Áp lực "chết người" từ sự bùng nổ thương mại điện tử tại Hàn Quốc

07:20, 25/11/2020

Tại Hàn Quốc, sức ép và khối lượng công việc gia tăng thậm chí đã dẫn đến cái chết của 15 người giao hàng.

Nhu cầu giao hàng hóa tăng vọt trong thời kỳ dịch COVID-19 giúp các công ty vận chuyển ăn nên làm ra. Tuy nhiên, cuộc chơi đã trở nên khốc liệt hơn khi ngày càng nhiều doanh nghiệp tham gia vào thị trường thương mại điện tử. Để cạnh tranh, họ giảm phí giao hàng và tăng thời gian làm việc của nhân viên giao hàng.

Một ngày làm việc bình thường của ông Jeong, một người giao hàng tại thành phố Gwangju, tỉnh Gyeonggi, Hàn Quốc bắt đầu từ sáng sớm. Ông lúc nào cũng trong tư thế vội vã, tất bật và không nghỉ trưa. Ông làm việc 14 tiếng liên tục như thế để hoàn thành hơn 250 đơn hàng mỗi ngày.

Theo ông, sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống như là điều chỉ xảy ra ở thế giới khác. Ông cảm thấy mình rất tệ vì không thể quan tâm nhiều đến gia đình, hầu như không chăm sóc các con như một người cha và không được nhìn thấy chúng lớn lên từng ngày.

Áp lực

Nhưng cái giá phải trả của việc kiếm tiền không chỉ có vậy. 15 đồng nghiệp của ông Jeong đã phải đánh đổi bằng cả tính mạng.

Vẫn biết là thế, nhưng không dễ gì mà từ bỏ công việc hay xin được giảm tải giữa bối cảnh dịch bệnh và xu hướng mua hàng từ xa tăng cao. Ông Kim Sang-yong, nhân viên giao hàng ở Hàn Quốc, cho biết, không ai có thể bỏ việc dễ dàng giữa cuộc khủng hoảng việc làm.

Nhu cầu việc làm cao tạo điều kiện cho nhiều công ty vận tải lạm dụng sức lao động của nhân viên. Theo các chuyên gia, cạnh tranh gia tăng, phí giao hàng rẻ hơn khiến khoảng 52.500 người giao hàng tại Hàn Quốc phải làm nhiều giờ hơn mỗi ngày.

Khảo sát vào tháng 9 cho thấy, thời gian làm việc trung bình mỗi tuần của nhân viên giao hàng tại Hàn Quốc là hơn 71 tiếng, trong khi 60 tiếng là đã được coi là làm việc quá sức ở nước này. Điều đó gây ra sự phẫn nộ đối trong những người giao hàng.

Ông Kim Tae-wan đến từ Liên minh 5.000 người giao hàng tại Hàn Quốc cho rằng, có rất nhiều lỗ hổng cho phép người sử dụng lao động lạm dụng quyền lực. Trong khi lao động phổ thông được đảm bảo bằng hợp đồng lao động thì nhân viên giao hàng không thể được bảo vệ vì họ được phân loại là lao động tự do. Lao động tự do cũng không nhận được mức lương tối thiểu theo giờ hợp pháp, không có tiền làm thêm giờ và hầu hết không có bảo hiểm cho thương tật tại chỗ.

Nhiều công ty vận chuyển thu được lợi nhuận kỷ lục, tăng từ hơn 20% đến 35% trong thời kỳ đại dịch khi họ thuê nhân công tự do. Sau nhiều phẫn nộ, đỉnh điểm là vụ việc 15 nhân viên giao hàng tử vong. Các công ty vận tải lớn tại Hàn Quốc như CJ đã phải xin lỗi và công bố kế hoạch giảm bớt khối lượng công việc.

Tuy nhiên, những người lao động dự đoán sẽ có rất ít thay đổi thực sự trong một thị trường việc làm hiện đã chứng kiến tỷ lệ thất nghiệp kỷ lục trong năm nay.

Châu Anh (T/h)