10 cách sử dụng tiền khôn ngoan
Khi kinh tế khó khăn, rơi vào khủng hoảng, một trong những cách để bạn có thể thoát khỏi tình trạng khó khăn của bản thân trong giai đoạn này là tìm kiếm những lời khuyên - chẳng hạn như lời của ông bà, là những người từng trải mà bạn tin tưởng. Tuy nhiên, dưới đây cũng là 10 ý tưởng hay, được nhiều người cho là khôn ngoan, có thể áp dụng.
Chị em phụ nữ chen chúc mua hàng sale tại một ngày hội giảm giá ở TP.HCM.
1. Tiết kiệm không phải là xấu
Nhiều người hay đánh đồng sự tiết kiệm với "keo kiệt”, “bủn xỉn", nhưng đó không phải là tất cả của sự thật. Tiết kiệm, đơn giản là việc bạn sử dụng được tối đa những gì bạn có và chỉ mua/sử dụng đồng tiền vào những thứ/việc bạn thực sự cần.
Những người từng trải đã học được cách tiết kiệm trong những thời kỳ khó khăn. Nhờ đó, họ vẫn tiếp tục trụ vững và làm cho kinh tế bản thân khá lên, thậm chí cả trong thời kỳ kinh tế tươi sáng cũng thế, và điều đó đã giúp họ giàu có.
2. Sử dụng tối đa những gì mình có
Trong một xã hội tiêu dùng, bất cứ vấn đề gì gặp phải, bạn thường giải quyết nó bằng tiền. Nếu có thứ gì hỏng, chỉ việc ra ngoài mua một món mới để thay vào. Thậm chí với nhiều người, dù nó chưa hề hỏng, chỉ hơi cũ hay lạc hậu một chút đã vội ra ngoài mua thứ mới thay thế.
Hãy nhìn những tấm gương của những người từng trải. Khi có thứ gì vỡ, hư hỏng, việc đầu tiên họ làm là xem có thể sửa chữa, khắc phục được không. Nếu không thể sửa được, trước khi vứt chúng vào sọt rác, họ cũng xem kỹ, liệu nó có ích vào việc khác hay không (chẳng hạn, lấy chi tiết của nó để thay thế, sửa chữa cho cái khác), có thể chế thành vật dụng có tính năng khác,…
Không có lý do gì để ra ngoài và tốn tiền vào một thứ mới, trong khi bạn có thể vẫn tìm ra cách để sử dụng những món đồ mà bạn đã có với tính năng tương đồng.
3. Cố gắng tự xử lý nếu đồ dùng bị trục trặc
Trong quá trình sử dụng, ta nên tìm hiểu kỹ những tính năng, tác dụng của các vật dụng. Bởi không những sẽ giúp ta sử dụng tốt và hiệu quả hơn, nó còn có thể cho ta hướng suy nghĩ để khắc phục khi có lỗi/hư hỏng xảy ra.
Khi phải sửa một thứ gì đó, việc đầu tiên bạn cần làm là tự mình tìm hiểu vấn đề, xem mình có thể làm/sử lý được hay không thay vì gọi ngay cho thợ.
Điều quan trọng cần nhớ là, việc sửa chữa đối với hầu hết các đồ dùng/vật dụng trong nhà không thực sự khó như bạn tưởng, trừ những đồ dùng công nghệ cao mà bạn không thể hiểu cặn kẽ về nó. Và bạn có thể tự mình làm rất nhiều thứ với một chút tìm tòi và kiên nhẫn.
4. Mọi vật đều có thể sử dụng cho nhiều mục đích
Nhiều người có xu hướng chọn mua một món đồ cụ thể và chỉ sử dụng nó cho một mục đích duy nhất - công dụng chính của chúng.
Điều mà những người từng trải, như ông bà bạn chẳng hạn, biết rõ là mọi thứ đều có thể tái sử dụng trong vòng đời của chúng. Chiếc áo sơ mi sờn cổ không thể mặc ra ngoài nhưng có thể trở thành cái áo ngủ, và trở thành giẻ lau khi nó bắt đầu thủng lỗ.
5. Nợ nần là điều cần tránh
Trong thời đại mới, với sự hiện diện của thẻ tín dụng, khi tiêu tiền (bằng thẻ), bạn ít có cảm giác đồng tiền ra mau so với việc móc tiền từ trong ví (bóp) ra để trả. Thậm chí khi tài khoản đã hết tiền, nhà cung cấp dịch vụ vẫn cho bạn vay (ứng trước) để mua hàng và chính điều này càng dễ làm cho bạn lâm vào cảnh nợ nần hơn.
Để quản lý tiền được tốt, đơn giản nhất là bạn hãy vạch ra kế hoạch thực hiện những việc mình muốn. Và việc thực hiện theo kế hoạch sẽ giúp bạn tiết kiệm được tiền. Chỉ mượn bạn bè, người thân hoặc vay khi thật cần, và sau đó lên kế hoạch trả thật sát sao.
6. Tích cốc phòng cơ
Để dành cho lúc khó khăn là điều ông bà ta vẫn làm xưa nay. Ai cũng biết rằng, trước sau gì cũng sẽ có những ngày mưa gió (kể cả đau ốm, về già,…) và ông, bà của bạn hiểu rõ điều này nên đã để dành tiền cho những ngày ấy.
Còn giờ đây, bạn nên nghĩ rằng, sẽ là chuyện bình thường khi để dành một quỹ khẩn cấp cho bản thân, phòng khi tài chính không đi đúng hướng như hình dung.
7. Đồ cũ cũng có thể tốt như đồ mới
Việc mua một chiếc ô tô cũ còn tốt, dù đã qua sử dụng 2-3 năm đã trở thành lời khuyên tài chính cho nhiều người khi muốn sở hữu xe hơi. Và việc này có cả ở những nước phát triển lẫn nước nghèo.
Với những người từng trải, họ hiểu rằng chuyện xảy ra với người chủ (chiếc xe) cũ không có nghĩa là đồ vật đó bị xem là vô giá trị. Họ cũng biết rằng, điều này không chỉ đúng với xe hơi, mà còn đúng với hầu hết các lĩnh vực khác, khi mà thị trường đồ second-hand hết sức phong phú.
8. Thời trang không phải là mục tiêu chính
Khi cần mua đồ, bạn cần biết rằng, không phải bề ngoài của thiết bị/vật dụng đó như thế nào mà là nó được làm như thế nào và dùng được vào việc gì mới quan trọng. Hãy học cách mua đồ vật vì chức năng của nó chứ không phải vì ngoại hình để tiết kiệm tiền.
9. Tìm hiểu và mặc cả cẩn thận
Khi phải mua một món đồ, những người lớn tuổi thường không chạy tọt ra cửa hàng và khuân về ngay. Họ sẽ bỏ thời gian để mặc cả. Việc đó có nghĩa là, tìm hiểu mặt bằng giá rồi đợi đến khi phù hợp, chứ không chỉ đơn giản là rút tiền/thẻ tín dụng ra và mua, ngay cả khi đủ tiền.
Tìm hiểu và mặc cả mất thời gian, nhưng khi làm được, bạn sẽ có thành quả lớn.
10. Món ăn ở nhà là ngon nhất
Trong một xã hội mà mọi thứ đều có thể mua bán thuận tiện, thật khó mà nhớ được lần cuối cùng bạn đã tổ chức bữa ăn ở nhà khi nào.
Điều mà ông bà tâm đắc là không chỉ rẻ hơn, mà món ăn do mình nấu ở nhà cũng ngon hơn/an tâm hơn. Hãy nghĩ thế này, liệu có bao giờ bạn so món ăn do ông bà, cha mẹ bạn tự làm với (cùng thứ) của nhà hàng, cửa hiệu tên tuổi bất kỳ nào đó chưa?
Với 10 cách tiêu tiền kể trên, dường như đây là điều khá đơn giản, lạc hậu trong thời đại mà các công cụ kinh tế đầy rẫy như hiện nay. Nhưng với nguyên tắc sống dưới mức tiềm năng, tích cốc phòng cơ, để đạt được kỳ vọng và đầu tư vào tương lai, nó vẫn là những châm ngôn có thể mang lại ích lợi cho rất nhiều người hiện nay.
Thanh Trà (theo Thestreet)