Australia sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong chuyển đổi số giao thông
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng vừa có buổi làm việc với Đại sứ Australia tại Việt Nam Andrew Goledzinowski.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng và Đại sứ Australia tại Việt Nam Andrew Goledzinowski thống nhất tăng cường hợp tác toàn diện lĩnh vực GTVT thời gian tới - Ảnh: mt.gov.vn.
Tại cuộc gặp, Đại sứ Andrew Goledzinowski cho biết, hiện hai nước đang hợp tác chặt chẽ trong các lĩnh vực hàng không, đường sắt, đường thủy nội địa.
Trong đó, chương trình Hỗ trợ kĩ thuật ngành GTVT (Aus4Transport) của Chính phủ Australia dành cho Việt Nam đang triển khai đúng tiến độ, chất lượng và hiệu quả, dự kiến năm 2024 sẽ kết thúc. Sau chương trình này, Chính phủ Australia đang thiết kế Chương trình đối tác Việt Nam - Australia về tăng trưởng kinh tế (Aus4Growth), trong đó hỗ trợ Việt Nam về GTVT, logistics và hạ tầng.
Sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong số hóa dịch vụ cảng biển
"Australia có thể hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực chuyển đổi số, trong đó có số hóa các dịch vụ cảng biển. Cùng đó, nhu cầu đầu tư các dự án hạ tầng giao thông tại Việt Nam rất lớn, cần huy động vốn từ nhiều nguồn, ngoài vốn từ Chính phủ Australia, còn nguồn vốn tư nhân. Chúng tôi rất sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam tiếp cận các nguồn vốn này", Đại sứ Andrew Goledzinowski cho hay.
Công trình cầu Mỹ Thuận, cầu Cao Lãnh do Australia viện trợ không hoàn lại đã góp phần nâng cao kết nối, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. |
Cảm ơn Đại sứ Andrew Goledzinowski, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh các hỗ trợ, giúp đỡ của Chính phủ Australia dành cho phát triển GTVT Việt Nam. Chương trình Aus4Transport với kinh phí 30 triệu AUD đã hỗ trợ cho việc phát triển dự án, hỗ trợ cải thiện các nghiên cứu tiền khả thi, khả thi, thiết kế kĩ thuật, hồ sơ mời thầu do Bộ GTVT thực hiện, đồng thời tăng cường năng lực quản lý của ngành GTVT.
Về tiềm năng hợp tác thời gian tới, Bộ trưởng cho biết, hiện Việt Nam đang tập trung ngân sách cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Lĩnh vực đường bộ đặt mục tiêu đến 2025 hoàn thành 3.000km đường cao tốc, đến 2030 hoàn thành 5.000km.
Lĩnh vực đường sắt, tập trung đầu tư từ nay đến 2030, cùng dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam dài hơn 1.500km, đầu tư các tuyến đường sắt kết nối cảng biển, sân bay, cửa khẩu, trung tâm kinh tế... như Hải Phòng - Hà Nội - Lào Cai, TP.HCM - Cần Thơ, TP.HCM - Phnompenh (Campuchia)...
Về hàng hải, ưu tiên đầu tư đồng bộ, hiện đại các cảng biển cửa ngõ quốc tế, chú trọng đầu tư đảm bảo sự kết nối liên hoàn giữa cảng biển với mạng giao thông quốc gia và đầu mối logistics khu vực. Lĩnh vực đường thủy nội địa, tập trung đầu tư nạo vét luồng, nâng tĩnh không cầu; mục tiêu tận dụng lợi thế về địa hình, cảng biển và đường sông để thúc đẩy vận tải hàng hóa đường thủy, giảm phát thải.
Cầu Cao Lãnh do Australia viện trợ không hoàn lại đi vào khai thác đã tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế vùng - Ảnh: Vnexpress.net.
Tăng tần suất chuyến bay giữa Việt Nam-Australia
Với hàng không, Bộ trưởng cho biết Việt Nam hiện có 22 cảng hàng không đang được khai thác, trong đó 9 cảng hàng không quốc tế. Thời gian tới sẽ ưu tiên nâng cấp đồng bộ, hiện đại các sân bay quốc tế hiện có; đầu tư các sân bay có quy mô vừa và nhỏ ở các tỉnh, cần kêu gọi đầu tư tư nhân.
Nhằm thúc đẩy hợp tác GTVT hai nước, Bộ trưởng đề xuất phía Australia tiếp tục hỗ trợ, hợp tác trong các lĩnh vực: Phát triển hạ tầng GTVT bền vững và thích ứng biến đổi khí hậu; chuyển đổi số; chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí metan...
Riêng hợp tác lĩnh vực hàng không, Bộ trưởng đề nghị phía Australia hoàn tất các thủ tục nội bộ để sớm ký Nghị định thư sửa đổi và bổ sung Hiệp định Hàng không Việt Nam - Australia vào năm 2024. Cùng đó, hai bên tích cực trao đổi, đàm phán về việc tăng tần suất chuyến bay giữa hai nước trong thời gian tới so với tần suất 42 chuyến/tuần như hiện nay.
Theo Báo điện tử Chính phủ