VYEA, VINASA và FPT bắt tay kiến tạo hệ sinh thái chuyển đổi số

11:30, 10/11/2022

Ngày 8/11/2022, tại Hội thảo “Doanh nhân trẻ Việt Nam - Chuyển mình chuyển đổi số” do Trung ương Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam (VYEA), Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) và Tập đoàn FPT đã ký kết thỏa thuận hợp tác nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong các doanh nghiệp hội viên của VYEA, hướng tới phát triển bền vững và số hóa thành công. Hiện VYEA có khoảng 12.000 hội viên, trải đều khắp 63 tỉnh, thành phố.

VYEA, Vinasa, FPT bắt tay kiến tạo hệ sinh thái chuyển đổi số - Ảnh 1.

Đại diện VYEA, VINASA và Tập đoàn FPT ký kết thỏa thuận hợp tác.

Theo thỏa thuận hợp tác, Vinasa, FPT sẽ hỗ trợ doanh nghiệp hội viên của VYEA chuyển đổi số một cách cụ thể, bao gồm các hoạt động như tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn; tư vấn các mô hình chuyển đổi số và triển khai các giải pháp phần mềm, ứng dụng công nghệ số phù hợp.

Các chương trình đào tạo tập huấn sẽ được xây dựng dựa trên bộ khung hướng dẫn chuyển đổi số cho các doanh nghiệp SME (26 bộ cho 26 ngành) và khung hướng dẫn chuyển đổi số cho doanh nghiệp sản xuất, được VINASA và đội ngũ chuyên gia hàng đầu về chuyển đổi số xây dựng năm 2021.

FPT với kinh nghiệm thực tế và nền tảng, giải pháp công nghệ đa dạng sẽ đóng vai trò tư vấn, triển khai, đồng thời cùng Vinasa tập hợp các doanh nghiệp công nghệ khác xây dựng các bộ giải pháp chuyển đổi số hoàn chỉnh cho các doanh nghiệp hội viên của VYEA theo từng quy mô, từng ngành nghề cụ thể.

VYEA sẽ đóng vai trò là cầu nối giữa các doanh nghiệp hội viên và Vinasa, FPT, đồng thời tập hợp các thành viên của hội, quảng bá, tuyên truyền và thúc đẩy các hội viên chuyển mình đổi số, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế.

vyea vinasa va fpt bat tay kien tao he sinh thai chuyen doi so

Quang cảnh hội thảo.

Tại phiên tọa đàm "Bứt phá tư duy - Chuyển mình đổi số" do VYEA và CLB Công nghệ và chuyển đổi số doanh nhân trẻ Việt Nam tổ chức mới đây, ông Nguyễn Hoàng Minh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hệ thống thông tin FPT (FPT IS - công ty thành viên của FPT) đã chia sẻ câu chuyên và những kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình đồng hành cùng nhiều doanh nghiệp trong hành trình chuyển đổi số.

Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Việt Nam đang dần chuyển mình thành nền kinh tế - nơi không có sản phẩm nào không có yếu tố "số" ở bên trong. Việc đầu tư cho chuyển đổi số liên tục gia tăng, đi đầu là ngành ngân hàng và bán lẻ. Tuy nhiên, tỉ lệ thất bại trong chuyển đổi số cũng lên tới 36%, kể cả với doanh nghiệp lớn nếu đầu tư thiếu định hướng và tính phù hợp.

Ông Nguyễn Hoàng Minh đã chỉ ra công thức 3H + 3S từ phương pháp luận FPT digital kaizen được FPT đúc kết. Theo đó, để có thể thực hiện cuộc "cách mạng" chuyển đổi số, doanh nghiệp cần bắt đầu từ "Heart" - tạo niềm cảm hứng và nhiệt huyết thực hiện chuyển đổi số trong toàn bộ tổ chức; sau đó tới Head - đưa ra hoạch định chiến lược; rồi tới Hand – bắt tay vào thực hiện. Quá trình thực hiện cần đi từ nghĩ lớn (Strategy), khởi động thông minh (Start smart) và nhân rộng nhanh chóng (Scale fast). 

Việc lựa chọn cách khởi động theo hướng vừa giải quyết vấn đề nhức nhối nhưng phải vừa dễ dàng triển khai giúp nhanh chóng tạo ra kết quả và quyết định tinh thần tham gia, cũng như khả năng nhân rộng tiếp theo.

Cũng tại sự kiện, Câu lạc bộ Công nghệ và Chuyển đổi số Doanh nhân trẻ Việt Nam đã ra mắt các thành viên Thường trực Câu lạc bộ. Câu lạc bộ là đơn vị trực thuộc Hội Doanh nghiệp trẻ Việt Nam được thành lập với mục tiêu tập hợp và liên kết doanh nhân trẻ, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ, hoặc quan tâm tới lĩnh vực công nghệ và chuyển đổi số, có kiến thức, nhiệt tình, tâm huyết, khát vọng, mong muốn áp dụng khoa học công nghệ, cùng hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau tạo ra những giá trị hiệu quả, giúp doanh nghiệp hội viên chuyển đổi số thành công. Ngay tại hội thảo, Câu lạc bộ đã ký Thỏa thuận hợp tác đầu tiên với Viện Chiến lược Chuyển đổi số nhằm xây dựng bộ giải pháp hoàn chỉnh cho các doanh nghiệp phù hợp với đặc thù của Việt Nam.

PV