Kỳ cuối: Một vài suy nghĩ, nhận xét cụ thể về chương trình môn Tin học mới.

10:43, 28/01/2021

Với những phân tích trên thì rõ ràng CTGDPT mới của môn Tin học là chương trình mang tính đột phá lớn nhất so với tất cả các môn học khác.Với những phân tích trên thì rõ ràng CTGDPT mới của môn Tin học là chương trình mang tính đột phá lớn nhất so với tất cả các môn học khác.

Nhận xét chung

Môn Tin học với chương trình mới này sẽ thực sự lột xác từ một môn học phụ, rời rạc, không logic, khoa học trở thành một môn học khoa học chặt chẽ, hàn lâm, ngang bằng với các môn học khác như Toán, Lý, Hóa, Sinh. Chương trình môn Tin được thiết kế khá công phu và hầu như được xây dựng lại từ đầu (tất nhiên chương trình có tiếp thu và kế thừa tối đa từ chương trình môn Tin học hiện thời).

Trước mắt có một số nhận xét ban đầu như sau:

- Chương trình viết khá công phu, được thiết kế khá sáng tạo dựa trên 5 thành tố năng lực chính (từ NLa đến NLe), 3 mạch trí thức hòa quyện (CS, IT, DL) và 7 mạch kiến thức xuyên suốt. Với chương trình này, môn Tin học sẽ thực sự thay đổi, trở thành môn học bắt buộc và chính thức trong CTGDPT mới.

- Chương trình được thiết kế mở, không phụ thuộc vào bất cứ một công nghệ cụ thể nào, hệ điều hành nào, phần cứng, phần mềm máy tính nào.

- Hiện nay chương trình chưa được bắt đầu nên chưa thể hoặc rất khó đánh giá chi tiết hơn, đặc biệt về quĩ thời lượng quá eo hẹp của chương trình.

Các mục tiêu và yêu cầu năng lực của chương trình

- Các mục tiêu và yêu cầu chính của chương trình, các phân bổ mục tiêu cho từng cấp, theo tôi, là hợp lý: không quá nặng hoặc quá nhẹ.

- Quan hệ giữa 5 thành tố năng lực và 3 mạch tri thức hòa quyện CS, IT, DL không được chỉ ra rõ ràng trong đề cương chương trình. Trong tài liệu [11] các chuyên gia Anh quốc đã chỉ ra nguyên nhân vì sao cần thiết lập mô hình 3 mạch tri thức CS, IT, DL trong CT môn Tin học. Nếu chương trình này cũng mô tả các lý do đó và gắn chúng với 5 thành tố năng lực thì sẽ thuyết phục hơn rất nhiều. Sơ đồ sau mô tả quan hệ giữa 5 thành tố năng lực của môn Tin học trong chương trình và 3 mạch tri thức.

- Một góp ý nữa về quan hệ giữa các mục tiêu (3 mạch tri thức CS, IT, DL) và 5 thành tố năng lực (NLa-NLe) cần được mô tả rõ hơn như sau, nếu không sẽ gây khó khăn cho các nhà trường, GV hoặc những người nghiên cứu chương trình sau này.

1. Theo nguyên tắc của một chương trình được thiết kế định hướng năng lực, thì xác định năng lực đầu ra của học sinh khi học môn học này sẽ là công việc đầu tiên cần thực hiện. Do đó khi thiết kế chương trình môn Tin học, chắc chắn, 5 thành tố năng lưc NLa, NLb, NLc, NLd, NLe đã được thiết lập trước tiên, từ đó kéo theo các công việc cụ thể khác của chương trình.

2. Tuy nhiên 3 mạch tri thức CS, IT, DL lại không thể là hệ quả hoặc suy ra được từ mô hình 5 thành tố năng lực trên. Mô hình 3 mạch tri thức chính CS-IT-DL lần đầu tiên được đưa ra bởi các chuyên gia giáo dục Anh quốc và nhanh chóng trở thành chuẩn mực của thế giới. Việc các tác giả của chương trình môn Tin học của Việt Nam đã dựa vào mô hình phân loại 3 mạch tri thức CS, IT, DL để lập ra mục tiêu cho toàn bộ chương trình là chính xác.

3. Như vậy mô hình 3 mạch tri thức (CS, IT, DL) và 5 thành tố năng lực CNTT đã được xây dựng đồng thời và là những nền tảng chính của toàn bộ chương trình môn Tin học trong CTGDPT mới hiện nay.

Mô hình 7 mạch kiến thức

Mô hình 7 mạch kiến thức lõi, xuyên suốt của chương trình môn Tin học được thiết kế trong đề án rất công phu và tỉ mỉ. Đây là phần thiết kế đóng vai trò rất quan trọng của toàn bộ chương trình môn Tin học, tuy nhiên có một vài điểm chưa thật hợp lý của mô hình này. Tôi xin góp ý cụ thể như sau:

1. Chúng ta cần hiểu đây là các mạch kiến thức lõi, quan trọng nhất, và có tính xuyên suốt trong chương trình môn Tin học suốt từ lớp 3 đến lớp 12. Việc chia thành 7 nhóm, mạch kiến thức như vậy là tương đối hợp lý. Tuy nhiên chương trình đã được xây dựng trên cơ sở của 3 mạch tri thức, kiến thức chính là CS, IT và DL, nên rất cần có ánh xạ, hoặc ít ra là giải thích cặn kẽ giữa 7 mạch kiến thức này và 3 mạch tri thức kia. Rất tiếc trong chương trình không có các giải thích này.

Theo tôi sơ đồ quan hệ giữa 7 chủ đề kiến thức lõi và 3 mạch tri thức sẽ phải như hình sau:

Quan hệ giữa 7 mạch chủ đề kiến thức chính và các thành tố năng lực cần đạt được mô tả trong sơ đồ sau (đã trình bày trong các phần trên).

2. Theo tôi không nên áp đặt ma trận kiến thức (dựa trên sự phát triển chi tiết của 7 chủ đề kiến thức lõi) cho từng lớp học. Một mô hình như vậy sẽ lại giống như mô hình chương trình môn Tin học cũ sẽ rất cứng nhắc. Chỉ nên đưa ra mô hình này cho từng cấp học. Hiện nay ma trận kiến thức này được viết trong đề cương chương trình chi tiết đến từng lớp, thậm chí còn chỉ rõ số tiết cần dạy (mặc dù chỗ này các tác giả viết chỉ để minh họa). Với 1 khung chi tiết đến từng tiết học như vậy sẽ làm mất tính mở và không còn tạo cơ hội cho người viết Sách giáo khoa hoặc giáo viên giảng dạy nữa. Xin nói thêm là chương trình môn Tin học của Mỹ mà tôi đã mô tả ở trên cũng là mô hình phân bổ theo các mạch kiến thức chính, nhưng họ chỉ phân bổ các mạch kiến thức này xuống các cấp học, không phân bổ xuống từng lớp.

3. Chủ đề kiến thức đầu tiên: Máy tính và em / Máy tính và cộng đồng / Máy tính và xã hội tri thức không nên chứa các kiến thức thuộc mạch CS (khoa học máy tính). Các chủ đề kiến thức như Thông tin và xử lý thông tin (Tiểu học); Dữ liệu và thông tin, biểu diễn thông tin trong máy tính (THCS); Biểu diễn thông tin (THPT) nên đưa xuống chủ đề lõi C là Tổ chức lưu trữ, tìm kiếm và trao đổi thông tin. Bản thân chủ đề lõi thứ 3 này nên đổi tên thành: Tổ chức lưu trữ, xử lý, biểu diễn, trao đổi và tìm kiếm thông tin. Hoặc đơn giản hơn thì chủ đề lõi C nên đặt tên ngắn là Thông tin và biểu diễn thông tin.

4. Chủ đề kiến thức lõi B. Mạng máy tính và Internet cho THCS. Đây là một chủ đề lớn, có rất nhiều mạch kiến thức con, do vậy nên tách ra và dàn trải dạy suốt trong cả các lớp cấp THCS, không nên bắt buộc dạy dồn vào lớp 6 như hiện nay. (Góp ý này sẽ mặc nhiên mất ý nghĩa khi góp ý 2 được thực hiện).

Bùi Việt Hà