Anh sử dụng công nghệ laser phân loại bơ chín

Thùy Chi 15:46, 07/05/2020

Việc phân loại bơ chín không phải là một công việc dễ dàng. Tuy nhiên, mới đây, ở nước Anh một kỹ thuật kiểm định mới hứa hẹn sẽ giúp khắc phục tình trạng này.

Theo ĐH Cranfield, đó là giải pháp do các nghiên cứu tại Đại học Cranfield (Vương Quốc Anh) phát triển, được công bố trên tạp chí Biosystems Engineering.

Theo thống kê, hàng năm có đến 30% số trái bơ ở Anh bị bỏ phí do hư hỏng trong quá trình phân loại, cộng thêm 5% nữa khi lên kệ ở những chuỗi bán lẻ. Và nếu biết rằng Anh Quốc đang phải nhập khẩu gần 10.000 tấn trái cây mỗi năm, thì chắc chắn việc cải thiện hiệu quả phân loại sẽ đem lại rất nhiều lợi ích.

 

Vì thế, các nhà khoa học đã theo đuổi công nghệ laser Doppler vibrometry (LDV) tức rung chấn laser theo hiệu ứng Doppler. Bằng cách sử dụng một thiết bị tự động vỗ nhẹ lên trái bơ và ánh xạ rung động nhờ laser, phương pháp test LDV có thể tiết lộ chính xác cả tần số rung động lẫn thuộc tính [vật lý] bên trong từng trái. Và điều tuyệt vời nhất là không cần phải đâm, chọc, hay tác động quá nhiều lực khiến trái bị hỏng và phải bỏ đi.

Những trái còn xanh thường sẽ có phần thịt rắn và tạo ra tần số cao hơn trái chín (thịt mềm). Do đó, chúng tôi đã tính toán để biết tần số cho thấy bơ đang ở trạng thái chín hoàn hảo, rồi đo và kiểm chứng bằng LDV,” GS. Leon Terry – giám đốc chương trình Môi trường và Nông sản tại ĐH Cranfield – cho biết. “Việc giữ cho trái còn nguyên vẹn sẽ rất có lợi về mặt kinh tế, đồng thời giảm thiểu tối đa lượng rác thải. Ngoài ra, phương pháp này cũng có thể dễ dàng được áp dụng cho nhiều loại quả khác,” ông nhấn mạnh.

Các tác giả kỳ vọng kỹ thuật của họ sẽ được sử dụng thay thế cho nhiều thiết bị nén khí, hoặc phương pháp kiểm tra thủ công thông thường. Nhóm cũng dự kiến đưa LDV vào quy trình đóng gói – nơi những trái bơ sẽ di chuyển dọc theo một băng chuyền duy nhất – để kiểm tra từng trái, tiếp đó là phân loại tùy vào mức độ chín bằng bằng thiết bị tự động.

Kết quả đánh giá, cả trong điều kiện thí nghiệm lẫn dây chuyền thực tế đều rất khả quan, cho thấy tiềm năng của phương pháp này trong việc hỗ trợ xác định và phân loại trái cây chín mà không làm hỏng chúng. Chúng ta có thể phát triển một hệ thống đơn giản, hoạt động giống như đèn giao thông để chia thành: trái chín, phải bỏ đi hoặc cần giữ lại, nhằm đối phó với vấn nạn rác thải tràn lan và cải thiện hiệu suất cung ứng”, TS. Sandra Landahl, thành viên nhóm nghiên cứu cho biết.

Thùy Chi (T/h)