên truyền quy mô lớn, đa hướng, đa kênh, tận dụng các website, trang Facebook,... sử dụng AI nhằm gia tăng lượng tiếp cận, tương tác của người dân trong nước, lan truyền những thông tin mị dân, chống phá đất nước. Chúng biên soạn, tán phát những tài liệu như: “Thư chúc Tết”, “Văn kiện Việt Nam nửa thế kỷ tụt hậu và lối thoát cho tương lai”... có nội dung phủ nhận thành quả cách mạng ngày 30/4/1975, vu cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền, tự do dân chủ; quy chụp Việt Nam “tụt hậu” về kinh tế; từ đó kích động người dân tụ tập, biểu tình, gây bạo loạn, lật đổ chính quyền nhân dân; mở đường cho lực lượng phản động “phục quốc”... [1]
Theo thống kê của Sprout Social - nền tảng cung cấp các giải pháp quản lý phương tiện truyền thông xã hội, hiện Facebook có 3,049 tỷ người dùng, YouTube có 2,491 tỷ, WhatsApp 2 tỷ, Instagram 2 tỷ và TikTok có hơn 1,5 tỷ người dùng hoạt động hàng tháng. Trong khi đó, tại Việt Nam, theo báo cáo của Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT) tại Hội nghị tổng kết, đánh giá hoạt động lĩnh vực thông tin điện tử năm 2024, định hướng năm 2025 (diễn ra cuối tháng 11/2024), tính đến năm 2024, số người dùng Facebook tại Việt Nam là 72 triệu, YouTube đạt 63 triệu và Tiktok là 67 triệu người dùng.
Còn theo báo cáo “Cuộc sống số của người Việt Nam” (Digital life among Vietnamese) được Q&Me phát hành vào tháng 1/2025, có đến 59% người trẻ trong độ tuổi 18 - 29 tuổi dành trên 3 giờ mỗi ngày để sử dụng mạng xã hội. Con số này với những người trong độ tuổi 30 - 39 tuổi là 31%. Báo cáo lưu ý, thời lượng dành cho các nền tảng truyền thông xã hội đặc biệt cao ở những người trong độ tuổi 20.
Thời gian hàng ngày trên mạng xã hội, theo Q&Me
Trên đây chỉ là một số ví dụ trong số hàng chục nghìn tin xấu độc đang được các đối tượng cố tình đăng tải trên MXH. Năm 2024, Bộ TT&TT tiếp tục duy trì việc đấu tranh, yêu cầu các nền tảng phải ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật Việt Nam. Kết quả là Facebook đã chặn, gỡ 8.981 nội dung chống phá Đảng, Nhà nước, vi phạm pháp luật Việt Nam (tỷ lệ 94%); Google đã chặn, gỡ 6.043 nội dung vi phạm trên YouTube (tỷ lệ 91%); TikTok chặn, gỡ 971 nội dung vi phạm, (tỷ lệ 93%).
Tại Hội nghị tổng kết, đánh giá hoạt động lĩnh vực thông tin điện tử năm 2024, định hướng năm 2025, Cục PTTH và TTĐT cho biết, năm 2024, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức khoảng 20 cuộc họp, trao đổi, đàm phán định kỳ, đột xuất với lãnh đạo cấp cao, đại diện của các nền tảng xuyên biên giới lớn như Facebook, Google, TikTok, Netflix, Apple,... để nhắc nhở, đôn đốc các nền tảng này tuân thủ pháp luật Việt Nam trong việc ngăn chặn các thông tin xấu độc nhưng cùng năm lực lượng thanh tra Thông tin và Truyền thông vẫn phải chấn chỉnh đối với 168 tổ chức, cá nhân, trong đó, xử phạt 55 trường hợp với tổng số tiền phạt là 555.939.000 đồng do có hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin sai sự thật xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức.
Với tỉ lệ người dùng lớn như vậy và với nền tảng xuyên biên giới, MXH ngoài mang lại những yếu tố tích cực thì các thông tin xấu độc trên MXH đang tiếp cận đến mọi lứa tuổi, mọi đối tượng, đặc biệt là giới trẻ, tương lại của đất nước. Trong khi khác với các phương tiện truyền thông đại chúng chính thống khác được Nhà nước cấp phép hoạt động, tự do báo chí, tự do thông tin trong khuôn khổ pháp luật cho phép, thì MXH là kênh khó kiểm soát nhất.
Biết đâu là đúng
Nguồn cơn của thông tin xấu độc thường là có chủ ý ban đầu, từ động cơ trục lợi kinh tế, từ các thế lực thù địch, đối tượng chống đối trong và ngoài nước không từ bỏ âm mưu chống phá Đảng và Nhà nước. Trong khi đó, xu hướng chuyển đổi số, ứng dụng số ngày càng cao, mọi hoạt động kinh tế - xã hội đều gắn với xu hướng này khiến môi trường mạng là nguồn dữ liệu cho kẻ xấu lợi dụng tạo nên các nội dung theo ý đồ của mình.
Tin giả như một virus xâm nhập, gây rối loạn dư luận. Ảnh minh họa
Với sự phát triển của công nghệ GenAI, chỉ cần là người bình thường cũng có thể là tội phạm công nghệ cao. Chúng tạo tin giả, xấu độc bằng nhiều phương thức như giả tiếng nói, giả hình ảnh, giả video clip ngắn trên các mạng xã hội hoặc bài viết được tạo giống như tin báo chí chính thống. Trong khi đó, nhiều người có xu hướng cập nhật thông tin qua mạng xã hội chứ không phải báo chí. Lợi dụng tâm lý, thói quen của nhiều người dùng MXH là chỉ đọc lướt, chưa đọc kỹ, nhìn vào số lượng like, share, bị ảnh hưởng bởi tâm lý đám đông mà không cần kiểm chứng, hay phản biện, suy xét thấu đáo, hoặc không có am hiểu để kiểm chứng về các thông tin.
Bên cạnh đó, tội phạm công nghệ cao còn sử dụng hàng nghìn trang mạng có máy chủ đặt ở nước ngoài để phát tán thông tin xấu độc, tin giả tác động trực tiếp tới giới trẻ. Tội phạm còn tinh vi tạo lập trang mạng giả mạo các cơ quan, tổ chức, cá nhân có uy tín để tuyên truyền xuyên tạc, sai sự thật, hạ uy tín của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, hằng ngày, hằng giờ tấn công trực diện vào nền tảng tư tưởng của Đảng, tấn công vào những thiếu sót, hạn chế, từng bước làm thay đổi tư tưởng, nhận thức của người dân, đảng viên, âm mưu hình thành tâm lý phản kháng, thúc đẩy hành vi chống phá chính quyền.
Tin giả như một virus xâm nhập, gây rối loạn dư luận, làm lung lay, thậm chí là khủng hoảng niềm tin. Tin giả, tin xấu độc cũng như “rác”, “quét” mãi chẳng hết. Trong khi đó, thời gian dùng MXH nhiều, thông tin tốt - xấu diễn ra hàng ngày, biết đâu là thông tin đúng, thông tin sai là điều quan trọng đối với người dùng MXH ngày nay. Muốn vậy, người dùng MXH phải bằng nhận thức, trách nhiệm, tỉnh táo trong tiếp nhận và bằng tình cảm yêu quê hương đất nước, trân trọng thành quả mà "Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay” (như lời cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại phiên khai mạc Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, sáng ngày 26/1/2021) để ngăn chặn, đẩy lùi, tẩy chay các tin xấu độc. Mỗi hành vi đúng đắn của người dùng MXH chính là đang đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, một lá chắn, là hành động thiết thực bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt, với giới trẻ, là nòng cốt trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cũng là lượng người dùng MXH lớn nhất hiện nay.
Sự kiên định và sáng suốt của một bộ phận nhân dân là chưa đủ
Bên cạnh những hạn chế, thì MXH cũng có nhiều thông tin bổ ích, lan tỏa những điều tốt đẹp trong đời sống xã hội, trên nhiều phương diện. Cũng giống như người dùng MXH, bên cạnh những người kém hiểu biết, trục lợi kinh tế mà bất chấp, hay những người cố tình gây rối, chống phá đường lối lãnh đạo của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước thì vẫn có nhiều người biết phân biệt tốt xấu, biết trân quý lịch sử và trân quý thành quả của ngày hôm nay để đứng ra phê phán cái xấu, bảo vệ cái tốt, kiên định với lòng mình và kiên định với con đường mà Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn, con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội.
Nhưng chỉ một bộ phận nhân dân kiên định và sáng suốt là chưa đủ, để có sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, “chống giặc” trên không gian mạng, cần có giải pháp tổng thể từ nhiều phía.
Tác giả bài viết đề xuất các giải pháp căn cơ dưới đây:
Một là: Kiên định Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, lý luận cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam và trong công cuộc đổi mới. Trong bối cảnh hiện nay và điều kiện cụ thể của nước ta cần tăng cường tổng kết thực tiễn, bổ sung, phát triển và hoàn thiện hệ thống lý luận nghiên cứu vận dụng sáng tạo, phát huy giá trị lý luận và thực tiễn của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh để mang lại hiệu quả thực tiễn trong Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Đây là minh chứng rõ nét để phản bác lại các quan điểm sai trái của thế lực thù địch.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu để định hình, thiết lập hệ thống luận cứ, luận điểm đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; chú ý nhận diện những vấn đề mà các thế lực thù địch tập trung chống phá để xây dựng luận cứ khoa học thuyết phục, phục vụ và trực tiếp đấu tranh phản bác.
Hai là, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Ba là, tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong bối cảnh xây dựng và phát triển đất nước hiện nay.
Bốn là, trên tinh thần Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”, cần kết hợp hài hòa giữa “xây” và “chống”, trong đó “xây” là cơ bản, “chống” phải quyết liệt, hiệu quả. Đa dạng hóa nội dung, phương thức, hình thức bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch ở nhiều cấp độ, phù hợp với từng đối tượng, từng lĩnh vực và mỗi tầng lớp nhân dân. Không chỉ đấu tranh trực diện trên MXH mà đối với các cơ quan báo chí chính thống, lực lượng báo chí cách mạng Việt Nam cần tăng cường chuyên mục, bài viết sắc bén, khoa học, kịp thời phản bác lại các quan điểm sai trái, thông tin bịa đặt ảnh hưởng đến nhiều phương diện trong đời sống - xã hội. Các cơ quan ngôn luận chính thống cần tăng cường, kịp thời đưa tin, phản biện các vấn đề nóng, dư luận quan tâm, tránh để MXH đi trước một cách rời rạc và chắp vá; tổ chức chiến dịch truyền thông thống nhất, đa dạng, rộng rãi, có sự phối hợp đồng bộ của nhiều lực lượng để tăng tính hiệu quả và sức lan tỏa. Dự thảo Luật báo chí sửa đổi dự kiến thông qua tại kỳ họp Quốc hội vào tháng 10 tới cho phép báo chí chính thống phân phối sản phẩm báo chí trên các kênh MXH. Điều này sẽ thúc đẩy phương châm “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”.
Đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về truyền thông, báo chí, nhất là quản lý thông tin trên internet và mạng xã hội. Khẩn trương hoàn thiện các quy định pháp lý về quản lý các hoạt động trên không gian mạng, tạo căn cứ để cảnh báo, răn đe và xử lý các trường hợp vi phạm.
Năm là, việc “chống” không chỉ bằng lý luận, lời nói hay nghị quyết mà “lời nói đi đôi với việc làm”, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ án, vụ việc tham nhũng, nhất là các vụ án, vụ việc nghiêm trọng phức tạp, dư luận xã hội quan tâm để thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật và thể hiện rõ quan điểm trong đường lối lãnh đạo của Đảng, đánh bại âm mưu của các thế lực thù địch, phản động, phần tử xấu lợi dụng xuyên tạc, chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước ta, làm cho dân tin, dân hiểu và ủng hộ công cuộc của Đảng ta.
Sáu là, lấy công nghệ để chống công nghệ, nếu như lẻ xấu lợi dụng công nghệ để tạo các nội dung xấu độc, thì chúng ta tăng cường các giải pháp công nghệ, kỹ thuật để phát hiện sớm, ngăn chặn tận “gốc” nguồn phát tán những tư tưởng, quan điểm sai trái, thù địch, ngăn chặn các trang mạng độc hại. Nhà nước tăng cường đầu tư nền tảng công nghệ để các phương tiện truyền thông đại chúng chính thống tan tỏa nội dung tốt đẹp rộng rãi, kịp thời, từng bước giành thế chủ động, làm chủ thế trận tiến công về thông tin tư tưởng, lý luận trên internet.
Bảy là, vấn đề về con người. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Đảng ta đã xác định: “Con người là trung tâm của chiến lược phát triển, đồng thời là chủ thể phát triển. Kết hợp và phát huy đầy đủ vai trò của xã hội, gia đình, nhà trường, từng tập thể lao động, các đoàn thể và cộng đồng dân cư trong việc chăm lo xây dựng con người Việt Nam giàu lòng yêu nước, có ý thức làm chủ, trách nhiệm công dân; có tri thức, sức khỏe, lao động giỏi; sống có văn hóa, nghĩa tình; có tinh thần quốc tế chân chính”[2].
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Đảng ta tiếp tục khẳng định: “Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện phải trở thành một mục tiêu của chiến lược phát triển.”[3].
Đại hội XIII xác định: Động lực và nguồn lực phát triển quan trọng của đất nước là “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, ý chí tự cường và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phát huy tối đa nhân tố con người, coi con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và mục tiêu của sự phát triển; lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam là nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng, nhiệm vụ phát triển văn hóa, con người là một nhiệm vụ trọng yếu bảo đảm sự phát triển bền vững.”[4].
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”[5] và Người khẳng định: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, trước hết cần có những con người xã hội chủ nghĩa”[6]. Một trong những tiêu chuẩn của những con người mới này là phải có đạo đức và lối sống lành mạnh.
Do đó, không chỉ dựa vào việc quản lý, xử phạt của cơ quan chức năng, trước hết mỗi người trong chúng ta phải có ý thức, hành vi sử dụng MXH văn minh, biết tận dụng MXH để làm lợi cho cá nhân một cách chính đáng, làm lợi cho đất nước, tẩy chay, đẩy lùi những nội dung không lành mạnh để MXH là nơi phát huy những giá trị tốt đẹp hơn. Mỗi cán bộ, đảng viên phải thật sự nêu gương sáng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, đặt lợi ích quốc gia lên trên hết, trước hết.
Đồng thời với đó, công tác con người cần gắn với đào tạo, bồi dưỡng, giáo dục cán bộ, đảng viên, học viên, sinh viên, với công tác tổ chức, cán bộ, bảo vệ nội bộ, xây dựng tổ chức đảng và xây dựng đơn vị trong sạch, vững mạnh. Đặc biệt đẩy mạnh công tác tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân, nhất là trong giới trẻ về lịch sử dân tộc, lịch sử cách mạng và lịch sử Đảng, từ đó hình thành nhân sinh quan cách mạng, nâng cao bản lĩnh chính trị, năng lực phân biệt đúng - sai, khả năng miễn nhiễm trước các thông tin xấu, độc. Tiếp tục phát triển đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác tư tưởng, lý luận có bản lĩnh, trí tuệ, năng lực, phương pháp và kỹ năng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Khi lực lượng trẻ, là đối tượng sử dụng MXH nhiều nhất cũng trở thành “Chiến sỹ xung kích” nhất thì việc bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng ngày càng trở nên thuận lợi.
Tám là, cần hoàn thiện hệ thống Luật pháp về quản lý Nhà nước trên KGM phù hợp với thông lệ quốc tế và quốc gia. Mặc dù hiện nay đã có Luật An ninh mạng; Nghị định 15/2020/NĐ-CP về “xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử” và đã có Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội quy định cho tổ chức, cá nhân do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Ngày 17/6/2021. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, vẫn cần chế tài đủ mạnh, đủ sức răn đe.
Chín là, cơ quan chức năng, cơ quan truyền thông đại chúng cần truyền thông, phổ biến nhận diện các thông tin xấu độc để chủ động phòng tránh, đẩy lùi.
Đó là khi tiếp nhận thông tin từ MXH, cần kiểm tra, xem xét kỹ, kiểm chứng nguồn tin, cần nâng cao cảnh giác, tránh việc bình luận, like, chia sẻ tạo hiệu ứng lan truyền tin giả, độc hại; cảnh giác với nguồn tin phát ra từ trang mạng của những cá nhân, tổ chức thường xuyên đưa tin có nội dung tiêu cực, sai trái, có thái độ nhìn nhận không phù hợp với quan điểm chính thống; cảnh giác với các nick ảo, nick không chính danh,
Có kỹ năng nhận diện thông tin xấu, độc, biết sử dụng công nghệ để kiểm chứng, chặn các nick ảo, lọc, xóa, báo xấu... các thông tin xấu, độc trên mạng xã hội để không cho các thông tin đó lan truyền dễ dàng. Cần cẩn thận cân nhắc xem nên comment (bình luận), like (thích), share (chia sẻ), dẫn link hay không nên một vấn đề nào đó, để tránh việc vô tình trở thành cầu nối giúp lan tỏa thông tin xấu, độc. Tăng cường cập nhật tin tức từ Cổng thông tin điện tử của cơ quan Đảng và Nhà nước, các cơ quan báo chí chính thống để có thông tin chính thống về một sự việc, tránh tâm lý đám đông trên MXH khi chưa biết đúng - sai.
Tài liệu tham khảo
[1], Phan Nguyễn Hà Thanh, https://www.qdnd.vn/phong-chong-dien-bien-hoa-binh/cuon-phang-luan-dieu-xuyen-tac-sang-bung-hao-khi-dai-le-bai-1-quet-rac-bang-tu-duy-bien-chung-826061, truy cập ngày 20/5/2025
[2], Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, H.2011, tr.76-77l; tr.107-108l
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, H.2016, tr. 126-127l
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương khóa VIII, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, H.1998, tr.58-69l
[5] [6], Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, H.2021, t.I, tr.215-216; tr. 214; tr143
[7], Trần Thị Giang: https://tudonghoangaynay.vn/de-van-hoa-soi-duong-cho-quoc-dan-di-270.html, truy cập ngày 21/5/2025