Giải pháp đồng bộ phát triển ngành điện gió Việt Nam vững mạnh

09:44, 02/12/2022

Ngày 1/12, tại Hà Nội, Hội nghị Điện gió Việt Nam (VWP) 2022 chính thức khai mạc.

 Đại sứ Na Uy tại Việt Nam, bà Hilde Solbakken chia sẻ kinh nghiệm phát triển năng lượng gió của Na Uy.

Đây là sự kiện thường niên lớn nhất của ngành công nghiệp điện gió Việt Nam, hội nghị do Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu (GWEC) tổ chức từ năm 2018, đem đến cơ hội để các chuyên gia, tổ chức trong nước và quốc tế trao đổi kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm và góp ý cho việc hoàn thiện khung chính sách phát triển điện gió tại Việt Nam, đặc biệt là điện gió ngoài khơi, hướng tới mục tiêu chung bảo đảm an ninh năng lượng và chống biến đổi khí hậu.

Hội nghị thu hút sự tham gia của 350 đại biểu là lãnh đạo Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các địa phương trên cả nước, đại diện đại sứ quán các nước tại Việt Nam, các doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề liên quan, các tổ chức và tập đoàn lớn trong và ngoài nước, các chuyên gia đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học trong nước và quốc tế.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công thương Phạm Nguyên Hùng cho biết, là nước nhiệt đới với bờ biển dài hơn 3.200km, tổng diện tích biển khoảng 1 triệu km2, Việt Nam được đánh giá là có tiềm năng điện gió và điện gió ngoài khơi rất lớn.

Theo ông Hùng, Việt Nam là quốc gia dẫn đầu khu vực về gia tăng công suất nguồn điện năng lượng tái tạo. Tính đến hết năm 2021, tổng công suất lắp đặt nguồn điện năng lượng tái tạo đã đạt khoảng 20,7GW, chiếm hơn 27% tổng công suất lắp đặt của hệ thống điện, trong đó điện gió khoảng 4GW.

Cho rằng trên thế giới, công nghệ năng lượng tái tạo đang phát triển vượt bậc, chi phí công nghệ đang giảm nhanh, các giải pháp công nghệ về truyền tải, lưu trữ điện đang có những tiến bộ mới, ông Hùng khẳng định, đây là cơ hội tốt để Chính phủ tiếp tục xây dựng chính sách, kế hoạch hiện thực hóa mục tiêu chuyển dịch năng lượng theo hướng tăng trưởng xanh.

Trong đó, các nguồn điện tái tạo, nhất là điện gió trên bờ và điện gió ngoài khơi được dự báo sẽ phát triển mạnh mẽ, trở thành nền tảng cho bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia trong dài hạn.

Do đó, phát triển điện gió, điện gió ngoài khơi và từng bước hình thành ngành công nghiệp nội địa về lắp đặt, thi công, chế tạo thiết bị nhằm tăng tính tự chủ, giảm giá thành là định hướng lớn của Chính phủ trong những năm sắp tới.

Ông Vương Anh Dũng, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn và xây dựng điện 4 (EVNPECC4), cho rằng, với tính chất là nguồn tài nguyên thiên nhiên vô tận, điện gió đóng vai trò như một giải pháp rất quan trọng để bảo đảm tự chủ và an ninh năng lượng quốc gia, đặc biệt trong bối cảnh bất ổn về an ninh năng lượng trên thế giới, cũng như có vai trò quan trọng trong hiện thực hóa các cam kết phát thải ròng bằng 0 (net zero) của Việt Nam.

Ông Dũng cũng nêu rõ, là một nền kinh tế đang phát triển với GDP bình quân đầu người còn ở mức trung bình thấp, để đạt được mục tiêu net zero nói chung và phát triển điện gió nói riêng rất cần sự chung tay hỗ trợ về mặt tài chính của quốc tế trên cơ sở chuyển dịch năng lượng công bằng.

Đặc biệt do điện gió ngoài khơi vẫn còn khá mới so với các nguồn năng lượng truyền thống nên việc xây dựng, ban hành cơ chế chính sách trong phát triển các loại hình năng lượng này ở Việt Nam cũng chưa có nhiều kinh nghiệm và cơ sở thực tiễn còn thiếu và chưa đồng bộ.

Do vậy, ông Dũng cho rằng, bên cạnh sự quyết liệt của Chính phủ, rất cần chia sẻ kinh nghiệm và tư vấn từ các quốc gia phát triển hơn trong lĩnh vực này để hoàn thiện khung pháp lý và tạo cơ chế, chính sách thuận lợi, góp phần thúc đẩy phát triển điện gió cũng như năng lượng tái tạo tại Việt Nam.

Thúc đẩy các giải pháp đồng bộ phát triển ngành điện gió Việt Nam ảnh 2

(Nguồn: Dự thảo Quy hoạch Phát triển điện lực VIII và Tờ trình số 7194/TTr-BCT ngày 11/11/2022 của Bộ Công thương)

Dự thảo Quy hoạch Điện VIII đặt ra mục tiêu là 7 GW điện gió ngoài khơi và 21 GW điện gió trên bờ vào năm 2030. Trong khi đó, Việt Nam là một trong những quốc gia có nguồn tài nguyên tốt nhất trên toàn cầu. Việt Nam có hệ thống cảng biển tự nhiên phù hợp cho các dự án điện gió ngoài khơi, và một lực lượng lao động có nhiều kỹ năng được chuyển giao từ lĩnh vực dầu khí. Chính phủ Việt Nam rất quan tâm tới việc tạo môi trường thuận lợi cho chuyển dịch năng lượng và phát triển năng lượng tái tạo. Bên cạnh đó, một lợi thế khác là Việt Nam có đường bờ biển dài và nguồn gió ngoài khơi đủ lớn.

Hội nghị Điện gió Việt Nam (VWP) 2022 sẽ được diễn ra từ ngày 1/12 đến 2/12/2022.

Bảo Trân (T/h)