ASEAN, Nhật Bản, Mỹ và châu Âu diễn tập chống tấn công mạng
Cuộc diễn tập sẽ diễn ra vào mùa thu năm nay, nhằm tăng cường bảo mật cơ sở hạ tầng chống lại tấn công của tin tặc. Nhật Bản, Mỹ, các nước châu Âu và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sẽ tham gia cuộc diễn tập phòng thủ chống tấn công mạng vào cơ sở hạ tầng trọng yếu, dự kiến diễn ra sớm nhất vào đầu mùa thu năm nay.
Hãng tin Nikkei (Nhật Bản) cho biết, cuộc diễn tập quốc tế chung này sẽ có sự tham gia của hơn 20 quốc gia, bao gồm Mỹ, Anh, Pháp và 10 thành viên ASEAN. Đây là cuộc diễn tập phòng chống tấn công mạng đầu tiên có quy mô lớn do chính phủ Nhật Bản tổ chức.
Các nhân viên an ninh mạng từ các bộ và cơ quan của chính phủ Nhật Bản tham gia một cuộc diễn tập ở Tokyo.
Cuộc diễn tập sẽ được tổ chức trực tuyến do những hạn chế đi lại bởi dịch Covid-19. Những thành viên tham gia diễn tập sẽ thực hiện theo một kịch bản giả định một cuộc tấn công mạng vào các hệ thống như mạng lưới điện hoặc hệ thống cấp nước yêu cầu chia sẻ thông tin cả trong chính phủ Nhật Bản và với các đối tác quốc tế.
Nhật Bản đã hợp tác trong lĩnh vực an ninh mạng với nhiều quốc gia. Tokyo đã tham gia cuộc diễn tập quốc tế Cyber Storm do Mỹ dẫn đầu và đã tổ chức các cuộc diễn tập với ASEAN. Vào tháng 12/2019, Bộ Quốc phòng và Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản lần đầu tiên chính thức diễn tập trong cuộc diễn tập quy mô lớn do NATO chủ trì, tham gia ra quyết định và chia sẻ thông tin.
Nhật Bản đặt mục tiêu bảo vệ cơ sở hạ tầng như nhà máy điện hạt nhân Takahama ở Nhật Bản khỏi các cuộc tấn công mạng
Chánh văn phòng Nội các Yoshihide Suga cho biết: "Điều quan trọng là các cuộc tấn công mạng nguy hiểm phải được phát hiện và xử lý kịp thời, giảm thiểu thiệt hại lây lan. Chúng ta không thể hành động nhanh chóng và phù hợp nếu không có sự hợp tác chặt chẽ với các nước khác".
Hợp tác quốc tế về chống tấn công mạng được được tăng cường khi mức độ thiệt hại từ các cuộc tấn công mạng đa quốc gia ngày càng tăng. Mùa thu năm ngoái, phần mềm độc hại Emotet đã xâm nhập vào các hệ thống mạng Nhật Bản, lây nhiễm vào máy tính và đánh cắp thông tin cá nhân khiến tội phạm mạng có thể gửi email giả mạo. Các bệnh viện và trường đại học là những nạn nhân chính.
Theo một quan chức tại Cơ quan chiến lược và sẵn sàng ứng phó sự cố an toàn thông tin quốc gia Nhật Bản (NISC): "Có những thiệt hại kéo dài từ Emotet".
Trong số các mối đe dọa an ninh mạng ở châu Á có tin tặc với mục tiêu nhắm vào các tổ chức tài chính để kiếm tiền. Vào tháng 9/2019, một ban chuyên gia của Ủy ban trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã báo cáo rằng 17 quốc gia bao gồm cả Hàn Quốc là nạn nhân của các cuộc tấn công như vậy, với thiệt hại lên đến 2 tỷ USD.
Để tăng cường sự sẵn sàng của nội bộ Nhật Bản, kể từ năm 2006, NISC đã tổ chức các cuộc diễn tập an ninh mạng định kỳ với các nhiều đơn vị vận hành cơ sở hạ tầng lớn và các cơ quan chính phủ.
Nhật Bản đã xác định 14 lĩnh vực là cơ sở hạ tầng quan trọng, bao gồm thông tin và truyền thông, hàng không, cảng, đường sắt, năng lượng điện và tài chính.
Thiên Thanh (T/h)