Quản trị & vận hành các nguồn lực xã hội để Doanh nghiệp hội nhập thành công

10:02, 04/12/2019

Xu thế phát triển công nghệ thông tin, internet, mạng, viễn thông ứng dụng vào các hoạt động kinh tế, chính trị, truyền thông, giáo dục và gần như mọi mặt trong xã hội đã và đang có những tác động rất lớn tới mọi mặt tại Việt Nam.

ThS. Phạm Vũ Hiệp, Phó Viện Trưởng Viện Tin học Nhân dân (ICT4P)

Phóng viên Tạp chí Tin học và Đời sống đã có cuộc trao đổi với ThS. Phạm Vũ Hiệp, Phó Viện Trưởng Viện Tin học Nhân dân (ICT4P), Chuyên gia về CNTT, Truyền thông xã hội, Thương mại tác động xã hội (Social Business) để hiểu rõ về Viện Tin học Nhân dân cũng như lắng nghe những chia sẻ của Ông và Các chuyên gia của Viện về một số giải pháp trong việc Quản trị và vận hành các nguồn lực xã hội để Doanh nghiệp có những bước cải tổ để hội nhập thành công.

PV: Thưa ông, Viện Tin học Nhân dân (Institute of ICT for People - ICT4P): một cái tên rất ý nghĩa, vậy nó được sinh ra như thế nào và để làm gì? 

Ông Phạm Vũ  Hiệp: ICT4P là đơn vị trực thuộc Hội Tin học Việt Nam (VAIP), được thành lập từ năm 2013 và trong thời gian qua đã có những thay đổi mạnh mẽ. Những con người mới với nhiệt huyết, với tình yêu Tin học, Công nghệ thông tin, Mạng, Viễn thông và Truyền thông đã nhận nhiệm vụ tiếp tục xây dựng và phát triển để thực hiện 03 mục tiêu cốt lõi:

Một là: Đào tạo và phổ cập Tin học, Công nghệ thông tin, truyền thông đến từng cá nhân, doanh nghiệp và tổ chức yêu thích, hoặc đã và đang ứng dụng Tin học, Công nghệ thông tin vào đời sống, vào các hoạt động quản lý, thương mại.

Hai là: Là đơn vị cung cấp các chuyên gia, chuyên viên uy tín và có kinh nghiệm thực tiễn trong và ngoài nước đã triển khai các hoạt động như: Tư vấn, phản biện, xây dựng chính sách, đánh giá, thẩm định và trực tiếp tham gia triển khai các dự án về Tin học, Công nghệ thông tin từ doanh nghiệp, các tổ chức, và các cơ ban ngành, trong và ngoài nước.

Ba là: Tổ chức nghiên cứu, sáng tạo KH&CN về Tin học, Công nghệ thông tin, Mạng, Viễn thông, Truyền thông để hỗ trợ doanh nghiệp và các tổ chức, các cơ quan ban ngành ứng dụng vào đời sống, vào hoạt động thương mại, quản lý nhà nước, và phát triển xã hội.

PV: Xin ông cho biết thêm, Viện Tin học Nhân dân (ICT4P) xây dựng và phát triển dựa trên cơ sở nào? 

Ông Phạm Vũ Hiệp: ICT4P được thừa hưởng bề dày lịch sử từ VAIP trong suốt hơn 30 năm qua. Từ khi thành lập và phát triển đến nay ICT4P đã hình thành và phát triển được đội ngũ sáng lập, ban điều hành, thành viên và chuyên gia tâm huyết, giàu kinh nghiệm và chuyên môn cao, có đóng góp nghiên cứu khoa học trong nhiều lĩnh vực. Qua nhiều thế hệ cho đến nay vẫn rực cháy tinh thần và trách nhiệm vì Ngành Tin học, Công nghệ thông tin, Mạng Internet, Viễn thông, Truyền thông nước nhà.

Có thể kể đến anh Nguyễn Long – Phó Chủ tịch VAIP kiêm Tổng Thư Kí, anh Hoàng Quốc Lập – Viện trưởng Viện Tin học Nhân dân; PGS-TS Dương Anh Đức – Phó Chủ tịch VAIP; PGS- TS Lương Chi Mai - Ủy viên BCH VAIP; anh Nguyễn Đình Thắng – Phó Chủ tịch VAIP; ThS Lê Hồng Hà – Phó Chủ tịch VAIP; PGS-TS Ngô Hồng Sơn, PGS-TS Phạm Bảo Sơn,...

Bên cạnh đó, với BCH Hội đặt tại Hà Nội và hơn 40 Hội Tin học thành viên trên khắp cả nước, với CLB Phần mềm Tự do nguồn mở Việt Nam (VFOSSA), CLB các Trường - Khoa đào tạo Công nghệ thông tin (FISU), Trung tâm đào tạo CNTT và Truyền thông ICT4P và Tạp chí Tin học và Đời sống vẫn đang hoạt động theo đúng sứ mệnh, mục tiêu, chức năng và đang tạo được nhiều đóng góp, hỗ trợ cho các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong Ngành Tin học, Công nghệ thông tin, Mạng Internet, Viễn thông và Truyền thông nói riêng và các đơn vị, ngành nghề có liên quan nói chung trên khắp cả nước. Bên cạnh đó, Hội cũng đã tạo được nhiều tín nhiệm với các Hội, ngành nghề Tin học, Công nghệ thông tin, Truyền thông trên trường Quốc tế.

Ngoài ra, ICT4P cũng có nhiều sản phẩm, chương trình giá trị như: Sách trắng về Tin học Việt Nam, Index Ngành CNTT,... Cùng với đó là những chương trình thường niên như "Hội thảo hợp tác phát triển CNTT và truyền thông" vừa tổ chức lần thứ 23 vào 23/08/2019 tại tỉnh Phú Yên và dự kiến lần thứ 24 sẽ được tổ chức tại tỉnh Hải Dương.

 

Đại diện Ban lãnh đạo Viện tin học nhân dân tại Lễ ra mắt (31/07/2013). 

Cùng với những chương trình đặc thù và giá trị mang đến cho hàng triệu người, định hướng cho các ngành liên quan trên cả nước, cửa ngõ hợp tác và liên kết quốc tế, thì Hội còn chủ trì các giải thưởng giá trị trong ngành CNTT như: Nhân Tài Đất Việt - với bề dày 15 năm hay các cuộc thi Olympic Việt Nam và Quốc tế cho học sinh sinh viên trên cả nước. Cũng từ các giải này đã ươm mầm và tôi luyện được nhiều nhân tài có sự thành công vươn ra tầm quốc tế.

PV: Với xu thế phát triển Công nghệ thông tin & Truyền thông trên Thế giới và Việt Nam như hiện nay, theo ông Doanh nghiệp cần quan tâm và cần có kế hoạch như thế nào để vững bước phát triển và hội nhập?

 

Ông Phạm Vũ Hiệp: Social Business – Thương mại tác động vào xã hội chắc sẽ là xu thế tất yếu. Vậy khi xu thế này xảy ra tại Việt Nam chúng ta cần làm những gì và làm như thế nào để Việt Nam chúng ta ngày một văn minh và giàu mạnh.

Chúng ta có thể thấy, khi máy tính ra đời đã góp phần vào sự phát triển liên tục về Tin học, Công nghệ phần mềm, Công nghệ kết nối thông tin (mạng Lan, mạng Intranet, Mạng Wan, Mạng Internet,…). Khi Tin học và các công nghệ kết nối phát triển đã trở thành nền móng cho các hoạt động truyền thông tin mới ngay sau đó (Digital Media – Kênh truyền số) ra đời như Website, Yahoo, Google,… Và hình thức thương mại mới cũng ra đời để đáp ứng được nhu cầu của xã hội là Thương mại điện tử (Digital Business).

Và hiện nay, các hoạt động về Câu lạc bộ, Hội nhóm, Hiệp hội được hình thành ngày một nhiều và rộng rãi hơn. Các hoạt động này thể hiện những tính riêng, tính chuyên biệt và chuyên môn rất rõ rệt thể hiện xã hội tính ngày một cao và có thể đi đến từng cá thể riêng biệt mà chúng ta cũng thấy nó được thể hiện qua các mô hình Truyền thông xã hội (Social Media) hiện nay như: Facebook, Zalo, Youtube,… (Chúng ta đang gọi nó là: Mạng xã hội - Social Networking). Mỗi một tài khoản trên Facebook đang hoạt động như một kênh truyền hình tổng hợp riêng biệt (gồm có tin viết ngắn, tin viết dài, có bài chuyên môn, có tin ảnh và bài viết, có các video clip,... ) ngày một đa dạng và được sản xuất 24/24 giờ mỗi ngày và mỗi kênh này đang có một lượng bạn đọc, bạn xem theo dõi.

Với sự thay đổi này, hình thức thương mại mới sẽ phải ra đời để đáp ứng nhu cầu của xã hội và cũng để Việt nam hội nhập với xu thế thương mại toàn cầu và không biên giới. Trước bối cảnh đó, doanh nghiệp cần thay đổi toàn diện. Trước hết là ở hạ tầng thông tin, quản trị thông tin trong doanh nghiệp. Tiếp theo là quy trình hóa, chuyên môn hóa cao hơn đến từng vị trí, từng công việc cụ thể trong Doanh nghiệp. Và một phần không thể thiếu đó là ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản trị, gia tăng sự hiệu quả truyền thông, marketing, bán hàng và chăm sóc sau bán hàng.

Xu thế Thương mại tác động xã hội (Social Business) và Thương mại trong tương lai 

PV: Thưa ông, định hướng triển khai từ 2019 đến 2025 của Viện Tin học Nhân dân (ICT4P) như thế nào để hỗ trợ và đóng góp vào quá trình hội nhập, cải tổ, Quản trị và vận hành các nguồn lực xã hội cho cá nhân, doanh nghiệp và tổ chức?

Ông Phạm Vũ Hiệp: ICT4P cũng là đơn vị Xã hội - Nghề nghiệp trực thuộc Hội Tin học Việt Nam. Chúng tôi đã có kế hoạch rất cụ thể để hỗ trợ từng cá nhân, doanh nghiệp và tổ chức mong muốn thay đổi toàn diện để hội nhập và phát triển bền vững.

Về hoạt động đào tạo, chúng tôi tập trung vào các chuyên đề, chương trình dành cho các Lãnh đạo cao cấp, Quản lý cao cấp - trung cấp đến cấp chuyên viên, nhân viên về: Hạ tầng thông tin, quản trị thông tin trong doanh nghiệp; Qui trình hóa, chuyên môn hóa đến từng vị trí, từng công việc cụ thể trong Doanh nghiệp để tiến đến ứng dụng Công nghệ thông tin vào hoạt động thương mại cho Doanh nghiệp; Mô hình Thương mại xã hội (Social Business), và các bước triển khai và áp dụng mô hình này cho từng loại hình Doanh nghiệp.

Về hoạt động tư vấn, phản biện, xây dựng chính sách,... Viện kết nối và cung cấp các Chuyên gia, chuyên viên đầu ngành cho các lĩnh vực cụ thể: Xây dựng chính sách lương, thưởng, luật doanh nghiệp… để phù hợp, hiệu quả nhất cho sự thay đổi này. Ví dụ:  Hợp đồng lao động mà hầu hết các Doanh nghiệp đang sử dụng và áp dụng liệu có còn phù hợp không?; Ứng dụng công nghệ, hoặc đầu tư phát triển các hạ tầng công nghệ thì Lãnh đạo, Cấp quản lý từ cao đến cấp trung trong Doanh nghiệp cần chuẩn bị những gì? Triển khai từng bước thế nào?; Triển khai và vận hành Doanh nghiệp theo mô hình và xu thế Thương mại mới như thế nào? Ví dụ: Xây dựng và quản trị Kênh Truyền thông nội bộ, Kênh truyền thông - mar- keting để kết nối với Đối tác và Khách hàng của Doanh nghiệp như thế nào cho phù hợp và hiệu quả, tối ưu được chi phí và quản trị nó để trở thành tài sản thay vì tiêu sản của Doanh nghiệp. Về hoạt động nghiên cứu, ươm mầm, kết nối xúc tiến đầu tư để hỗ trợ Doanh nghiệp hội nhập và vươn ra thế giới, cụ thể Viện đang làm và thúc đẩy mạnh mẽ đến 2025. Trong đó, triển khai nghiên cứu, ươm mầm, hướng nghiệp, khởi nghiệp cho sinh viên, cho các nhóm, cho Doanh nghiệp trẻ, các Doanh nghiệp có mong muốn thay đổi và cải tổ để hội nhập và phát triển bền vững; Triển khai kết nối các Doanh nghiệp lấy Công nghệ là lõi sản phẩm để thương mại cùng liên kết và tích hợp thành các hạ tầng chung, thành các nền tảng Công nghệ chung để cùng cung cấp, phục vụ và chăm sóc cho đối tác, khách hàng của họ với chi phí tối ưu, hiệu quả hơn; Triển khai kết nối đối tác, quỹ đầu tư để phục vụ cho việc nghiên cứu, tối ưu sản phẩm dịch vụ; cho việc phát triển và mở rộng qui mô thương mại trong nước và quốc tế.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông đã dành thời gian trả lời phỏng vấn. Kính chúc ông sức khỏe và hạnh phúc

TIN LIÊN QUAN