Ấn Độ muốn truyền thông xã hội gỡ nội dung “biến thể Ấn Độ” của Covid-19

16:21, 25/05/2021

Bộ Điện tử và Công nghệ thông tin Ấn Độ đã gửi thông báo đến các nền tảng truyền thông xã hội yêu cầu họ gỡ nội dung đề cập đến một “biến thể Ấn Độ” của virus SARS-CoV-2.

Theo thông tin từ Reuters, bức thư của Bộ Điện tử và CNTT Ấn Độ gửi vào cuối tuần vừa qua đã không được công bố rộng rãi nhưng đến tay một số hãng truyền thông. Không rõ phương tiện truyền thông xã hội nào đã nhận được bức thư nhưng chính phủ Ấn Độ gần đây đã yêu cầu Twitter xóa các tweet và Facebook và Instagram gỡ bỏ các bài đăng chỉ trích việc xử lý đại dịch Covid-19 của quốc gia này.

Bức thư của của Chính phủ Ấn Độ nêu rõ: “Không có biến thể nào của Covid-19 được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trích dẫn một cách khoa học như vậy. WHO đã không liên kết thuật ngữ ‘biến thể Ấn Độ’ với biến thể B.1.617 của virus SARS-CoV-2 trong bất kỳ báo cáo nào của mình”.

Chính phủ Ấn Độ cho rằng cụm từ “biến thể Ấn Độ” là hoàn toàn sai.

Được biết, một biến thể của virus SARS-CoV-2 đã lần đầu tiên được phát hiện ở Ấn Độ vào năm ngoái có tên B.1.617 được cho là nguyên nhân gây ra đợt nhiễm Covid-19 mới nhất ở các quốc gia khu vực Nam Á. Tại Việt Nam, nhiều bệnh nhân cũng được xác nhận nhiễm biến thể này. WHO đã xếp nó vào loại biến thể được toàn cầu quan tâm với một số bằng chứng cho thấy nó dễ lây lan hơn các chủng virus SARS-CoV-2 khác.

Mặc dù nhiều người cho rằng cách tiếp cận của Ấn Độ để kiểm duyệt thông tin về Covid-19 và các biến thể của virus SARS-CoV-2 là cực đoan thì trong thực tế, WHO và các tổ chức y tế cùng nhà khoa học khác lại cho rằng việc đề cập đến biệt danh virus và các biến thể của nó dựa trên khu vực địa lý có thể gây kỳ thị và không chính xác. Vào năm 2015, WHO cho biết việc đặt tên các bệnh truyền nhiễm không được khuyến khích sử dụng tên địa lý, tên người hoặc tên loài động vật.

Tuy nhiên, National Geographic đã lưu ý rằng việc sử dụng cách đặt tên biến thể virus dựa trên tên của nó (trong trường hợp B.1.617) là rất rườm rà và khó hiểu, khiến những người không phải là nhà khoa học khó nắm bắt hoặc khó nhớ. National Geographic báo cáo rằng WHO đang làm việc với các nhà virus học để tạo ra một cách đặt tên virus mới.

Minh Phương (t/h)