AI và báo chí hiện đại
Trí tuệ nhân tạo (AI - Artificial Intelligence) là trí tuệ do con người lập trình tạo nên với mục đích thực hiện các hành vi tự động hóa bắt chước trí thông minh của con người.
Xuất hiện lần đầu tiên vào mùa hè năm 1956 tại Hội nghị Dartmouth diễn ra ở Mỹ, khái niệm “trí tuệ nhân tạo” đã được John McCarthy, một nhà khoa học máy tính người Mỹ, sử dụng để mô tả ngành khoa học kỹ thuật tạo ra máy móc thông minh có thể bắt chước hành vi của con người.
Kể từ thời điểm đó, trí tuệ nhân tạo không ngừng phát triển và hiện diện rộng khắp trong cuộc sống hiện đại. Tuy nhiên, trí tuệ nhân tạo có lẽ chỉ thực sự bùng nổ vào cuối năm 2022 khi OpenAI giới thiệu ChatGPT, một chatbot AI có khả năng tương tác ở dạng đàm thoại và đưa ra những phản hồi bằng ngôn ngữ tự nhiên. Cán mốc 100 triệu người dùng chỉ sau 2 tháng ra mắt, ChatGPT đã trở thành ứng dụng tiêu dùng phát triển nhanh nhất trong lịch sử nhân loại. Chính sự xuất hiện bùng nổ của ChatGPT đã “châm ngòi” cho cuộc đua nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI trên phạm vi toàn cầu, với sự tham gia của rất nhiều gã khổng lồ công nghệ như Google, Microsoft, Alibaba, Baidu… “Cơn sốt” AI đã len lỏi vào từng ngóc ngách của đời sống, kinh tế, xã hội. Giờ thì đi đâu người ta cũng nhắc tới cụm từ “trí tuệ nhân tạo”. Lĩnh vực báo chí hiển nhiên cũng không thể đứng ngoài xu thế phát triển này.
Trợ thủ đắc lực AI
AI đang trở thành một công cụ thiết yếu cho các tờ báo trên thế giới, giúp các tờ báo này cải thiện hoạt động và cung cấp những tin tức phù hợp, chính xác hơn. Cụ thể, một số tờ báo tại Mỹ đã sử dụng các công cụ do AI cung cấp để thu thập thông tin tự động nhằm xác định các câu chuyện và xu hướng tin tức nóng hổi.
Điển hình là tờ The Washington Post đã sử dụng công cụ Heliograf để quét phương tiện truyền thông xã hội, tin tức và các nguồn khác nhằm tìm tin nóng, rồi sử dụng thuật toán machine learning (máy học) để viết bài trong thời gian thực. Hay tờ The New York Times lại sử dụng Samara, một hệ thống AI có thể quét Twitter và các nền tảng truyền thông xã hội khác để xác định các câu chuyện và xu hướng (trend) mới xuất hiện.
Nhờ AI, các tờ báo Mỹ còn sản xuất tin tức cho độc giả dựa trên sở thích và lịch sử đọc của họ. Hay nói cách khác, báo Mỹ dùng AI để sản xuất tin tức được cá nhân hóa cho độc giả. Tờ The Washington Post có một nguồn cấp tin tức cá nhân hóa có tên là MyPost, cho phép người dùng tùy chỉnh nguồn cấp tin tức của họ bằng cách chọn các chủ đề và danh mục họ muốn theo dõi. Tương tự, tờ The Wall Street Journal có nguồn cấp tin tức được cá nhân hóa đề xuất các bài báo dựa trên những gì người dùng đã đọc và thích trước đây. Hệ thống sử dụng các thuật toán học máy để phân tích hành vi của người dùng và đề xuất các bài viết mà họ có thể quan tâm.
Hãng tin Associated Press (AP) nổi tiếng của Mỹ cũng cho hay, hãng tin này đã sử dụng AI ở nhiều mức độ khác nhau trong gần một thập kỷ, giúp các nhà báo của mình làm việc hiệu quả hơn. AP đã sử dụng AI trong lĩnh vực tìm kiếm, đồng thời để sao chép giọng nói và video.
Tại Anh, hãng thông tấn BBC cũng sử dụng Juicer, một công cụ trí tuệ nhân tạo, để tổng hợp và trích xuất thông tin từ hơn 850 nguồn tin tức trên toàn cầu. Trong khi đó, hãng thông tấn Reuters lại ứng dụng News Tracer, phần mềm có khả năng xử lý 700 ký hiệu, để theo dõi các thông tin nóng trên truyền thông xã hội. Hay Reach, công ty mẹ của các nhật báo Daily Mirror và Daily Express, sử dụng hệ thống AI có tên gọi là Scribe để sản xuất các bài báo và đăng tải trên các trang tin địa phương.
Tập đoàn truyền thông khổng lồ của Đức, Axel Springer, cũng có kế hoạch sử dụng AI trong sản xuất tin tức. Công ty dự kiến thay thế một loạt vị trí biên tập bằng công nghệ AI để cắt giảm chi phí. Thậm chí, năm 2023, Axel Springer còn đạt thỏa thuận cho phép OpenAI đào tạo các mô hình trí tuệ nhân tạo bằng việc sử dụng nội dung lấy từ các ấn phẩm của mình như: Bild, Politico và Business Insider.
Còn với MittMedia, một trong những tập đoàn truyền thông lớn nhất của Thụy Điển, lại ứng dụng công nghệ AI có tên Sports Bot để viết bài thể thao. Theo ông Henning Johannesson, Giám đốc thể thao của MittMedia, một năm sau khi giới thiệu Sports Bot, mục thể thao của MittMedia đã tăng đáng kể số lượng tin bài và đặc biệt là có được tỷ lệ đăng ký trả phí tăng 40% từ khi sử dụng “phóng viên robot”.
Hòa cùng dòng chảy AI
Ít ai biết rằng, trí tuệ nhân tạo cũng đã được một số tòa soạn báo tại Việt Nam sử dụng từ khá sớm. Một trong số đó là báo điện tử VietnamPlus của Thông tấn xã Việt Nam. Tòa soạn này đã ứng dụng công cụ Wochit để sản xuất các video ngắn vào năm 2016. Đến năm 2021, VietnamPlus tiếp tục ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược với Công ty Giải pháp công nghệ Insider với mục tiêu sử dụng AI để tăng lưu lượng người dùng, truyền tải thông điệp được cá nhân hóa đến từng bạn đọc với nhu cầu khác nhau, gợi ý các nội dung yêu thích của người đọc theo dạng Thư tòa soạn (Newsletter)…
Năm 2019, báo điện tử Dân trí tiên phong cho ra mắt công nghệ giọng đọc AI vào tất cả các bài báo. Thay vì phải đọc toàn bộ phần văn bản như trước đây, AI giúp độc giả có thể nghe tất cả các bài viết xuất bản trên tờ báo điện tử này. Cũng trong năm 2019, Trung tâm Không gian Mạng Viettel (VTCC) đã hợp tác cùng một loạt các đối tác của mình để đưa công nghệ Voice AI Text To Speech (Báo nói) tích hợp với hệ thống báo điện tử, mở rộng thêm mảng báo nói trên nền tảng digital.
Tháng 7/2021, báo Lao động ra mắt một bản tin truyền hình sử dụng biên tập viên ảo, mô phỏng 100% khẩu hình, biểu cảm khuôn mặt, ngôn ngữ hình thể và phong cách dẫn chương trình của người thật dựa trên các thuật toán học máy (Machine Learning) và học sâu (Deep Learning). Năm 2023, Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh đã thử nghiệm sử dụng ChatGPT để xây dựng kịch bản chương trình phóng sự.
Một loạt các tờ báo lớn khác của Việt Nam cũng hòa mình vào “dòng chảy AI” như: Báo VnExpress sản xuất podcast, tin tổng hợp, lọc bình luận của độc giả, kiểm tra từ khóa trong bài viết; báo Thanh niên sử dụng AI hỗ trợ sắp bài tự động trên trang chủ, gợi ý tin liên quan dựa theo hành vi của độc giả; báo Nhân dân sử dụng Chartbeat để đo lường độc giả theo thời gian thực và tự động đề xuất nội dung tương thích cho độc giả mang tính cá nhân hóa…
AI giải phóng sức lao động
Theo Báo cáo “Tạo ra sự thay đổi: Khảo sát toàn cầu về cách các cơ quan báo chí ứng dụng trí tuệ nhân tạo” được công bố cuối tháng 8/2023 trên JournalismAI, hơn 50% người được khảo sát cho rằng ứng dụng AI giúp tăng hiệu quả và hiệu suất công việc, đặc biệt là khi xử lý tự động các công việc nhàm chán và lặp đi lặp lại. 75% người tham gia khảo sát cho biết đã sử dụng AI trong quá trình thu thập, sản xuất và phân phối tin tức. Báo cáo trên cũng cho thấy có 75% các tòa soạn sử dụng AI trong quá trình thu thập tin tức, 80% trong quá trình phát hành tin tức và 90% trong quá trình sản xuất tin tức.
Rõ ràng AI đang xâm nhập mạnh mẽ vào hoạt động báo chí thế giới nói chung và báo chí Việt Nam nói riêng. Việc ứng dụng AI vào báo chí đã đem lại nhiều cải tiến, nâng cao chất lượng, nội dung và phục vụ tốt hơn nhu cầu của công chúng.
Nhiều công đoạn như: dịch văn bản, biên tập lỗi chính tả, ngữ pháp, định dạng văn bản, tóm tắt nội dung,… có thể dễ dàng được thực hiện bởi AI. Với AI, các nhà báo cũng sẽ không còn phải mất nhiều thời gian khi thực hiện công việc thống kê, dàn dựng mà vốn dĩ mất nhiều thời gian và công sức.
Đặc biệt, trong công việc sáng tạo nội dung, AI có thể hỗ trợ nhà báo trong một số công việc có tính chuyên môn như: làm video, đồ họa, thu thập, phân tích dữ liệu,… AI có thể tập hợp dữ liệu lớn từ rất nhiều nguồn khác nhau, mang đến cách tiếp cận rộng, đa chiều. Việc triển khai thành công AI trong tòa soạn sẽ giải phóng các phóng viên khỏi những công việc lặp đi lặp lại và đòi hỏi nhiều công sức.
Khi AI là “con dao hai lưỡi”
Cùng với những lợi ích mang lại, việc sử dụng trí tuệ nhân tạo trong báo chí cũng gây ra nhiều tranh cãi. Không ít người thừa nhận, AI là con dao hai lưỡi mà chúng ta phải hết sức cẩn trọng khi sử dụng trong hoạt động báo chí.
Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Nhân dân Lê Quốc Minh, khẳng định: “Chúng ta không thể phủ nhận vai trò quan trọng của công nghệ nói chung và trí tuệ nhân tạo (AI) nói riêng trong thế giới thông tin hiện đại. Tuy nhiên, việc sử dụng chúng đòi hỏi sự cẩn trọng và hiểu biết sâu sắc về các vấn đề nhân văn và đạo đức”.
Thậm chí, nhiều người còn cho rằng ứng dụng AI trong báo chí có thể mang đến những nguy cơ rõ ràng. Đó chính là mối lo về việc máy móc thay thế con người trong các tòa soạn khi AI được áp dụng rộng rãi.
Axel Springer - chủ sở hữu tờ Bild, tờ báo bán chạy nhất ở châu Âu - cho biết tập đoàn này có kế hoạch thay thế những nhân sự trong mảng kỹ thuật số bằng AI hoặc các quy trình tự động hóa. Theo đó, các vị trí biên tập viên, nhân viên chỉnh sửa xuất bản trong ấn phẩm, biên tập viên phụ, người đọc dò và chỉnh sửa ảnh tại Bild sẽ không còn tồn tại. Tương tự, Microsoft cũng sa thải lực lượng phóng viên làm việc cho trang tin MSN.com của tập đoàn này và thay bằng trí tuệ nhân tạo AI.
Từ góc nhìn an ninh truyền thông, một mối nguy khác mà AI mang lại đó là việc AI có thể tạo ra những thông tin sai lệch, tin giả, xuyên tạc chỉ bằng vài câu lệnh đơn giản. Những đối tượng có mục đích xấu, với sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo, có thể tạo dựng những câu chuyện, phát ngôn giả mà như thật để đánh lừa công chúng.
Tổng Biên tập Báo Nhân dân Lê Quốc Minh cho hay, chính ChatGPT đã thừa nhận điểm yếu của mình với hãng kiểm chứng thông tin Newsguard: “Kẻ xấu có thể biến tôi thành vũ khí bằng cách tinh chỉnh mô hình của tôi với dữ liệu của họ, có thể bao gồm những thông tin sai sai lệch hoặc giả mạo.” Các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm và thấy rằng thừa nhận trên hoàn toàn đúng, vì nếu đưa ra 100 lệnh cho ChatGPT mà có thông tin sai lệch thì nó sẽ trả lại những câu trả lời sai lệch với tỷ lệ lên tới 80%.
Tuy nhiên, việc AI có thể “cướp” đi việc làm hay tạo ra thông tin sai lệch không phải là những mối lo ngại duy nhất. Theo ông Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, nguy cơ lớn nhất đối với các tòa soạn xuất bản các tác phẩm do AI khởi tạo là việc tình cờ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của bên thứ ba. Các nhà báo không thể biết hình ảnh hay đoạn văn bản nào được sử dụng để huấn luyện AI, hoặc được lôi về để tạo ra nội dung theo yêu cầu.
Cũng theo ông Minh, các tòa soạn phải chấp nhận một thực tế rằng những nội dung “có vẻ gốc” do AI tạo ra có thể chịu ảnh hưởng rất nhiều - hoặc bị sao chép trực tiếp - từ các nguồn của bên thứ ba mà không được phép. Lưu ý rằng điều khoản dịch vụ của các nền tảng AI không hề đưa ra bảo đảm rằng kết quả sẽ không vi phạm bản quyền, và như vậy thì các tòa soạn sẽ chẳng có cơ sở pháp lý nào nếu bị tác giả kiện.
Theo Tạp chí Doanh nghiệp và Thương hiệu nông thôn
(https://doanhnghiepthuonghieu.vn/ai-va-bao-chi-hien-dai-p55195.html)