4 tháp 5G bị đốt phá tại Hà Lan

Nguyệt Hằng 12:18, 13/04/2020

Các cuộc tấn công tháp di động không chỉ xảy ra tại Vương quốc Anh mà nó đã lan sang Hà Lan, khi những kẻ tấn công đã đốt phá hoặc phá hoại một số tháp di động nơi đây.

Theo Reuters, tại Hà Lan, đã có 4 tháp 5G bị đốt phá trong tuần qua. Việc các tháp 5G bị tấn công tại Hà Lan có thể là do lo ngại về bệnh Covid-19. Một trong số thủ phạm đã lên tiếng phản đối công nghệ kết nối không dây này.

Các cuộc tấn công được cho là bắt nguồn bởi làn sóng phản đối mạng 5G từ Hà Lan trong suốt thời gian dài, với quy mô chống lại mạng không dây thế hệ tiếp theo theo nhiều cách khác nhau.

Sau Vương quốc Anh, đến phiên các tháp di động 5G tại Hà Lan bị tấn công

Cơ quan Điều phối quốc gia về an ninh và chống khủng bố (NCTV) Hà Lan cho biết đã có những cuộc biểu tình chống 5G ở Hà Lan kể từ khi kế hoạch triển khai mạng này được công bố vào năm 2019, nhưng chưa có bất kỳ hành động tấn công bạo lực vào các tháp di động trước đó.

Các quan chức tại NCTV lặp đi lặp lại cảnh báo rằng các hành động này có thể làm gián đoạn liên lạc, bao gồm cả các dịch vụ khẩn cấp. Theo NCTV, họ đang liên kết chặt chẽ với các nhà mạng và cảnh sát để phối hợp chống lại các hành động như vậy.

Không rõ liệu các cuộc tấn công có được thúc đẩy bởi tin đồn gần đây về mối liên hệ giữa 5G và Covid-19 hay chỉ là nỗi sợ chung của người dùng Hà Lan đối với tiêu chuẩn không dây mới. Tuy nhiên, trong cả hai trường hợp, không có bằng chứng nào cho thấy 5G có tác dụng có hại. Tín hiệu tần số cao dễ bị chặn đến mức nó thậm chí không xuyên qua lớp da bên trong và mạng di động hoạt động ở mức năng lượng thấp đến mức chúng nằm dưới giới hạn an toàn khi tiếp xúc với bức xạ.

AFP cũng cho biết, các chuyên gia cho rằng 5G hoạt động dựa trên tần số radio. Điều này không giúp tạo ra virus.

Các chuyên gia đều đồng ý Trung Quốc là nước dẫn đầu về việc sử dụng 5G trong thương mại. Nhưng không chỉ có Trung Quốc, các nước khác như Hàn Quốc, Anh, Mỹ đã áp dụng công nghệ này từ năm 2019. Trên thực tế, những quốc gia khác như Malaysia, Iran, Pháp, Singapore, Nigeria... cũng bùng phát dịch Covid-19 mà không có mạng 5G.

"Trước đây đã có nhiều lo ngại về sức khỏe liên quan đến việc sử dụng 5G. Tuy vậy, những điều này chỉ xoay quanh bức xạ sinh ra từ 5G, không liên quan gì tới virus", các chuyên gia nói với AFP.

Fabien Heliot, một nhà nghiên cứu chuyên về tiếp xúc điện từ trong giao tiếp không dây tại Đại học Surrey giải thích 5G giống như các thế hệ thông tin di động trước đây. Chúng dựa trên sóng RF và sóng điện từ (EM) để truyền thông tin. Bản thân dạng sóng EM là bức xạ không ion hóa.

Dẫu vậy, các cuộc tấn công vào mạng 5G vẫn liên tục xảy ra với số lượng sự cố ngày càng tăng cho thấy bạo lực sẽ không dừng lại trong tương lai.

PV/TH