Kỳ 14: Các giáo viên đang dạy Tin học hiện nay trong các trường phổ thông cần phải làm gì để chuẩn bị và đáp ứng nhu cầu của CT môn học mới?
Theo cách nhìn nhận của tôi thì khi áp dụng chương trình môn Tin học mới, đa số các giáo viên Tin học như hiện nay sẽ gặp nhiều khó khăn, bỡ ngỡ.
- Kỳ 13: Quan hệ giữa Tin học và các môn học khác
- Kỳ 12: Quan hệ giữa Tin học và STEM. Chương trình môn Tin học đóng vai trò gì trong giáo dục STEM.
- Kỳ 11: Tư duy máy tính là gì? Vì sao nói tư duy máy tính là trọng tâm của định hướng CS trong CT môn Tin học
- Kỳ 10: Vì sao CS là nội dung kiến thức và yêu cầu năng lực trọng tâm của CTGDPT môn Tin học mới.
Khó khăn không chỉ ở lượng kiến thức mới, mà còn ở rất nhiều khía cạnh khác liên quan đến chương trình, phương pháp sư phạm, tính mở, tính STEM, …
Vấn đề của câu hỏi này rất rộng, tôi chỉ nhấn mạnh một vài ý quan trọng sau:
1. Các giáo viên Tin học cần phải thay đổi hoàn toàn cách nhìn vào chính môn học của mình, đừng coi Tin học chỉ là "sửa chữa máy tính", "cài đặt phần mềm", "soạn thảo văn bản",… Hãy nhìn vào trọng tâm của Tin học: đó là môn học về khoa học máy tính.
2. Các giáo viên Tin học cũng cần phải thoát được cách nhìn cũ, chỉ nhìn thấy 1 Hệ điều hành Windows. Khi giảng dạy kiến thức cho học sinh cần có cách tiếp cận mở, không nên quá phụ thuộc vào 1 hệ điều hành cụ thể nào.
3. Khi giảng dạy, trình bày một phần mềm, công cụ, tránh sa đà vào tên, vị trí, thực đơn của các lệnh cụ thể, mà nên có cách nhìn hệ thống. Nên trình bày các lệnh theo chức năng logic để học sinh dễ tiếp thu hơn mà không phụ thuộc vào giao diện cụ thể của một phiên bản cụ thể nào.
4. Kỹ năng lập trình là yêu cầu bắt buộc của mỗi giáo viên đối với chương trình môn Tin học mới. Các giáo viên cần nhanh chóng học, tự học, tự tìm hiểu các môi trường lập trình kéo thả mới, ví dụ Scratch, các ngôn ngữ lập trình bậc cao đang phổ biến hiện nay như C++, Python, Java, JavaScript. Không cần biết rộng và nên biết thật tốt, sâu 1 ngôn ngữ lập trình mà mình mạnh nhất.
5. Yêu cầu đổi mới quan trọng của chương trình môn Tin học là lấy năng lực, kỹ năng hoàn thành công việc, kỹ năng giải quyết vấn đề làm chính. Tuyệt đối không bắt học sinh học thuộc lòng bất cứ kiến thức nào. Chú ý 2 điểm đặc biệt sau của các bài toán tin học:
- Hầu hết các bài toán tin học đều có nhiều cách, nhiều phương pháp, nhiều thuật toán để giải quyết. Do vậy cần kiểm tra kết quả cuối cùng để đánh giá. Không đánh giá qua các bước thực hiện (trừ các bài toán muốn kiểm tra kiến thức về các bước này).
- Các bài toán tin học đều có thể giải được (dù khó thế nào) nhưng với các mức độ hoàn thiện khác nhau. Ví dụ một lời giải có thể đúng với các input đơn giản nhưng sẽ không chạy hoặc giải sai với các input phức tạp khác.
Tóm lại là cần đánh giá bằng sự hoàn thiện của sản phẩm, chương trình.
6. Trong phân môn Khoa học máy tính, cần chú ý nhất đến khái niệm "Tư duy máy tính". Đây là khái niệm lõi của CS mà giáo viên cần trang bị cho học sinh, là khái niệm quan trọng nhất của mạch tri thức CS của chương trình. Có thể hiểu đơn giản Tư duy máy tính là cách mà học sinh cần hiểu và điều khiển được máy tính thực hiện, giải quyết các bài toán của môn học do giáo viên đưa ra.
Kỳ 15: Một vài suy nghĩ, nhận xét cụ thể về chương trình môn Tin học mới.
Bùi Việt Hà