Chính sách-Pháp luật

Huyện Đan Phượng cần có cơ chế bảo vệ các "chiến sĩ chống dịch" ở cơ sở

12:16, 12/09/2021

Sau khi Tổ Phòng chống Covid-19 Cụm 4, xã Thọ An, huyện Đan Phượng, Hà Nội phản ánh lãnh đạo xã tắc trách, khiến hàng trăm người tập trung viếng đám ma, chủ tịch xã đã bị đình chỉ chức vụ. Tuy nhiên, thay vì khen thưởng, ghi nhận tinh thần chống dịch của Tổ Phòng chống dịch Cụm 4, UBND xã Thọ An lại tạm đình chỉ nhiệm vụ Cụm trưởng, kiêm Tổ trưởng Chốt phòng chống Covid-19 Cụm 4.

Ông Nguyễn Trần Quyết, Chủ tịch UBND xã Thọ An đang bị đình chỉ chức vụ do trên địa bàn xã có đám tang đông người tham dự vi phạm Chỉ thị 17 của TP Hà Nội. Ảnh: ND

Huyện Đan Phượng có báo cáo đúng thực tế?

Liên quan đến vụ việc tập trung đông người viếng đám tang, ngày 9/9, UBND xã Thọ An đã ban hành quyết định tạm đình chỉ nhiệm vụ Cụm trưởng Cụm Dân cư số 4 (Cụm 4) đối với bà Trần Thị Gấm. Thời gian đình chỉ từ ngày 9/9 đến ngày 23/9.

Theo quyết định do Phó Chủ tịch UBND xã Thọ An Lê Hữu Hiệp ký, bà Gấm “thiếu trách nhiệm trong việc chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, tổ chức đám tang tại Cụm Dân cư số 4 để tập trung đông người trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội”. Quyết định này yêu cầu bà Gấm phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc xem xét, làm rõ trách nhiệm của cá nhân trong việc chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, tổ chức đám tang trên.

Trước đó, sau khi xảy ra sự việc đông người tập trung đưa tang tại xã Thọ An ngày 19/8, bà Gấm cùng các thành viên Tổ Covid-19 cộng đồng Cụm 4 đã làm đơn gửi các cơ quan chức năng có thẩm quyền đề nghị xử lý vụ việc, đồng thời phản ánh thông tin tới các cơ quan báo chí.

Vào cuộc xác minh, UBND huyện Đan Phượng đã tạm đình chỉ chức vụ đối với ông Nguyễn Trần Quyết - Chủ tịch UBND xã Thọ An và ông Trần Văn Hải, công chức văn hóa - xã hội xã Thọ An (người có thân nhân qua đời và tổ chức đám tang hôm 19/8).

Theo báo cáo ban đầu của UBND huyện Đan Phượng, đối với việc đưa tang sáng ngày 19/8, thành phần trực tiếp đưa tang gồm 38 người. Ngoài ra, thời điểm đưa tang còn có 33 người, gồm 8 người là những hộ dân ven đường đứng xem và 25 người đang di chuyển trên đường gặp đám tang đã nhường đường không di chuyển vượt đoàn.

Trao đổi với PV, bà Trần Thị Gấm tỏ ra vô cùng bất ngờ và bức xúc khi nhận được thông báo đình chỉ nhiệm vụ. Bà cho biết, đã làm đơn khiếu nại, kêu cứu tới lãnh đạo huyện Đan Phượng cũng như TP Hà Nội. Bà Gấm cho rằng quy kết bà thiếu trách nhiệm là không đúng. Lẽ ra, Tổ Covid cộng đồng của bà phải được khen thưởng thì nay chính quyền lại đình chỉ nhiệm vụ đối với bà.

“Sự việc có dấu hiệu trù dập người tố cáo tiêu cực và mang tính chất tư thù cá nhân” - bà Gấm bất bình.

Về sự việc tập trung đông người tại đám tang, bà Gấm cho biết, đã có giải trình với chính quyền xã cũng như đoàn kiểm tra công vụ của huyện Đan Phượng.

Theo bản giải trình: Sau khi nhận được đề nghị nới lỏng chốt kiểm dịch từ gia đình có người thân qua đời, Tổ Covid cộng đồng Cụm 4 không đồng ý, yêu cầu phải có văn bản của xã. “Tổ Covid chúng tôi đã gọi điện báo cáo Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND xã Thọ An, đề nghị cử cán bộ xuống phối hợp cùng cụm dân cư trong việc đảm bảo phòng dịch tại đám tang, nhưng xã không cho người xuống. Ngoài việc phân công người gọi cho anh Quyết, Chủ tịch xã thì trực tiếp tôi cũng gọi điện cho anh Hiệp (Phó Chủ tịch UBND xã Thọ An - PV), nhưng anh Hiệp bảo "các bà cứ ấy đi’". Tôi hỏi "ấy đi là làm thế nào" thì anh Hiệp không trả lời” - bà Gấm nói.

Không nhận được sự hỗ trợ của UBND xã Thọ An, theo bà Gấm, Tổ Covid cộng đồng Cụm 4 vẫn thực hiện theo đúng kế hoạch của cụm dân cư, cử người trông chốt, cắt cử người đo thân nhiệt và ghi chép tại gia đình tang chủ.

Cũng theo giải trình của bà Gấm với đoàn kiểm tra công vụ huyện Đan Phượng, Tổ Covid cộng đồng chỉ kiểm soát được người qua chốt chính. Trong khi đó, rất nhiều người dân đã chui qua các chốt cứng để vào viếng đám ma. Bà Gấm khẳng định Tổ covid đã làm việc hết sức trách nhiệm, nhưng không được sự hỗ trợ từ lãnh đạo xã, nên không thể làm tốt hơn.

Đối với sự việc đông người đưa tang sáng 19/8, bà Gấm khẳng định, số người thân trong gia đình tang chủ và người dân gần nhà đi đưa tang quá đông. “Đó không phải là người dân đứng xem bên đường, hôm đó cũng không phải vào buổi chợ. Một số ý kiến nói là người dân đi chợ và đứng xem bên đường là không đúng” - bà Gấm phản bác thông tin trong báo cáo của UBND huyện.

Nói về quyết định đình chỉ, bà Gấm cho rằng, quyết định này có dấu hiệu trù dập, mang tính tư thù cá nhân. “Chốt trực của chúng tôi do 2 cụm dân cư số 3 và số 4 thay nhau phụ trách. Riêng tổ của tôi cũng có 9 thành viên, nếu có thiếu sót thì trách nhiệm ở đây là trách nhiệm của tập thể, tại sao lại quy kết cho riêng cá nhân tôi” - bà Gấm bức xúc.    

Trả lời báo chí ngày 11/9, ông Nguyễn Hữu Hoàng, Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng cho rằng, việc UBND xã Thọ An đình chỉ chức vụ đối bà Trần Thị Gấm, Cụm trưởng Cụm Dân cư số 4 rất dễ gây mất uy tín, huyện đã chỉ đạo làm rõ.

Ông Hoàng cho biết: "Xã không báo cáo huyện khi làm việc này. Huyện đã giao cho Phòng Nội vụ làm rõ việc đình chỉ như vậy là đúng hay sai. UBND xã Thọ An đã làm giải trình về vụ việc. Trên cơ sở đó, sẽ xem xét toàn diện để tránh dư luận cho rằng có việc trù dập cán bộ”.

Lãnh đạọ huyện Đan Phượng khẳng định cán bộ ở cấp cụm dân cư là cánh tay nối dài của chính quyền, có vai trò giúp việc cho cấp xã chứ không làm thay được. Trong việc để tập trung đông người tại đám ma giữa lúc toàn TP Hà Nội đang thực hiện giãn cách còn nhiều vấn đề cần làm rõ thêm, nhất là trách nhiệm của từng cán bộ. "Năng lực làm việc của cán bộ xã Thọ An yếu kém, làm ảnh hưởng uy tín chung đến cả huyện Đan Phượng”, ông Hoàng nói.

Về hướng xử lý, Chủ tịch huyện cho biết: "nếu UBND xã Thọ An làm không đúng thì kiên quyết yêu cầu huỷ bỏ quyết định đình chỉ. Cấp huyện sẽ xem xét trên cả phương diện tính chất, động cơ, mục đích của việc đình chỉ nhiệm vụ đối với bà Gấm như vậy là đúng hay sai. Nếu xác định rõ sai phạm sẽ xử lý nghiêm, không bao che. Mức độ kỷ luật sẽ tuỳ theo vi phạm, tuy nhiên, không loại trừ việc xem xét ở mức cảnh cáo. Đồng thời, kết hợp xem xét thêm cả trách nhiệm của việc để tập trung đông người trong thời gian giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19. Trước có 1 khuyết điểm thì nay sẽ là 2”.

Chủ tịch xã liên tục bị tố cáo

Năm 2018, Báo Thanh tra từng đăng bài "Đan Phượng: Chủ tịch UBND xã Thọ An bị tố có nhiều sai phạm", phản ánh ông Nguyễn Trần Quyết được huyện Đan Phượng cử về xã Thọ An từ khoảng năm 2005, đã vi phạm vào Điều lệ Đảng khi chưa đủ 12 tháng đảng viên dự bị đã được chuyển đảng viên chính thức. Ngoài ra, còn các nội dung khác như: Trong thời gian ông Quyết làm cán bộ phụ trách mảng xây dựng cho đến thời điểm hiện tại làm Chủ tịch UBND xã Thọ An, lợi dụng chức vụ thi công các công trình xây dựng đã bớt xén chất lượng cũng như nhiều hạng mục công trình trong thiết kế đã được duyệt, thẩm định như: Công trình kè ao Đình Nguyên Xá, xã Thọ An; dự án xây dựng Trường Mầm non xã Thọ An; công trình làm đường bê tông tại nghĩa trang xã Thọ An.

Mới đây, ông Quyết lại tiếp tục bị công dân tố cáo.

Ngày 4/8/2021, Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng có Văn bản số 1443 về việc giải quyết đơn của công dân tại xã Thọ An gửi Thanh tra huyện, nêu: "UBND huyện Đan Phượng nhận được đơn và phiếu chuyển số 22 ngày 29/7/2021 của Văn phòng Huyện ủy Đan Phượng chuyển đơn của công dân tại Cụm 10, xã Thọ An với nội dung: Tố cáo ông Nguyễn Trần Quyết, Chủ tịch UBND xã Thọ An cưỡng chế công trình xây dựng sai đối tượng; buông lỏng quản lý đất đai để nhiều hộ gia đình xây dựng trên đất nông nghiệp mà không bị xử lý theo quy định.

Sau khi xem xét, UBND huyện có ý kiến chỉ đạo như sau: Giao Thanh tra huyện xem xét, tham mưu cho UBND huyện giải quyết đơn của công dân theo quy định, báo cáo UBND huyện trước ngày 30/9/2021 và thông báo kết quả đến Ban tiếp công dân huyện theo dõi, tổng hợp".

Còn theo đơn tố cáo của công dân Cụm 10, xã Thọ An liệt kê thì tại địa phương có khoảng 20 hộ gia đình xây dựng công trình nhà ở trên đất nông nghiệp trái pháp luật nhưng không được xử lý theo quy định.

Đây không phải lần một, lần hai ông Nguyễn Trần Quyết bị tố cáo. Trước đó, Báo Thanh tra đã có nhiều phản ánh về việc tố cáo của người dân xã Thọ An đối với Chủ tịch UBND xã này cũng về vấn đề buông lỏng quản lý đất đai và đã được UBND huyện Đan Phượng kết luận.

Thậm chí, ông Quyết để chính mẹ đẻ của mình xây dựng công trình trên đất nông nghiệp được ưu ái cho tồn tại còn người dân khác thì xử rất nghiêm. Về việc này, ông Quyết cho biết, mẹ đẻ ông đã mua khoảng hơn 6 sào đất nông nghiệp từ cuối năm 2016, đầu năm 2017, xa khu dân cư để chăn nuôi nhưng sau đó có cho người khác thuê lại và họ đã xây dựng chuồng trại để chăn nuôi khi chưa được cấp phép. Khi được phát hiện, ông đã cho nhắc nhở và yêu cầu tự tháo gỡ.

Báo Thanh tra sẽ tiếp tục thông tin

 Theo Nam Dũng/thanhtra.com.vn