11 học sinh có dấu hiệu ngộ độc khi ăn “kẹo lạ”, Sở GD&ĐT Hà Nội chỉ đạo khẩn

15:12, 01/12/2023

Liên quan đến sự việc 11 học sinh Trường THCS Nguyễn Quý Đức, quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) mua kẹo vị hoa quả có nhãn hiệu in chữ nước ngoài tại cửa hàng gần trường chia nhau ăn sau đó có dấu hiệu bị ngộ độc, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã có chỉ đạo khẩn các nhà trường.

Trước đó, chiều ngày 29/11 một nhóm gồm 11 học sinh Trường THCS Nguyễn Quý Đức, quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) mua một loại kẹo không rõ nguồn gốc, bao bì in chữ nước ngoài và chia nhau ăn. Sau đó, các học sinh này có dấu hiệu đau đầu, buồn nôn và được chuyển xuống phòng y tế của nhà trường. Đây là những học sinh không ăn bán trú, không ngủ trưa ở trường.

Qua tìm hiểu, những học sinh này cho biết trên đường đến trường, các em mua một loại kẹo lạ vỏ màu xanh, in chữ nước ngoài và cùng chia nhau ăn. Sau khi ăn xong khoảng 45 phút, các em thấy mệt, đau đầu, buồn nôn.

Sau khi được đưa tới trạm y tế khám và theo dõi, sức khỏe 11 học sinh này đã ổn định. Nhà trường đã cử nhân viên y tế đi kiểm tra các lớp để nắm bắt, rà soát học sinh ăn loại kẹo nói trên, yêu cầu các em không sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc; đồng thời thông báo tới cha mẹ học sinh quan tâm, nhắc nhở con lựa chọn, sử dụng thực phẩm an toàn, có nguồn gốc.

Hình ảnh một số loại kẹo có chữ nước ngoài, không rõ nguồn gốc xuất xứ bán trước cổng trường, khuyến cáo học sinh không sử dụng.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, ngay sau khi nắm được thông tin, Sở đã lập tức chỉ đạo phòng Giáo dục và Đào tạo 30 quận, huyện, thị xã trên toàn thành phố cùng các đơn vị, trường học trực thuộc yêu cầu các nhà trường tăng cường quản lý, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trong trường học. Trong đó, thông tin, tuyên truyền tới tất cả phụ huynh và học sinh không mua đồ không rõ nguồn gốc xuất xứ, ảnh hưởng đến sức khoẻ.

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng cho biết, thời quan qua các lực lượng đã rà soát hàng quán bán đồ ăn trước các cổng trường nhằm phát hiện các thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ gây ảnh hưởng sức khoẻ học sinh. Phía Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đã chỉ đạo các trường học, yêu cầu cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh, học viên nêu cao tinh thần trách nhiệm để chủ động phát hiện các cơ sở quanh khu vực cổng trường kinh doanh sản phẩm, thực phẩm không nguồn gốc và báo ngay cho chính quyền địa phương để có biện pháp ngăn chặn kịp thời.

Ngay tối 30/11, nhiều trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội cũng phát thông báo, gửi tin nhắn đến toàn thể cha mẹ học sinh ở các lớp để cảnh báo. Theo đó, các trường đều yêu cầu giáo viên chủ nhiệm lớp phổ biến tới tất cả cha mẹ học sinh về sự xuất hiện của một loại kẹo có vỏ in chữ nước ngoài và không có nhãn chú thích bằng tiếng Việt. Các thông tin cảnh báo về sự ảnh hưởng của loại kẹo này cũng được các trường lưu ý với phụ huynh.

Nhiều trường học đã thông báo, gửi tin nhắn đến toàn thể cha mẹ học sinh để cảnh báo.

Theo các chuyên gia về thực phẩm, sử dụng bánh kẹo không rõ nguồn gốc với chất lượng không đảm bảo sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe. Chúng có thể không gây ra các triệu chứng ngộ độc thực phẩm ngay nhưng về lâu dài có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ mà chúng ta ít ngờ tới.

Đặc biệt đối với bánh kẹo có màu sắc lòe loẹt, tươi sáng là do sử dụng phẩm màu. Phẩm màu có hai loại gồm phẩm màu tự nhiên và hóa học. Phẩm màu tự nhiên thường có màu sắc không rực rỡ do được chiết xuất từ chất hữu cơ như củ, quả, lá... Do vậy, khi chế biến, người dùng phải sử dụng lượng lớn mới tạo được màu sắc bắt mắt cho thực phẩm. Phẩm màu hóa học thì ngược lại, dùng lượng ít nhưng màu sắc rất rực rỡ. Bằng mắt thường khó có thể phân biệt đâu là phẩm màu tự nhiên, đâu là phẩm màu hóa học. Tuy nhiên, thực phẩm có màu càng sặc sỡ thì nguy cơ dùng phẩm màu hóa học càng cao.

Ngoài ra, các loại bánh kẹo trôi nổi trên thị trường chưa được kiểm tra về vệ sinh an toàn thực phẩm, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm. Do đó đối với các mặt hàng không có nhãn mác, không in rõ nơi sản xuất, hạn sử dụng trên bao bì, người tiêu dùng tuyệt đối không nên mua.

Phát hiện một số loại kẹo test nhanh dương tính với chất ma túy

Thông tin từ Tổng Cục Quản lý thị trường, ngày 30/11/2023  Đội Quản lý thị trường số 10 phối hợp Cùng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về Kinh tế - Công an thành phố Thanh Hóa tiến hành kiểm tra một cơ sở kinh doanh bánh kẹo tại thôn 1, Xã Long Anh, Thành phố Thanh Hóa, Tỉnh Thanh Hóa. Qua test nhanh phát hiện một số loại kẹo dương tính với chất ma túy.

Lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra hàng hoá.

Qua kiểm tra đoàn kiểm tra phát hiện: 16 loại bánh, kẹo (gồm 24.280 gói kẹo, bánh các loại và 90kg kẹo cân hoa quả) trên nhãn có chữ viết bằng tiếng nước ngoài, chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ. Qua test nhanh có một số loại kẹo dương tính với chất ma túy. Đội Quản lý thị trường số 10 đã ra Quyết định tạm giữ toàn bộ hàng hóa vi phạm trên.

Hình ảnh test nhanh một số loại kẹo dương tính với chất ma túy.

Hiện vụ việc đang được cơ quan chức năng tiếp tục điều tra, làm rõ hành vi vi phạm để xử lý theo quy định của pháp luật.

Trước đó, trong sáng 30/11, trên các trang mạng xã hội lan truyền thông tin về các gói kẹo được bày bán trước cổng các trường học trên địa bàn TP Lạng Sơn (Lạng Sơn) gây ngộ độc cho một số học sinh ăn phải, nghi có chứa chất ma túy.

Cụ thể, trang Facebook này chia sẻ: “Thu giữ hàng trăm gói kẹo trẻ em có chứa chất ma túy bán ngay cổng trường tiểu học tại Lạng Sơn.

Công an Lạng Sơn vừa thu giữ nhiều gói đồ ăn vặt sắc màu như trong ảnh. Những gói này được bày bán trước các cổng trường cấp 1, cấp 2 tại TP Lạng Sơn với giá từ 3.000 đồng đến 4.000 đồng.

Test nhanh tất cả những gói này đều dương tính với ma túy. Người bán khai là không biết gì cả”.

Thông tin lan truyền trên mạng xã hội về các gói kẹo chứa chất ma túy bán ở cổng trường học trên địa bàn TP Lạng Sơn, Lạng Sơn.

Tối 30/11, lãnh đạo Công an tỉnh Lạng Sơn cho biết, các lực lượng chức năng đang phối hợp kiểm tra và mời những người bán hàng đến làm việc, xác minh các gói kẹo có màu sắc bắt mắt, nhiều chữ tiếng nước ngoài.

Thông tin lan truyền trên mạng xã hội về các gói kẹo chứa chất ma túy bán ở cổng trường học trên địa bàn TP Lạng Sơn, Lạng Sơn. (Ảnh cắt từ clip).

"Hiện các sản phẩm đã được đơn vị gửi đến cơ quan chức năng giám định thành phần; sau khi có kết quả chúng tôi sẽ thông tin để người dân nắm; đồng thời điều tra, xử lý vi phạm nếu sản phẩm có chứa chất ma túy hoặc các chất gây hại khác. Việc học sinh ăn kẹo lạ gây ngộ độc đơn vị cũng đang phối hợp điều tra làm rõ", vị lãnh đạo Công an tỉnh Lạng Sơn cho biết thêm.

Lãnh đạo Công an tỉnh Lạng Sơn cũng cho hay, clip được lan truyền do một người phụ nữ quay, rồi gửi cho mọi người, đơn vị đang cho kiểm điểm.

Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 5908:2009 về Kẹo

TCVN 5908 : 2009 do Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia TCVN/TC/P18 Đường, sản phẩm đường và mật ong biên soạn, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đề nghị, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.

Theo đó tiêu chuẩn này áp dụng cho các loại kẹo cứng có nhân, kẹo mềm và kẹo dẻo.

Nguyên liệu: Đường trong kẹo phải phù hợp với TCVN 7968:2008 (CODEX STAN 212-1999 With amendment 1-2001); Các nguyên liệu khác như sữa bột, bột mì, bột cacao, dầu thực vật v.v..: đáp ứng yêu cầu để dùng làm thực phẩm theo các tiêu chuẩn tương ứng.

Chất nhiễm bẩn: Giới hạn tối đa các chất nhiễm bẩn như kim loại nặng, độc tố nấm mốc: theo quy định hiện hành.

Phụ gia thực phẩm: Sử dụng các loại phụ gia thực phẩm và các mức theo quy định hiện hành.

Ghi nhãn: Ghi nhãn sản phẩm theo quy định hiện hành và TCVN 7087:2008 (CODEX STAN 1-2005).

Bao gói: Kẹo được đóng gói trong bao bì chuyên dùng cho thực phẩm.

Bảo quản: Kẹo được bảo quản ở nơi khô, mát, tránh ánh sáng mặt trời, đảm bảo chất lượng sản phẩm.

Vận chuyển: Kẹo được vận chuyển bằng các phương tiện khô, không có mùi lạ làm ảnh hưởng đến sản phẩm.

Theo Tạp chí Thương trường

(https://thuongtruong.com.vn/news/11-hoc-sinh-co-dau-hieu-ngo-doc-khi-an-keo-la-so-gddt-ha-noi-chi-dao-khan-112675.html)