Bắc Giang: Tập trung thực hiện 21 nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp tỉnh
UBND tỉnh Bắc Giang việc phê duyệt danh mục nhiệm vụ khoa học và công nghệ (KHCN) cấp tỉnh thực hiện đợt 2 năm 2025, nâng tổng số nhiệm vụ KHCN cấp tỉnh thực hiện năm 2025 lên 21 nhiệm vụ.
Theo đó, UBND tỉnh phê duyệt 11 nhiệm vụ KHCN thực hiện đợt 2 năm 2025 gồm:
Nghiên cứu, xây dựng dữ liệu về hình thái, mã vạch ADN, thành phần hóa học, tác dụng sinh học của nguồn gen Sâm nam núi dành phục vụ bảo tồn và phát triển trên địa bàn tỉnh Bắc Giang;
Khảo sát, đánh giá nguyên nhân, khoanh vùng dự báo nguy cơ xảy ra và đề xuất giải pháp giảm thiểu thiệt hại do trượt lở đất đá và lũ quét tại các xã miền núi thuộc địa bàn các huyện Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế, tỉnh Bắc Giang;
Ứng dụng KHCN để bảo quản, phục chế và phát huy giá trị mộc bản chùa Bổ Đà, thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang;
Thực trạng và giải pháp hỗ trợ, thu hút lao động ngoại tỉnh đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp trong bối cảnh mới của tỉnh Bắc Giang;
Ứng dụng KHCN xây dựng mô hình chăn nuôi Cầy vòi hương trên địa bàn tỉnh Bắc Giang;
Đăng ký bảo hộ, quản lý và hỗ trợ phát triển nhãn hiệu chứng nhận cho các sản phẩm từ măng lục trúc của huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang;
Nghiên cứu can thiệp và đánh giá hiệu quả của chương trình đào tạo liên tục cho nhân viên y tế thôn, bản trên địa bàn tỉnh Bắc Giang;
Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật sản xuất giống lạc đỏ mới chịu hạn theo chuỗi giá trị trên địa bàn tỉnh Bắc Giang;
Nghiên cứu thực trạng, giá trị nghệ thuật tín ngưỡng thờ Mẫu góp phần nâng cao nhận thức và bảo vệ di sản tại tỉnh Bắc Giang;
Nghiên cứu thực trạng và đề xuất giải pháp chuyển đổi du lịch xanh trên địa bàn tỉnh Bắc Giang;
Hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất và ứng dụng chế phẩm vi sinh vật cải thiện chất lượng nước ao, hồ trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.
Các đề tài, dự án được tuyển chọn, giao trực tiếp đơn vị thực hiện; được phê duyệt cùng với mục tiêu, yêu cầu đối với kết quả, dự kiến kinh phí và thời gian thực hiện. Đây là những nhiệm vụ có tính cấp thiết, giải quyết những vấn đề mới phát sinh từ thực tiễn, được các Hội đồng tư vấn xác định nhiệm vụ đánh giá đạt yêu cầu, có hiệu quả đối với phát triển kinh tế - xã hội.
Trước đó, vào tháng 9/2024, UBND tỉnh đã phê duyệt danh mục 10 nhiệm vụ khoa học và công nghệ thực hiện đợt 1 năm 2025.
Ảnh minh họa
Phấn đấu đến năm 2030, Bắc Giang thuộc nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về CĐS
Liên quan đến khoa học công nghệ, Tỉnh ủy Bắc Giang cũng vừa ban hành Kế hoạch số 166-KH/TU quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số (CĐS) quốc gia.
Mục tiêu tổng quát của Kế hoạch là phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, nguồn lực, KHCN, đổi mới sáng tạo và CĐS, đưa Bắc Giang phát triển nhanh và bền vững, trở thành một trong những trung tâm phát triển công nghiệp của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ; dịch vụ phát triển đa dạng, có bước đột phá; nông nghiệp phát triển ổn định theo hướng an toàn, chất lượng và hiệu quả. KHCN, kinh tế tri thức được phát huy, trở thành nhân tố chủ yếu đóng góp cho nâng cao chất lượng tăng trưởng; phát triển mạnh nguồn nhân lực chất lượng cao. Phấn đấu đến năm 2030, Bắc Giang thuộc nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về CĐS và duy trì thuộc nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương.
Theo đó, tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2030 là tiềm lực, trình độ KHCN và đổi mới sáng tạo đạt mức tiên tiến ở nhiều lĩnh vực quan trọng, thuộc nhóm các tỉnh có thu nhập trung bình cao; trình độ, năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp đạt mức trên trung bình của cả nước. Đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế ở mức từ 55% trở lên. Quy mô kinh tế số đạt tối thiểu 30% GRDP của tỉnh. Tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến của người dân và doanh nghiệp đạt 80% trở lên; giao dịch không dùng tiền mặt đạt tối thiểu 80%. Tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động đối mới sáng tạo đạt trên 40% trong tổng số doanh nghiệp.
KHCN và đổi mới sáng tạo góp phần quan trọng xây dựng, phát triển giá trị văn hóa, xã hội, con người Việt Nam, đóng góp vào chỉ số phát triển con người (HDI) của tỉnh duy trì ở mức trên 0,7. Bố trí ít nhất 3% tổng chi ngân sách hằng năm cho phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và tăng dần theo yêu cầu phát triển của tỉnh. Tổ chức KHCN và đổi mới sáng tạo công lập được sắp xếp lại bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả, gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu - ứng dụng - đào tạo; nguồn nhân lực nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo đạt 12 người trên một vạn dân; số lượng đơn đăng ký sáng chế, văn bằng bảo hộ sáng chế tăng trung bình 16-18%/năm, tỷ lệ khai thác thương mại đạt 8-10%. Hạ tầng công nghệ số tiên tiến, hiện đại, dung lượng lớn, phát triển hạ tầng băng rộng di động chất lượng cao 5G trên phạm vi toàn tỉnh; từng bước ứng dụng có hiệu quả một số công nghệ như: Trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật (loT), dữ liệu lớn, thông tin di động 5G, 6G, thông tin vệ tinh và một số công nghệ mới nổi.
Hoàn thành xây dựng đô thị thông minh. Thu hút các tổ chức, doanh nghiệp công nghệ đầu tư nghiên cứu, sản xuất tại Bắc Giang. Đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại phục vụ nghiên cứu khoa học, đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ. Tăng số lượng doanh nghiệp KHCN lên trên 30 doanh nghiệp. Tập trung phát triển và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học trên một số lĩnh vực quan trọng là lợi thế của tỉnh; phấn đấu tỉnh Bắc Giang nằm trong nhóm 03 tỉnh đứng đầu vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong các ngành, lĩnh vực. Quản lý nhà nước trên môi trường số, đẩy mạnh CĐS trong các cơ quan của hệ thống chính trị.
Đến năm 2030, cơ bản hình thành Chính quyền số với hệ thống dịch vụ số; công dân số; công nghiệp văn hóa số đạt mức cao; các dịch vụ đô thị thông minh được triển khai rộng khắp; kinh tế số và xã hội số phát triển nhanh, bền vững. Nâng cao khả năng tương tác của người dân với chính quyền số. Xây dựng các cơ sở dữ liệu chuyên ngành: Y tế, giáo dục, tài nguyên và môi trường, công nghiệp và thu hút đầu tư, nông nghiệp, giao thông vận tải và logistics, du lịch, báo chí, phát thanh và truyền hình, tư pháp và tố tụng... để cung cấp, kết nối, chia sẻ với cổng dữ liệu dùng chung của tỉnh. Phấn đấu 100% sáng kiến, nhiệm vụ KHCN được ứng dụng vào đời sống và sản xuất; thuộc nhóm 10 địa phương dẫn đầu về chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương và chỉ số đánh giá CĐS.
Tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh Bắc Giang có nền KHCN, đổi mới sáng tạo và CĐS phát triển nhanh, bền vững trong nước. Xây dựng thành phố Bắc Giang đứng đầu các thành phố thuộc vùng Trung du miền núi phía Bắc trong việc xây dựng thành phố thông minh. Tăng trưởng kinh tế dựa trên nền tảng KHCN, đổi mới sáng tạo và CĐS, phấn đấu là tỉnh công nghiệp hiện đại, phát triển toàn diện, bền vững; quy mô kinh tế số đạt tối thiểu 50% GRDP; duy trì thuộc nhóm 10 địa phương dẫn đầu về chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương và chỉ số đánh giá CĐS.
Để hoàn thành mục tiêu, Kế hoạch tập trung triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đó là: Nâng cao nhận thức, đột phá về đổi mới tư duy, xác định quyết tâm chính trị mạnh mẽ, quyết liệt lãnh đạo, chi đạo, tạo xung lực mới, khí thế mới trong toàn xã hội về phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và CĐS quốc gia. Khẩn trương, quyết liệt hoàn thiện thể chế; xóa bỏ mọi tư tưởng, quan niệm, rào cản đang cản trở sự phát triển; đưa thể chế thành một lợi thế cạnh tranh trong phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và CĐS. Tăng cường đầu tư, hoàn thiện hạ tầng cho KHCN, đổi mới sáng tạo và CĐS quốc gia. Phát triển, trọng dụng nhân lực chất lượng cao, nhân tài đáp ứng yêu cầu phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và CĐS. Đẩy mạnh CĐS, ứng dụng KHCN, đổi mới sáng tạo trong hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị; nâng cao hiệu quả quản trị, hiệu lực quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, bảo đảm quốc phòng và an ninh. Thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động KHCN, đổi mới sáng tạo và CĐS trong doanh nghiệp. Tăng cường hợp tác quốc tế trong phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và CĐS.