Tư duy vụ mùa

11:12, 27/11/2020

Bị phản đối ý định đào mương, Quân lén lấy sổ đỏ đem thế chấp ngân hàng vay gần 150 triệu đồng.

"Có lúc hai vợ chồng tưởng đã chia tay vì khu vườn này", Quân kể chuyện vợ không đồng tình đào mương khi dẫn chúng tôi ra sau nhà tham quan vườn bưởi da xanh bắt đầu cho trái. Khu vườn với hàng trăm gốc bưởi được xẻ làm đôi theo chiều dài thửa đất. Trong tổng diện tích hơn 10 công đất vườn, Quân chấp nhận "hy sinh" gần ba công, mướn thợ đào thành một cái mương. Với chiều ngang 15 mét, chiều dài hơn 100 mét và hơn ba mét chiều sâu, con mương làm nơi trữ nước mùa mưa, cùng với đó là toàn bộ hệ thống tưới tiêu một cách chủ động nhất. Vào mùa khô hạn, nước mương chính là "Thủy Tinh" cứu khu vườn.

Quân kể, vì chứng kiến nhiều vườn cây đã chết khô vào mùa hạn mặn của đồng bằng nên anh tự nhủ, phải tự cứu mình trước khi trời cứu. Nhờ sự liều lĩnh mà hai năm qua, tới mùa khô hạn, vườn bưởi nhà vợ chồng Quân vẫn xanh trong khi những nhà vườn gần đó đứng ngồi không yên. Vợ Quân sau khi thấy vườn bưởi được cứu đã vui vẻ trở lại để cùng chồng bán buôn kiếm tiền trả nợ ngân hàng.

Quân là đứa em tôi, nông dân kiêm chủ đại lý trái cây nhỏ ở Tiền Giang. Tháng trước, người bạn đang sống ở Sài Gòn hỏi ý kiến tôi về việc cải tạo lại mấy công vườn của gia đình đã bỏ hoang nhiều năm ở quê nhà Cần Thơ. Anh muốn trồng những loại cây ăn trái đặc trưng của miền Tây, làm nơi để thỉnh thoảng bạn bè gặp gỡ và bọn trẻ ở Sài Gòn về trải nghiệm cuộc sống dân dã miệt vườn. Cả hai chúng tôi tuy xuất thân từ ruộng đồng nhưng từ lâu không còn trực tiếp dính dáng với nghề nông. Những kiến thức về nông nghiệp nói chung chỉ là lý thuyết suông. Tôi đưa bạn về nhà Quân, nghe hai ông anh thành phố trình bày ý tưởng, Quân cười: "làm vườn bây giờ không dễ ăn, mấy anh nên chuyển hướng đi, còn như quyết tâm làm thì phải làm cho tới, đừng nửa vời rồi tiền mất tật mang".

So với cả nước, thời tiết ở miền Tây Nam bộ cơ bản cũng không quá khắc nghiệt vì chỉ có hai mùa mưa, nắng. Tuy vậy, những năm gần đây, hệ sinh thái toàn đồng bằng gặp hạn mặn rất khốc liệt. Kỷ lục lớn nhất chính là mùa hạn mặn năm nay.

Tìm hiểu, tôi biết giải pháp đào mương hay nạo vét các kênh rạch để tích trữ nước trong mùa mưa nhằm đối phó với hạn mặn không phải chưa được các nhà quản lý và khoa học bàn tới. Thế nhưng, những giải pháp cụ thể và thiết thực như thế này không hiểu sao vẫn chưa được hiện thực hóa để rồi đến mùa hạn mặn, nông dân vẫn chỉ biết "nuốt nước mắt vào trong". Trong khi đó, các cuộc hội thảo, hội nghị về "tầm nhìn chiến lược", về giải pháp hay sự liên kết giữa "ba nhà" (nhà nước, nhà nông và nhà khoa học) nhằm tìm lối ra cho bài toán nông sản, kinh tế nông nghiệp của cả vùng vẫn liên tục được cày đi xới lại. Tìm hiểu và lý giải vấn đề này, cá nhân tôi thấy dường như đang có sự thiếu tin tưởng và gắn kết giữa các chủ thể này với nhau.

Tuy các hội thảo, hội nghị được tổ chức liên miên nhưng có vẻ cho đến nay, giữa các nhà khoa học, nhà quản lý vẫn chưa tìm được tiếng nói chung về những giải pháp căn cơ và cụ thể nhất cho vấn đề hạn mặn. Bên cạnh đó, thời gian qua có rất nhiều công trình nghiên cứu về vấn đề này, trong đó có một số công trình, giải pháp khoa học có tính khả thi. Nhưng tiếc thay, chúng vẫn nằm trên giấy do vướng những rào cản về chính sách, bởi chưa đủ quyết tâm thực thi từ phía một số cơ quan nhà nước, sự thiếu chủ động và bối rối của chính quyền địa phương. Nói khác đi, dù có giải pháp song việc "cài đặt" chúng vào thực tiễn để thay đổi diện mạo kinh tế nông nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn một khoảng cách xa vời. Chất xám của các nhà khoa học, kinh phí của nhà nước trong câu chuyện này tiếp tục bị lãng phí.

Tôi gọi đây là nút thắt của sợi dây kết nối giữa "ba nhà". Dĩ nhiên, vất vả và thiệt thòi nhất vẫn là "nhà nông" - những người trực tiếp sản xuất nhưng khó tiếp cận cái mới để ứng dụng vào thực tiễn. Người nông dân rất mong mỏi hướng dẫn kỹ thuật từ các nhà khoa học hay sự hỗ trợ vốn, chính sách từ phía nhà nước một cách cặn kẽ nhưng vẫn loay hoay do thiếu thông tin, cơ hội, và vì thế vẫn bám vào thói quen canh tác lạc hậu. Tôi nghĩ, việc thuyết phục họ thay đổi nhất định cần đến trách nhiệm của người quản lý nhà nước và nhà khoa học.

Chia tay Quân về lại Cần Thơ, từ Tiền Giang, chúng tôi phải qua hai cây cầu lớn. Cầu Mỹ Thuận bắc qua sông Tiền và cầu Cần Thơ bắc qua sông Hậu. Miền Tây đang vào cuối mùa mưa. Qua cửa kính xe, nhìn cơn mưa trắng trời trôi xuống mặt đường và sông rạch; nhớ lại khu vườn có cái ao lớn xẻ ngang 10 công đất để trữ nước, tôi phải công nhận Quân sáng suốt. "Một khi đã xác định đúng vấn đề thì phải bắt tay vào làm ngay", câu nói của Quân có lẽ đúng với cả vùng đồng bằng vừa qua cơn bạo bệnh.

Ý tưởng cải tạo lại khu vườn tạp của bạn tôi và bài học đào mương trữ nước mà chúng tôi học được từ Quân nói cho cùng chỉ là cuộc "dạo chơi" của những thị dân có thu nhập ổn định. Hàng triệu nông dân ở đồng bằng sông Cửu Long đang phải vật vã mưu sinh với nghề nông không phải ai cũng dám liều lĩnh "cải cách" như Quân. Một khi nút thắt về niềm tin khoa học và quyết tâm chính sách giữa nhà nước, nhà khoa học và nhà nông chưa được hóa giải thì bài toán hạn mặn ở miền Tây rồi sẽ lại đâu vào đó.

Thiên nhiên đồng bằng có hai mùa mưa, nắng, nhưng là nhà khoa học và nhất là quản lý thì không thể tư duy theo mùa.

Nguyễn Trọng Bình (Giảng Viên)

 Theo https://vnexpress.net/tu-duy-vu-mua-4197776.html