AI - Cuộc cách mạng hóa cho kỷ nguyên tìm kiếm và hồi đáp như một con người
Sự phát triển của AI - đã đặt dấu chấm hết cho kỷ nguyên 'gõ từ khóa' của Google. AI cho phép nhập lời nói tự nhiên và hồi đáp như một chuyên gia con người.
Nếu trước đây, người dùng có thể nhập vài từ khóa vào ô tìm kiếm và nhận lại một danh sách những đường link màu xanh dẫn đến các kết quả phù hợp nhất, kèm theo vài dòng giải thích nhanh phía trên, bản đồ hoặc video. Về cơ bản, quá trình này chỉ là thu thập thông tin sẵn có trên Internet và hiển thị một cách ngăn nắp.
Thì nay, thay vào đó, con người đang bước vào kỷ nguyên tìm kiếm hội thoại. Thay vì từ khóa, người dùng nhập vào những câu hỏi thực tế, diễn đạt bằng ngôn ngữ tự nhiên. Và thay vì danh sách đường link, người dùng sẽ nhận được câu trả lời do trí tuệ nhân tạo (AI) tạo sinh viết ra dựa trên thông tin trực tiếp từ mọi nguồn trên Internet.
AI đã thay đổi cách con người tìm kiếm trên Internet
Tháng 5/2023, công ty này thử nghiệm đưa ra những câu trả lời AI cho các truy vấn tìm kiếm. Họ sử dụng mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) của mình để cung cấp câu trả lời mà người dùng có thể mong đợi từ một nguồn chuyên gia hoặc một người bạn đáng tin cậy.
Google gọi những câu trả lời này là AI Overviews. CEO Google, Sundar Pichai, coi đây là một trong những thay đổi tích cực nhất mà họ từng thực hiện với việc tìm kiếm suốt một thời gian dài.
AI Overviews thay đổi cơ bản các loại truy vấn mà Google có thể xử lý. Giờ đây người dùng có thể hỏi những câu như: "Tôi sẽ ở Nhật Bản một tuần vào tháng tới. Tôi ở Tokyo nhưng muốn thực hiện vài chuyến tham quan trong ngày. Có lễ hội nào diễn ra gần đó không? Lướt sóng ở Kamakura sẽ như thế nào? Có ban nhạc chất lượng nào biểu diễn không?"
Và họ sẽ nhận được phản hồi, không phải một đường link, mà là câu trả lời đầy đủ. Câu trả lời không giống như truy vấn một cơ sở dữ liệu, mà giống hỏi một người bạn thông minh, hiểu biết nhiều.
Người dùng có thể thử tìm kiếm những điều gần như bất khả thi trước đây, và nhận được câu trả lời đúng. Họ không cần phải diễn đạt chính xác điều mình muốn tìm kiếm. Ví dụ, người dùng có thể mô tả con chim trong sân, vấn đề với tủ lạnh, hoặc tiếng động kỳ lạ mà ôtô phát ra, và nhận được lời giải thích tổng hợp từ các nguồn trước đây bị cô lập trên Internet. Một khi thử tìm kiếm theo cách đó, người dùng có thể sẽ "nghiện".
Không chỉ Google, ChatGPT của OpenAI hiện cũng có quyền truy cập vào website, cho phép tìm kiếm câu trả lời cập nhật hơn cho những câu hỏi của người dùng. Microsoft tung ra kết quả tìm kiếm AI cho Bing vào tháng 9/2024. Meta cũng có phiên bản của riêng mình. Startup Perplexity đang làm điều tương tự với phương châm "tiến nhanh, phá vỡ mọi thứ". Các công ty đang đặt cược hàng nghìn tỷ USD trong cuộc đua trở thành nguồn tra cứu thông tin thống trị tiếp theo - Google tiếp theo.
Mặc dù vậy, không phải ai cũng hào hứng với sự thay đổi mà AI mang lại. Các nhà xuất bản website lo lắng vì mất lưu lượng truy cập từ việc bấm đường link mà Google giới thiệu. Những nội dung từng phải trả phí để tiếp cận, giờ đây có thể xuất hiện trong câu trả lời công khai của AI.
Người dùng cũng lo lắng về tính xác thực của đáp án mà AI cung cấp. Các mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) có thể nhầm lẫn, bịa đặt, hoặc tưởng tượng ra những điều vô nghĩa. AI tạo sinh có thể cung cấp câu trả lời hoàn toàn mới cho cùng một câu hỏi với mỗi lần, hoặc cung cấp các đáp án khác nhau cho từng người dựa trên hiểu biết về người đó.
Một nguy cơ khác là người dùng có thể hỏi những điều kỳ lạ, đôi khi bất hợp pháp, ví dụ như cách chế tạo bom. Do đó, AI phải cực kỳ cẩn thận để tránh đưa ra câu trả lời có thể gây hại.
Các nhà phát triển vẫn đang nỗ lực khắc phục những vấn đề này, bao gồm việc tăng tính xác thực trong câu trả lời của AI. Về vấn đề truy cập, Pichai cho rằng không cần quá lo lắng vì ngay cả trong thời đại của AI Overviews, nhiều người vẫn sẽ muốn bấm link để tìm hiểu sâu hơn. Theo Liz Reid, chuyên gia tại Google, AI Overviews cho phép mọi người đặt câu hỏi phức tạp hơn và đi sâu hơn vào những gì họ muốn. Do đó, công cụ này thậm chí hữu ích cho một số nhà xuất bản và doanh nghiệp nhỏ, giúp họ tiếp cận khách hàng mới.
Cách công cụ tìm kiếm cung cấp câu trả lời cũng đang thay đổi nhanh chóng. Ví dụ, ngày nay Google không chỉ giúp tìm kiếm văn bản, hình ảnh, video, mà thậm chí có thể tạo ra chúng. Người dùng có thể yêu cầu: "Hãy cho tôi xem một con chim Townsend’s warbler trông như thế nào trên ngọn cây trước mặt".
Nhiều câu hỏi được đặt ra rằng: Liệu rằng ChatGPT có thể thay thế Google Search?
Ở giai đoạn hiện tại thì câu trả lời là không. ChatGPT không thể đóng vai trò thay thế cho Google Search. Điều này là do độ tin cậy của các chatbot như ChatGPT vẫn chưa ở giai đoạn mà nó có thể được tin cậy hoàn toàn như trên Google Search. ChatGPT có thể sáng tạo vô tận, nhưng không phải lúc nào nó cũng đúng trên thực tế. Nó có thể đưa ra thông tin cũ và không được áp dụng trong thời điểm hiện tại.
Nếu tại bất kỳ thời điểm nào trong tương lai, ChatGPT hoặc các chatbot khác trở nên đáng tin cậy như Google, thì gã khổng lồ tìm kiếm đã có sẵn các biện pháp đối phó để không ai có thể làm những gì Google làm tốt nhất.