Kỳ 6: Vì sao lại nói 3 mạch tri thức DL, IT và CS hòa quyện?

13:45, 16/11/2020

Trong bản đề cương chương trình môn Tin học trong CTGDPT mới, nếu để ý, chúng ta sẽ thấy cụm từ "3 mạch trí thức DL, IT và CS hòa quyện" được nhắc lại nhiều lần. Vì sao lại như vậy? Thật ra theo tôi chữ "hòa quyện" ở đây không thật chính xác và chưa phản ánh đúng nhất quan hệ giữa 3 mạch tri thức này. Có thể bỏ hẳn từ "hòa quyện" này khi nhắc đến 3 khái niệm này.

Điều quan trọng nhất là các GV phải hiểu rằng các khái niệm này mặc dù là khác biệt nhau nhưng giữa chúng vẫn có các quan hệ đặc biệt, liên quan, tương hỗ lẫn nhau. Chúng ta cùng tìm hiểu các quan hệ tương hỗ, hòa quyện này trong phần này. Có 4 ý quan trọng sau:

1. Trước tiên cần nhấn mạnh ngay rằng DL, IT, CS là các khái niệm độc lập, hoàn toàn khác biệt nhau, và cùng đứng trong chương trình môn Tin học. Các định nghĩa và so sánh giữa chúng đã được nêu trong các phần trên của bài viết này.

2. Tuy nhiên, việc phân loại kiến thức thành 3 mạch (hướng) CS, IT, DL là không có ranh giới rõ ràng. Trong sơ đồ 3 vòng tròn mô tả 3 định hướng này chúng ta thấy các vòng tròn này không rời nhau, có sự chồng lấn nhau.

 

Thật vậy có rất nhiều kiến thức và chủ đề kiến thức không thể phân loại chính xác nằm trong mạch kiến thức cụ thể nào. Có những chủ đề kiến thức có thể nằm trong 2 hoặc cả 3 mạch tri thức này.

Ví dụ 1: Bài học thực hành liên quan đến bảng tính điện tử (ví dụ Excel). Các thao tác cơ bản liên quan đến nhận biết, tính toán dữ liệu trên các ô bảng tính có thể được coi những các kỹ năng cơ bản thuộc về DL (học vấn số hóa phổ thông). Mặt khác các tính toán ứng dụng thành thạo bảng tính có thể được coi là ứng dụng CNTT, phần mềm thuần túy và đương nhiên thuộc về mạch kiến thức IT (ứng dụng CNTT). Đặc biệt hơn nữa trong rất nhiều chương trình Tin học, việc tính toán, xử lý dữ liệu, vận dụng các hàm xử lý số trên các ô bảng tính được coi là các kiến thức về phân loại và biểu diễn số cơ bản và được xếp vào lĩnh vực Khoa học máy tính - CS.

Ví dụ 2: Lập trình. Cho đến bây giờ các chuyên gia giáo dục vẫn còn chưa thống nhất là nên xếp các bài học lập trình cụ thể vào hướng nào, IT hay CS. Nhiều người trong chúng ta vẫn hiểu đương nhiên lập trình phải thuộc mảng khoa học máy tính, tức là CS. Tuy nhiên trên thế giới hiện nay, lập trình vẫn được coi là 1 nghề, và được xếp vào mạch tri thức IT.

3. Một lý do nữa cho việc vì sao cần phải "hòa quyện" các mạch tri thức CS, IT, DL là bản thân các khái niệm liên quan đến các mạch kiến thức này đã và vẫn đang thay đổi theo thời gian và không thể cố định vào 1 khung nào đó. Công nghệ và ứng dụng công nghệ đang thay đổi rất nhanh trên thế giới. Có những kiến thức hôm nay là kiến thức nền tảng thì ngày mai đã trở thành các ứng dụng thuần túy. Có những kỹ năng hôm nay được coi là khó thì ngày mai đã trở nên rất đơn giản.

Ví dụ soạn thảo văn bản. Nếu như cách đây 10-15 năm khi các ứng dụng của Tin học văn phòng còn chưa phổ biến thì soạn thảo văn bản, các bài học kỹ năng gõ bàn phím được xếp vào lĩnh vực ứng dụng CNTT - IT. Nhưng hiện nay khi các ứng dụng văn phòng trở nên rất phổ biến thì soạn thảo văn bản sẽ được coi là những kỹ năng cơ bản và sẽ được xếp vào lĩnh vực học vấn số hóa phổ dụng - DL. Các giới hạn của DL, IT và cả CS cũng thay đổi theo thời gian, do đó các mạch tri thức này sẽ có chồng lấn là tất nhiên.

4. Có thể tóm tắt quan hệ "hòa quyện" giữa 3 mạch CS, IT, DL như sau:

- Đây là 3 mạch tri thức hoàn toàn khác biệt, được định nghĩa chính xác, rõ ràng và độc lập hoàn toàn với nhau.

- Tuy nhiên rất khó xác định ranh giới kiến thức cụ thể giữa 3 định hướng nội dung này. Thực tế có sự giao thoa, chồng lấn giữa các mạch kiến thức này như đã trình bày ở trên.

- Điểm cuối cùng cần nhớ: trong 3 mạch tri thức này, mạch CS có tính ổn định cao nhất và sẽ càng ngày càng đóng vai trò trọng tâm của môn Tin học. 2 mạch IT và DL thì ngược lại, sẽ thay đổi theo thời gian, và sự thay đổi này ngày càng diễn ra nhanh chóng. Đây là điểm đặc biệt nhất mà các GV Tin học cần nhớ rõ.

Kỳ 7: Thế nào là chương trình môn học định hướng năng lực?

Bùi Việt Hà