Ai dẫn đầu, ai xếp cuối trong danh sách đánh giá mức độ chuyển đổi số Việt Nam 2020?

09:32, 20/10/2021

Đà Nẵng là địa phương dẫn đầu bảng xếp hạng trong Báo cáo chỉ số đánh giá chuyển đổi số (DTI) 2020 ở cả 3 trụ cột chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Cuối bảng xếp hạng là tỉnh Ninh Thuận, Thủ đô Hà Nội hiện ở vị trí thứ 43.

Chiều 19/10, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) và Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) phối hợp tổ chức hội thảo trực tuyến công bố báo cáo kết quả đánh giá chuyển đổi số cấp bộ, cấp tỉnh năm 2020 và thúc đẩy cung cấp 100% dịch vụ công đủ điều kiện lên trực tuyến mức độ 4.

Năm 2020 là năm đầu tiên Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá chỉ số chuyển đổi số (Digital Transformation Index-DTI) của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đây cũng là lần đầu tiên Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai khảo sát, thu thập, kiểm tra số liệu báo cáo để phục vụ đánh giá Chỉ số chuyển đổi số qua hình thức trực tuyến tại địa chỉ: https://dti.gov.vn.

Công bố chỉ số đánh giá chuyển đổi số 2020 của các bộ, ngành, địa phương.

Báo cáo DTI năm 2020 được tổng hợp từ 4 nguồn dữ liệu thu thập gồm: số liệu báo cáo chuyển đổi số của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong năm 2020; số liệu điều tra xã hội của người dân, doanh nghiệp, cán bộ, công chức, viên chức; số liệu đánh giá của các chuyên gia về chuyển đổi số, công nghệ thông tin; số liệu đánh giá trên không gian mạng do Bộ Thông tin và Truyền thông giám sát.

Kết quả đánh giá chuyển đổi số cấp bộ, cấp tỉnh năm 2020 nhằm cung cấp bức tranh tổng thể về chuyển đổi số ở Việt Nam năm 2020, đồng thời theo dõi, đánh giá, xếp hạng một cách thực chất, khách quan và công bằng kết quả thực hiện chuyển đổi số hằng năm của các bộ, tỉnh, thành phố để có giải pháp thúc đẩy trong thời gian tới.

Theo kết quả đánh giá DTI 2020, các tỉnh, thành phố có chỉ số chuyển số lần lượt là: Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Cần Thơ, Ninh Bình, Kiên Giang, Bắc Giang,... TP Hà Nội. Với DTI là 0,4874 điểm, Đà Nẵng là địa phương dẫn đầu bảng xếp hạng ở cả 3 trụ cột chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Xếp hạng DTI 2020 của các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Bộ Tài chính dẫn đầu, Bộ Lao động, Thương binh và xã hội có DTI thấp nhất

Bộ Tài chính là cơ quan dẫn đầu bảng xếp hạng DTI 2020 ở khối cấp bộ với 0,4944 điểm. Bộ Tài chính đã có nhiều hoạt động chuyển đổi số nổi bật như: tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đạt 50%; 100 ứng dụng của Bộ Tài chính được kết nối, chia sẻ qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp bộ (LGSP). Hiệu quả của các hoạt động này cũng được chứng minh qua việc phục vụ người dân và doanh nghiệp, như 99,89% doanh nghiệp sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử, 99,42% doanh nghiệp tham gia dịch vụ nộp thuế điện tử, 96,28% doanh nghiệp hoàn thuế điện tử; số lượng hồ sơ xử lý trực tuyến là hơn 98 triệu trên tổng số hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý (109,81 triệu hồ sơ) trong năm 2020, đạt 89,3%...

Tiếp theo là các đơn vị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (0,4932 điểm), Bộ Kế hoạch và Đầu tư (0,4701 điểm), Bảo hiểm xã hội Việt Nam (0,4643 điểm) và Bộ Y tế (0,4582 điểm)...

Theo đánh giá của Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông, báo cáo chỉ số đánh giá chuyển đổi số (DTI) cấp tỉnh đánh giá, đo lường mức độ chuyển đổi số của các tỉnh, thành phố theo 3 trụ cột: chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; DTI 2020 cấp tỉnh trung bình là 0,3026 điểm.

DTI 2020 cấp bộ không đánh giá riêng theo các trụ cột như cấp tỉnh mà đánh giá chung, trong đó DTI của các bộ cung cấp dịch vụ công trung bình là 0,3982 điểm. DTI của các bộ không cung cấp dịch vụ công trung bình là 0,2342 điểm.

Xếp hạng DTI 2020 của các bộ, ngành cung cấp dịch vụ công. 

Theo mức điểm đánh giá, kết quả chuyển đổi số của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2020 đang trong giai đoạn bắt đầu. Việc chuyển đổi nhận thức và kiến tạo thể chế được thực hiện khá tốt để tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp tham gia vào quá trình chuyển đổi số ngày càng thuận tiện.

Trao đổi tại hội thảo, Chủ tịch VDCA Nguyễn Minh Hồng cho rằng, đi vào chiều sâu của chuyển đổi số sẽ là trọng tâm của giai đoạn sắp tới, đặc biệt, đối với khu vực công là khai thác giá trị của dữ liệu số để nâng cao hiệu quả quản trị, điều hành quốc gia. "Ở góc độ đó, bộ chỉ số DTI sẽ là chỉ dấu quan trọng để biết tính hiệu quả của chuyển đổi số đạt được ở mức nào; đâu là những hạn chế cần cải thiện. Điều này cũng đặt ra yêu cầu bộ chỉ số DTI cần trọng tâm hơn nữa; chú trọng vào các nhóm chỉ số thể hiện "kết quả đầu ra", phản ánh được hiệu quả thực chất của chuyển đổi số”, ông Nguyễn Minh Hồng nói.

Tính đến nay, 12/63 tỉnh, thành phố đã ban hành Nghị quyết Chuyển đổi số; 50/92 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ và tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành chương trình (hoặc kế hoạch) chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025.

 Phương Mai (T/h)