2019 và Dấu ấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng

11:04, 07/02/2020

“Việt Nam cần xây dựng mạng xã hội mới, công cụ tìm kiếm mới”

Tại buổi gặp gỡ cộng đồng công nghệ thông tin - truyền thông phía Nam ngày 15/6/2019, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã có những phát biểu ấn tượng về thực trạng mạng xã hội hiện nay. Theo Bộ trưởng: Mạng xã hội mấy tỉ người tạo ra một giá trị rất lớn. Ví dụ người dùng đã đưa giá trị công ty sở hữu mạng xã hội đó lên 500-600 tỷ USD, tuy nhiên người hưởng lợi không phải người dùng mà lại là một người; người chơi mạng xã hội đó không được tạo ra luật chơi của mình mà phải chịu quy định của một người. Đồng thời, Mạng xã hội là một xã hội, vậy nên các giá trị đạo đức căn bản của con người phải được tôn trọng, phải tuân thủ luật pháp của các quốc gia; thế giới cần một cách tiếp cận mới về mạng xã hội, những người tham gia mạng xã hội phải được chia sẻ những giá trị mà mạng xã hội đó tạo ra. Họ phải được tham gia quyết định luật chơi trên đó, họ phải được bảo vệ trên đó.

Tương tự, việc tìm kiếm thông tin, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trăn trở, với một câu hỏi có tới hàng trăm ngàn câu trả lời khác nhau thì cũng cần có một câu trả lời có độ tin cậy.

“Những yêu cầu mới này của xã hội mở ra không gian cho các mạng xã hội mới, các công cụ tìm kiếm mới trong một hệ sinh thái số mới, các doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam, các công ty khởi nghiệp Việt Nam có một cơ hội lớn để phát triển hệ sinh thái mới với triết lý mới và với mô hình kinh doanh mới, không chỉ cho Việt Nam mà cho cả thế giới” Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khuyến khích doanh nghiệp thay đổi tư duy, đổi mới sáng tạo để góp sức trong quá trình chuyển đổi số của Việt Nam, góp phần xây dựng Việt Nam hùng cường.

“Việc dễ thì không bao giờ tạo ra người tài”

            Tại lễ ra mắt Mạng xã hội Lotus được đầu tư và phát triển bởi VCCorp ngày 16/9/2019, đánh giá về việc phát triển mạng xã hội Made in VietNam Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, Việt Nam là nước đi sau, sẽ không còn bất kỳ việc gì dễ còn lại cho chúng ta. Nhưng chúng ra sẽ không nhìn đó chỉ như là thách thức mà còn là cơ hội nữa. Bởi vì việc dễ thì không bao giờ tạo ra người tài. Việc trung bình thì tạo ra người trung bình. Việc khó thì tạo ra người giỏi. Việc vĩ đại thì tạo ra người vĩ đại.

Sắp tới đây, Bộ TT&TT sẽ đặt ra nhiều hơn nữa các bài toán khó, có thể là rất khó, nhưng sẽ luôn là những bài toán nếu thành công sẽ mang lại giá trị kinh tế lớn cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực ICT.

Trong một thế giới kinh doanh mà người thắng cuộc gần như hưởng lợi tất cả, thì những người đi sau chỉ còn một cách duy nhất là có cách tiếp cận mới, khác biệt, có tính đột phá. Bất kỳ sự thành công nào rồi cũng bộc lộ những khuyết tật. Bài toán được giải, nhu cầu được thoả mãn, thì rồi những nhu cầu mới sẽ xuất hiện. Những công nghệ mới có tính đột phá sẽ ra đời và làm xuất hiện những mô hình kinh doanh mới, đáp ứng được những nhu cầu mới của thị trường, của người dùng. Bởi vậy mà những công ty start-up mới khởi nghiệp sẽ lại thay thế những gã khổng lồ. Đó chính là sự tiến hoá. Nó như một qui luật muôn đời vậy. Các công ty start-up Việt Nam nên có niềm tin này để khởi nghiệp.

“Doanh nghiệp Việt Nam cần làm chủ các công nghệ nền tảng trong Chính phủ điện tử”

Tại buổi làm việc đầu tiên của Tổ công tác giúp việc Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử kể từ khi nhiệm vụ thường trực Tổ công tác được chuyển từ Văn phòng Chính phủ sang Bộ TT&TT theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ vào ngày 22/10/2019, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã một lần nữa đề cập đến cơ hội cho các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam trong xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử: “Chúng ta cần xây dựng Chính phủ điện tử tốt và dẫn đầu. Điều này sẽ mang lại cơ hội cho doanh nghiệp CNTT phát triển, phục vụ cho Việt Nam và từ Việt Nam đi ra nước ngoài”.

Cũng trong kết luận buổi làm việc của Tổ công tác, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã nêu rõ các công nghệ nền tảng trong Chính phủ điện tử mà các doanh nghiệp Việt Nam cần phải làm chủ được, như: những doanh nghiệp công nghệ Việt Nam nào sẽ tham gia vào việc làm chủ mật mã Chính phủ điện tử, bảo đảm an toàn, an ninh mạng chính là điều kiện tiên quyết để xây dựng Chính phủ điện tử tin cậy...

“Công nghệ số sẽ thay đổi báo chí”

Phát biểu tại Diễn đàn “Báo chí và Công nghệ” do Bộ TT&TT tổ chức ngày 13/11/2019, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã nhấn mạnh: Công nghệ tạo cuộc chơi mới, tạo mô hình kinh doanh mới. Vì thế, quá trình tìm tòi lời giải về công nghệ phải song song với việc tìm ra các mô hình kinh tế mới cho báo chí, trong bối cảnh hệ sinh thái truyền thông số trên toàn thế giới đang có những biến động mạnh, đặt tất cả chúng ta trước bài toán khốc liệt để tồn tại và phát triển. Chuyển đổi số báo chí cần có những công ty công nghệ đi bên cạnh hỗ trợ. Trong khi đó, Việt Nam có những công ty công nghệ số rất mạnh, không chỉ cung cấp hạ tầng viễn thông, hạ tầng CNTT, hạ tầng Cloud, họ còn có thể phát triển các Platforms, các ứng dụng cho báo chí, nhất là các Platforms dùng chung cho báo chí. Một số công ty như vậy đã cam kết đồng hành cùng báo chí trong tiến trình chuyển đổi số, đó là Tập đoàn Viettel, Tập đoàn Công nghệ CMC, công ty Yeah1. Viettel và CMC sẽ có đội ngũ chuyên biệt phát triển hạ tầng và ứng dụng cho báo chí, và tất nhiên, với giá cả hợp lý.

Các doanh nghiệp viễn thông vừa qua cũng đã có sự hỗ trợ rất thiết thực với báo chí, đó là có giá đặc biệt về kết nối và hosting cho báo chí điện tử. Có thể giá trị chưa lớn, nhưng đây là lần đầu tiên, các doanh nghiệp Viễn thông-CNTT Việt Nam chung tay hỗ trợ báo chí nước nhà.

 

“Việt Nam sẽ đi cùng nhịp với thế giới về công nghệ”

            Đó là lời khẳng định của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trong Hội nghị Tổng kết công tác năm 2019 và Triển khai nhiệm vụ năm 2020 của Bộ TT&TT diễn ra ngày 28/12/2019. Theo Bộ trưởng: Những sự kiện năm 2019 của ngành công nghệ thông tin và truyền thông đã truyền đi những thông điệp mạnh mẽ, vừa là định hướng cho một giai đoạn mới, vừa là sự khích lệ, vừa là ngọn cờ tập hợp lực lượng. Thử nghiệm 5G năm 2019 và thương mại hoá vào năm 2020 là tuyên bố từ nay, Việt Nam sẽ đi cùng nhịp với thế giới về công nghệ, không còn độ trễ 7 năm, 8 năm như đối với 3G, 4G nữa. Chúng ta chỉ có thể thay đổi thứ hạng Việt Nam nếu đi cùng nhịp với nhóm dẫn đầu thế giới. Sau 30 năm, 2G đã hoàn thành sứ mạng của nó, việc tắt sóng 2G và hỗ trợ máy 4G cho người dân sẽ giúp đưa Việt Nam thành một trong số ít các nước với 100% là máy điện thoại thông minh, và sẵn sàng cho công dân điện tử.

            Năm 2020, sự kiện viễn thông lớn nhất thế giới sẽ diễn ra ở Việt Nam với sự tham gia của trên 120 quốc gia và vùng lãnh thổ. Nhưng sự thay đổi lớn nhất là sau gần 50 năm, sự kiện này thay đổi về nội hàm, chuyển từ triển lãm viễn thông thế giới thành triển làm số thế giới, và đây là theo đề xuất của Việt Nam. Vị thế mới của Việt Nam cho phép ngành của chúng ta tham gia nhiều hơn, sâu hơn, chủ động hơn, tự tin hơn trong các sự kiện quốc tế. Việt Nam phải có những đóng góp quốc tế trong lĩnh vực ICT.

PV