Bài học kinh nghiệm số hóa từ quốc tế
Tại Tuần lễ Số quốc tế Việt Nam 2022 vừa diễn ra tại Hà Nội, đại diện nhiều quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ… đã chia sẻ về việc thực hiện chuyển đổi số tại đất nước mình. Đây được xem là những kinh nghiệm hữu ích cho Việt Nam trong quá trình chuyển đổi số quốc gia.
Bài học kinh nghiệm số hóa từ quốc tế
Chia sẻ về quá trình chuyển đổi số của quốc gia mình, Phó Cục trưởng Cục xúc tiến cơ sở hạ tầng số quốc tế (Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản) Atsushi Umino cho rằng, ưu tiên hàng đầu là cần tập trung xây dựng một xã hội số, nơi mà ở đó tất cả người dân đều được sử dụng và hưởng lợi ích do công nghệ số mang lại.
Để thực hiện mục tiêu trên, Nhật Bản đã đưa ra Sáng kiến xây dựng vườn kỹ thuật số (Digital City Garden Nation), trong đó đặt ra trọng tâm là hoàn thiện cơ sở hạ tầng công nghệ số làm nền tảng nâng cao năng lực thực hiện và không để bất kỳ người dân nào bị bỏ lại phía sau. Các kết nối số như cáp quang, 5G, 6G và trung tâm dữ liệu sẽ được ưu tiên hoàn thiện.
Để hoàn thành phủ cáp quang tới 99,9% người dân vào năm 2027, Nhật Bản đã triển khai hỗ trợ tài chính cho các địa phương thu không đủ bù chi đối với dịch vụ này. Pháp luật tại quốc gia này cũng quy định cáp quang là dịch vụ phổ cập toàn dân, do đó các nhà mạng băng rộng phải đóng tiền vào một quỹ để quỹ này hỗ trợ các địa phương đưa dịch vụ trên đến người dân.
Việc phổ cập 5G cũng đang được xem xét để thực hiện tương tự khi đang nghiên cứu nhằm đưa ra yêu cầu các nhà mạng phải đóng quỹ để thực hiện điều này. Tính đến hết năm 2020, Nhật Bản đã lắp đặt được 280.000 trạm 5G, phủ sóng tới 95% quốc gia, dự kiến tới 2030 sóng 5G sẽ bao phủ khắp đất nước với 600.000 trạm.
Cũng theo ông Atsushi Umino, không chỉ tập trung giải quyết các bài toán chuyển đổi số trong nước, Nhật Bản còn tích cực hỗ trợ DN nội mở rộng ra thị trường quốc tế. Bên cạnh những ưu đãi đã có từ trước tới nay, hiện Nhật Bản đang tiếp tục xây dựng hành lang pháp lý nhằm hỗ trợ DN ICT trong nước triển khai công nghệ của mình tại nước ngoài. Theo đó, phương án chính sẽ là Chính phủ tài trợ mọi mặt cho các DN Nhật Bản nhằm phát triển ở thị trường quốc tế.
Đại diện Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN Bùi Kim Thùy chia sẻ:
Chính sách quản lý của Việt Nam nên thiên về phục vụ phát triển nhiều hơn là việc kiểm soát. Đây là nền tảng quan trọng cho các hoạt động hợp tác sau này giữa các DN Mỹ với Việt Nam trong lĩnh vực thông tin truyền thông, kinh tế số và công nghệ số. Trong đó có các nhóm hợp tác gồm công nghiệp công nghệ số, chuyển đổi số, hạ tầng số, an toàn an ninh mạng, xúc tiến thương mại và đầu tư, nghiên cứu phát triển và chuyển giao công nghệ cho Việt Nam.
Hàn Quốc là quốc gia tiên phong về chuyển đổi số trên thế giới, quá trình này đã được thực hiện từ năm 1983 do đó kinh nghiệm cũng như kết quả có được là rất phong phú và thực tiễn. Phó Giám đốc Trung tâm hợp tác công nghệ thông tin Hàn Quốc Lee Byoung Moog nhấn mạnh, để chuyển đổi số được thực hiện hiệu quả và nhanh chóng thì hành lang pháp lý là yếu tố cực kỳ quan trọng.
Đại diện từ Bộ Khoa học & Truyền thông Hàn Quốc phát biểu tại diễn đàn. Ảnh:Kinh tế & Đô thị.
Tính tới thời điểm hiện tại, Hàn Quốc đã có hơn 50 bộ luật hỗ trợ phát triển các nền tảng số, phần mềm. Đối với các công nghệ mới, đã từ nhiều năm qua, nước này đã có cơ chế áp dụng thí điểm (sandbox), vừa làm vừa sửa đổi dần dần. Chính phủ Hàn Quốc cũng áp dụng cơ chế hỗ trợ đối với các sản phẩm công nghệ có vòng đời ngắn, có thể kể đến như sau mỗi 5 năm, cơ sở hạ tầng công nghệ và hệ thống phần mềm thường được cập nhật hoặc phát triển mới.
Chiến lược chuyển đổi số của Hàn Quốc được thực hiện dựa trên nền tảng đảm bảo quyền riêng tư người dân, với tầm nhìn làm chủ công nghệ. Quá trình này gồm 5 trụ cột: Xây dựng hệ sinh thái trí tuệ nhân tạo xếp hạng toàn cầu; Mở ra kỷ nguyên kinh tế dữ liệu; Tái thiết kế toàn bộ lĩnh vực công nghiệp phần mềm; Chuyển đổi đám mây với khu vực công tư và dự án K-Cloud phát triển bán dẫn; Phần mềm và trí tuệ nhân tạo, ông Lee Byoung Moog chia sẻ.
Kinh nghiệm số hóa cho Việt Nam
Nhìn nhận về quá trình chuyển đổi số của Việt Nam trong khoảng 2 năm trở lại đây, Phó Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam Lesley Miller cho rằng, điểm còn thiếu khuyết là kỹ năng số chưa được quan tâm đầy đủ. Đây chính là cái gốc của chuyển đổi số đang được nhiều quốc gia trên thế giới tập trung xây dựng nhằm đào tạo ra các công dân số.
Theo số liệu, khoảng cách số ở Việt Nam đang ở mức khá lớn khi gần 27% dân số thiếu khả năng kết nối internet vào đầu năm 2022 và gần 6/10 trẻ em gái và trẻ em trai từ 15 - 24 tuổi không có các kỹ năng ICT cơ bản. Hơn 2/3 trẻ em vùng sâu, vùng xa không được học trực tuyến và 93% giáo viên ở các tỉnh vùng sâu, vùng xa cho biết chưa bao giờ sử dụng công nghệ hiện đại trong lớp học.
Tuần lễ Số quốc tế Việt Nam diễn ra từ 11-14/10 tại Hà Nội. Ảnh minh họa.
Bà Lesley Miller cho biết, để quá trình chuyển đổi số của Việt Nam được thực chất và hiệu quả, việc xây dựng kỹ năng số cần được xem như một kỹ năng học tập suốt đời trong cộng đồng từ học sinh đến giáo viên, phụ huynh, nhân viên y tế, nhân viên khu vực tư nhân, nhân viên phúc lợi và mọi thành viên của xã hội là hết sức quan trọng.
Hiểu biết số không chỉ là xử lý máy tính mà còn cho phép các cá nhân tham gia vào việc xử lý thông tin với tư duy phản biện, tham gia tích cực vào việc tạo ra nội dung và chia sẻ kiến thức qua mạng xã hội. Trọng tâm về hiểu biết số là hỗ trợ sự phát triển của một công dân có hiểu biết và kết nối, có thể thích ứng với các nhu cầu thay đổi nhanh chóng của xã hội số, đại diện UNICEF chia sẻ.
Ngoài ra, tính ổn định trong chính sách về chuyển đổi số cũng là vấn đề được nhiều DN ngoại quan tâm khi muốn hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực này. Đại diện Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN, bà Bùi Kim Thuỳ cho rằng, cộng đồng DN quốc tế nói chung và DN Mỹ nói riêng đều mong muốn chính sách của Việt Nam có tính liên tục, ổn định và dễ dự đoán.
Có một thực trạng là ở một vài địa phương đang có sự đứt gãy về mặt chính sách quanh chuyển đổi số. Mặc dù T.Ư ban hành chính sách tốt nhưng địa phương hiểu mỗi nơi mỗi khác hoặc sự không đồng nhất khi thực hiện giữa các bộ, ban ngành. Đây là điều cản trở không nhỏ đối với quá trình kinh doanh cũng như hợp tác về chuyển đổi số tại Việt Nam với tất cả DN ngoại.
Thành Nam (T/h)