Australia buộc Google, Facebook phải trả tiền tin tức

Phương Anh 09:31, 06/06/2020

Từ tháng 4, chính phủ Australia đã đề xuất buộc các mạng xã hội trả tiền khi hiển thị nội dung tin tức. Đồng thời, các quan chức truyền thông muốn các nền tảng điện tử trả khoảng 10% doanh thu khi dùng nội dung tin tức của họ.

Ủy ban Tiêu dùng và Cạnh tranh Australia bắt đầu xin ý kiến của công chúng liên quan tới quan hệ của Google và Facebook với các hãng tin tức từ tháng 5/2020. 60 câu hỏi bao trùm các chủ đề như hạn chế hiển thị nội dung tin tức. Phản hồi sẽ được sử dụng để phác thảo bộ quy tắc cho các nền tảng công nghệ đến cuối tháng 7.

Trước đó, khoảng tháng 4, chính phủ Australia đã đề xuất buộc các mạng xã hội trả tiền khi hiển thị nội dung tin tức. Giám đốc ngân khố Josh Frydenberg phát biểu cho rằng: Australia đang đối phó với những công ty hùng mạnh và giá trị nhất thế giới. Pháp, Tây Ban Nha và các nước khác đã không thành công trong việc này nhưng Australia tin rằng “đây là trận chiến đáng để đấu tranh”.

Buộc Google và Facebook chia sẻ doanh thu liệu Australia có cứu được báo chí?

Cũng theo ông Frydenberg, 47% doanh thu quảng cáo Australia rơi vào túi Google, 24% vào tay Facebook. Cục Quảng cáo tương tác ước tính thị trường quảng cáo Australia trị giá 7,4 tỷ AUD (5,14 tỷ USD) trong thời gian từ tháng 6/2018 tới tháng 6/2019. Như vậy, trừ đi quảng cáo bất động sản và rao vặt, Google và Facebook có thể kiếm được 3,5 tỷ AUD và 1,8 tỷ AUD từ riêng quảng cáo tại Australia.

Các quan chức truyền thông muốn các nền tảng điện tử trả khoảng 10% doanh thu này khi dùng nội dung tin tức của họ. Số liệu dựa trên báo cáo trước đây của Ủy ban cạnh tranh, viết rằng 8% đến 14% kết quả tìm kiếm Google là tin tức.

Theo Giáo sư Naoto Ikeagai, chuyên gia về luật công nghệ, nếu Australia và EU hợp tác, có cơ hội các hãng công nghệ sẽ cân nhắc thanh toán. Song, nó cũng có thể dẫn tới cuộc chiến ngoại giao giữa Mỹ và các quốc gia khác. Washington đang cân nhắc các biện pháp trả đũa nếu Google bị đánh thuế điện tử.

Doanh thu báo chí Australia giảm một nửa từ năm 2009 tới năm 2019.

Trong khi đó, các nước khác từng nỗ lực buộc Google trả tiền tin tức nhưng không thành công. Năm 2013, Đức thông qua luật yêu cầu các nền tảng trả một khoản phí khi hiển thị nội dung tin tức. Tuy nhiên, Google từ chối và dẫn tới lượng truy cập vào các website tin tức giảm, cuối cùng họ phải cho phép Google hiển thị tin tức miễn phí trở lại.

Liên minh Châu Âu cũng thông qua bản sửa đổi luật bản quyền vào tháng 4/2019, yêu cầu Google và các hãng công nghệ khác trả phí sử dụng tin tức. Pháp hồi tháng 10 thi hành luật riêng nhưng đến nay Google vẫn chưa hợp tác. Nhà chức trách Pháp đang hối thúc hai bên đàm phán tìm ra giải pháp.

Phương Anh