3 đề cử giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2022
Với những nghiên cứu trong lĩnh vực Y, Dược và Nông nghiệp 3 nhà khoa học được đề cử là đại diện tiêu biểu cho thế hệ trẻ Việt Nam giàu trí tuệ và khát vọng cống hiến.
TS Trương Thanh Tùng (33 tuổi) - Viện nghiên cứu tiên tiến Phenikaa
TS Trương Thanh Tùng được cấp bằng sáng chế quốc tế khi tìm ra dẫn chất benzothiazole có khả năng điều trị ung thư trúng đích. Bằng độc quyền được cấp bởi Tổ chức sáng chế châu Âu (EPC) năm 2014. Hiện nhóm nghiên cứu của TS Tùng đang phát triển dẫn chất benzothiazole thành thuốc điều trị. Đây là các khung chất phân tử nhỏ, có thể ức chế các tổ chức gây ra bệnh ung thư. Sự khác biệt của sáng chế này là tìm ra chất có tác dụng mạnh hơn so với thuốc hiện có trên thị trường, chọn lọc trên đích tác dụng hơn và sử dụng với liều lượng thấp hơn.
Việc tìm ra dẫn chất này có thể mang đến một phương pháp điều trị mới an toàn hơn cho bệnh nhân ung thư, đó là điều trị trúng đích. Tức là thuốc chỉ tác dụng chọn lọc trên tác nhân gây ung thư mà không ảnh hưởng đến các tổ chức lành tính khác. Nếu thành công, thuốc có thể không gây nhiều độc tính như các phương pháp điều trị ung thư hiện có. Hiện trên thế giới mới có duy nhất một loại thuốc của Mỹ.
Tiến sĩ Trương Thanh Tùng.
Hiện, TS Tùng là Trưởng nhóm nghiên cứu thuốc mới thuộc Viện nghiên cứu tiên tiến Phenikaa, đồng thời là giảng viên khoa Dược, Đại học Phenikaa. TS Tùng chia sẻ, anh cùng các cộng sự có khó khăn nhất định khi là những người "mở đường" trong nghiên cứu theo hướng quorum sensing tại Việt Nam. Các thuốc mới được thiết kế đều phải gửi ra nước ngoài thử nghiệm. Đại học Phenikaa đang đầu tư cho các thử nghiệm sinh học tại Việt Nam, trong thời gian tới có thể làm toàn bộ trong nước.
Đến nay, nhóm có 7 công trình liên quan đến các phương pháp tìm thuốc kháng khuẩn mới. Trong đó có một công trình dạng tổng quan được đăng trên tạp chí đầu ngành thế giới về Hóa Dược Journal of Medicinal Chemistry.
TS Chu Đức Hà - giảng viên trường ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội
Những năm tháng học tập, làm việc và nghiên cứu của TS Chu Đức Hà ghi dấu ấn với 172 bài báo khoa học được công bố trên các tạp chí khoa học uy tín trong nước và quốc tế, 5 giống lúa gạo ứng phó với biến đổi khí hậu được công nhận cấp quốc gia.
Tiến sĩ Chu Đức Hà.
Con đường nghiên cứu của TS Chu Đức Hà tiếp tục đạt cột mốc mới với sản phẩm “Hệ thống bẫy sâu keo mùa thu tự động” của nhóm nghiên cứu Nông nghiệp số thuộc Khoa Công nghệ nông nghiệp, đang trong quá trình đăng ký giải pháp hữu ích. Thiết bị được thiết kế dựa trên bẫy sâu trưởng thành sử dụng pheromone. Các cảm biến được tích hợp vào thiết bị nhằm đếm số lượng sâu trưởng thành bị bẫy và thu thập thông số môi trường, bao gồm nhiệt độ và độ ẩm không khí.
Kết quả của nghiên cứu này đã đề xuất một giải pháp hữu hiệu trong việc bẫy và đếm sâu, từ đó đưa ra cảnh báo về sự xuất hiện của sâu keo mùa thu tại các tỉnh phía Bắc. Đây là một trong những công trình nghiên cứu, đồng thời là giải pháp mang lại giá trị khoa học và ứng dụng thực tiễn trong bài toán sản xuất nông nghiệp hiện nay.
TS Lê Thị Phương - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam
Tiến sĩ Lê Thị Phương (sinh năm 1988) - Nghiên cứu viên Viện Khoa học vật liệu ứng dụng, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam được biết đến với hướng nghiên cứu chính là phát triển các vật liệu mới, có tính tương hợp sinh học cao và hỗ trợ quá trình điều trị bệnh hiệu quả hơn so với các phương pháp truyền thống.
Tiến sĩ Lê Thị Phương.
Hiện nay, hai bằng sáng chế quốc tế của TS Phương đang ở trong giai đoạn đăng ký sở hữu trí tuệ; riêng một số sản phẩm đang được xúc tiến thử nghiệm trên nhiều mô hình động vật khác nhau để tiến tới thử nghiệm lâm sàng trên người. Cô hy vọng, trong tương lai sẽ sớm áp dụng các sáng chế này để tạo ra các sản phẩm thương mại đóng góp cho lợi ích chung của cộng đồng.
Bên cạnh đó, TS Phương cũng có 3 bằng độc quyền sáng chế quốc gia đã đăng ký tại Hàn Quốc, tập trung nghiên cứu vào các loại hydrogel với các đặc tính mới ứng dụng cho nhiều loại bệnh lý khác nhau. Trong số đó, công trình nghiên cứu hydrogel đa chức năng (kháng khuẩn, thúc đẩy quá trình biệt hóa xương) ứng dụng trong điều trị các bệnh liên quan đến xương khớp) là nghiên cứu đầu tiên trong lĩnh vực hydrogel tiêm không sử dụng H2O2 và cho nhiều tác dụng hiệp lực cho hệ hydrogel tạo thành bởi xúc tác enzyme HRP.
Sau khi công bố 20 đề cử Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2022, từ ngày 16/2 đến ngày 4/3/2013, hệ thống bình chọn trực tuyến các đề cử sẽ chính thức được kích hoạt trên 10 đơn vị báo chí, Cổng thông tin T.Ư Đoàn và một số website của các tỉnh, thành Đoàn.
Phương thức bình chọn là sử dụng một hệ thống bình chọn duy nhất tại địa chỉ: www.tainangtrevietnam.vn. Kết quả bình chọn có ý nghĩa tham khảo cho Hội đồng xét tặng giải thưởng "Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2022".
Sau khi công bố 20 đề cử Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2022, từ ngày 16/2 đến ngày 4/3/2013, hệ thống bình chọn trực tuyến các đề cử sẽ chính thức được kích hoạt trên 10 đơn vị báo chí, Cổng thông tin T.Ư Đoàn và một số website của các tỉnh, thành Đoàn. Phương thức bình chọn là sử dụng một hệ thống bình chọn duy nhất tại địa chỉ: www.tainangtrevietnam.vn. Kết quả bình chọn có ý nghĩa tham khảo cho Hội đồng xét tặng giải thưởng "Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2022". |
Thùy Dung (T/h)