41% trẻ em “nghiện” smartphone

10:00, 27/12/2012

Câu chuyện gần đây về chứng “nghiện smartphone” ở trẻ em nổi bật trên khắp các trang báo mạng đã dấy lên một hồi chuông cảnh báo cho những bậc cha mẹ với con em mình.


Một cô bé 11 tuổi tại Hàn Quốc được phỏng vấn cho biết, toàn bộ thời gian của cô hầu như gắn liền với chiếc smartphone. Cô bé nhắn tin tán gẫu với bạn bè hàng giờ và thậm chí dành rất nhiều thời gian để chăm sóc thú cưng điện tử trên điện thoại. Đáng buồn là câu chuyện của cô bé không phải là hiếm gặp.

Nếu những đứa trẻ của bạn tỏ ra rằng chúng chỉ vui vẻ khi có điện thoại bên cạnh, hoặc tỏ ra vô cùng thất vọng khi phải làm những hoạt động khác mà không đi kèm với chiếc điện thoại, đó thực sự là một dấu hiệu của việc “nghiện” smartphone.

Những bậc cha mẹ có thể cảm nhận rõ rằng sẽ thật khó khăn khi muốn bọn trẻ “nghỉ giải lao” và rời xa chiếc điện thoại dù chỉ trong chốc lát.

Common Sense Media, một tổ chức hoạt động nhằm cải thiện đời sống trẻ em thông qua công nghệ và giáo dục truyền thông đã tiến hành một thí nghiệm rất đáng chú ý. Trong thí nghiệm này, những đứa trẻ được gắn một thiết bị theo dõi mức độ sử dụng điện thoại trong chiếc smartphone của chúng. Và kết quả đã cho thấy một con số đáng kinh ngạc, 41% trẻ em đã thực sự “nghiện” smartphone.


Thế nhưng vẫn có một tia hi vọng, những đứa trẻ nằm trong diện “cần theo dõi” đã có ý kiến rằng chúng ước gì không bị quá phụ thuộc vào các thiết bị truyền thông đến thế và thực tế này không phải điều mà chúng mong muốn. Vậy câu hỏi đặt ra là những bậc cha mẹ cần phải làm gì để có thể giúp con em họ vượt qua “cơn nghiện”  mà các em không hề mong muốn?

Một đề xuất mà Common Sense Media đưa ra là họ nên có một chế độ quản lý giờ giấc sử dụng điện thoại của bọn trẻ hợp lý để tạo thói quen tốt cho trẻ. Các bậc cha mẹ cũng cần chú ý đến hành vi của chính bản thân mình, đừng biến bản thân thành hình mẫu để trẻ học theo, khi chính bản thận họ cũng phụ thuộc quá nhiều vào các thiết bị kĩ thuật số. Sẽ là rất khó khăn để trẻ tự nhận biết đâu là giới hạn khi sử dụng điện thoại, và vô tình, chúng sẽ lơ là việc tham gia các hoạt động xã hội - vốn đóng một vai trò cực kì quan trọng trong việc phát triển nhân cách và suy nghĩ của trẻ.

Cụ thể, các bậc cha mẹ nên thiết lập giới hạn và giờ giấc sử dụng trước khi giao cho trẻ một chiếc smartphone. Ví dụ bạn có thể đề nghị trẻ sạc pin điện thoại ở phòng bố mẹ, chúng sẽ được giao lại điện thoại vào sáng ngày mai.

Cùng mối quan tâm này, có rất nhiều trang web đã được thành lập với lời cam kết có thể giúp đỡ những đứa trẻ thoát khỏi căn bệnh “nghiện” công nghệ. Tuy nhiên , cách tốt nhất vẫn là sự can thiệp mạnh mẽ của bạn bằng cách đưa trẻ đến gặp bác sĩ tâm lý nếu cần thiết.

Chúng ta đều biết rằng, sử dụng smartphone quá mức là một vấn đề thực tế cần được theo dõi và quan tâm nhiều hơn. Vấn nạn “ nghiện” công nghệ là có thật và rất cần được nghiên cứu sâu thêm. Với bọn trẻ hiện nay, cuộc sống mà không có công nghệ thì thật khó mà tưởng tượng và chúng chìm đắm quá nhiều vào thế giới ảo này. Và chính những bậc cha mẹ cần thiết phải cân bằng được cuộc sống thật với thế giới công nghệ kia, để hướng đến cho trẻ thói quen sống lành mạnh.

Theo Vietnamnet.vn