Bài toán quản lý internet tại Việt Nam

09:50, 11/11/2014

Thế giới đang thay đổi nhanh chóng, khoảng cách kinh tế và văn hóa ngày càng được thu hẹp, tạo nên một môi trường sống mới - năng động hơn nhờ internet. Tuy nhiên những hệ lụy từ nó cũng đang làm xã hội dậy sóng.Trong tình hình như vậy, vấn đề bảo đảm trật tự xã hội và an ninh quốc gia cũng cần được triển khai năng động hơn, quyết liệt hơn.

Internet và những thay đổi tích cực.

Internet hiện nay đã trở một công cụ phổ biến với nhiều người trong cuộc sống. Vào thời điểm cuối năm 2014, số người sử dụng internet trên thế giới ước tính khoảng 2,6 tỷ. Vào đầu năm 2014, ở Việt Nam đã có hơn 32 triệu người sử dụng internet, chiếm 43% dân số Việt Nam, bằng khoảng 1,4% dân số thế giới. Việt Nam có số lượng người dùng internet nhiều thứ 8 châu Á, đứng thứ 3 Đông-Nam Á.Đây là những con số rất ấn tượng và theo dự báo sẽ tăng lên hơn 40 triệu vào năm 2020.

Từ một nước tụt hậu về công nghệ, Việt Nam đã trở thành quốc gia phát triển khá về viễn thông. Hiện nay, Việt Nam đã có 3G, cáp quang biển, vệ tinh, sắp tới sẽ phát triển 4G; mật độ phổ cập dịch vụ khá cao, giá cả phù hợp với thu nhập của người dân. Là một nước có dân số trẻ, truyền thống hiếu học nên điều kiện phát triển viễn thông là thuận lợi rất lớn.

Internet mang lại rất nhiều tiện ích hữu dụng cho người sử dụng. Internet là một kho kiến thức khổng lồ mà mọi người đều có thể khai thác và sử dụng miễn phí. Cùng một lúc hàng tỷ người có thể kết nối với nhau. Hơn nữa, lại có thể có phản hồi ngay tức khắc. Có thể nói chưa bao giờ con người lại dễ dàng kết nối với nhau như hiện nay. Mạng xã hội thể hiện tầm ảnh hưởng to lớn, tích cực trong đời sống cộng đồng.

Tuy mạng xã hội tạo ra nhiều điều hay nhưng chúng cũng gây nên những rắc rối không nhỏ, thậm chí có những tác hại cho con người. Ở Việt Nam, cũng như ở nhiều nước trên thế giới, tồn tại nhiều cái nhìn khác nhau về mạng xã hội. Nhiều người chỉ nhìn thấy mặt tích cực, cũng có người lại chỉ nhìn thấy mặt tiêu cực. Đây thật sự là vấn đề nổi cộm cần được giải quyết thấu đáo trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay. Để hạn chế những tiêu cực mà mạng xã hội gây ra, cần phải có những biện pháp phù hợp, hoặc mang tính kỹ thuật, hoặc mang tính văn hóa - giáo dục.

(Ảnh: Internet)

Quản lý những tiêu cực trên internet

Việc phát triển mạng xã hội khiến một bộ phận lớn giới trẻ rơi vào tình trạng sống ảo, tiếp thu những kiến thức, ảnh hưởng không tốt gây lệch lạc về suy nghĩ và để lại những hậu quả đáng buồn. Bởi vậy hầu như tất cả các quốc gia đều quan tâm đến việc ngăn ngừa độc hại trên internet, nhưng có vẻ như họ không thống nhất nỗ lực trong vấn đề này, bởi mỗi quốc gia có quan niệm khác nhau về tự do, dân chủ, nhân quyền và quan niệm về văn hóa phẩm độc hại cũng khác nhau.

Thông thường các quốc gia trên thế giới sử dụng ba cách ngăn ngừa độc hại trên mạng internet.

  • Thứ nhất: Dùng biện pháp kỹ thuật, ngăn chặn hoặc hạn chế những người sử dụng internet tiếp cận những thông tin mà chính quyền cho là không có lợi.
  • Thứ hai: Dùng các biện pháp hành chính và luật pháp để quản lý và điều tiết người sử dụng internet theo ý muốn của chính quyền.
  • Thứ ba: Trang bị và nâng cao trình độ văn hóa của người sử dụng internet để họ tự quyết định sử dụng internet thế nào cho có lợi, tự đề kháng trước những "độc tố" trên mạng internet.

Trong ba hình thức đó, hình thức thứ ba được xem là dân chủ, thông minh và bền vững nhất. Đây mới chính là biện pháp hữu hiệu nhất, đáng tin cậy nhất trong việc ngăn ngừa độc hại trên mạng internet cho ngày hôm nay, và nhất là cho tương lai. Chỉ có con người với hiểu biết của mình, với trình độ văn hóa của mình, có ý thức tự giác bảo vệ mình ở mọi chỗ, trong mọi lúc thì mới ngăn ngừa được những độc hại mà internet có thể gieo rắc.

Tuy nhiên, để hình thức thứ ba phát huy được hiệu quả, cần phải có thời gian để nâng cao trình độ dân trí nói chung và "văn hóa internet" nói riêng. Do vậy, trên thực tế người ta vẫn buộc phải sử dụng đồng thời cả ba hình thức.

Tại Việt Nam, các cơ quan hữu quan cần xem xét, đánh giá các hiện tượng tiêu cực nảy sinh từ internet để từ đó, xây dựng và đề ra giải pháp quản lý thích hợp. Việc nâng cao ý thức văn hóa của mỗi cá nhân và vai trò của người tham gia cũng không kém quan trọng. Ý thức ấy trước hết là từ mỗi người, nhưng gia đình, nhà trường, chủ cửa hàng internet, nơi cung cấp dịch vụ cũng có phần trách nhiệm rất lớn. Ý thức được những nguyên nhân, hậu quả, mỗi người sẽ tự điều chỉnh nhận thức hành vi của mình khi sử dụng thành tựu văn minh của loài người.

Ngành công an có nhiệm vụ bảo đảm trật tự xã hội và an ninh quốc gia. Trong "thời đại internet", nhiệm vụ này đòi hỏi toàn ngành phải nâng cao nghiệp vụ, nhất là trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Một trong những sự kiện quan trọng là Bộ Công an đã thành lập Cục An ninh mạng. Trong thời gian tới, lực lượng công an, nòng cốt là Cục An ninh mạng cần đẩy mạnh các biện pháp quản lý internet, kiên quyết ngăn ngừa những tác hại của internet. Phối hợp với các bộ, ngành chức năng thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 1-7-2014 của Bộ Chính trị khóa XI về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Chỉ thị số 28-CT/TW ngày 16-9-2013 của Ban Bí thư và Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 17-6-2014 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm an ninh và an toàn thông tin mạng trong tình hình mới. Đồng thời, tăng cường hợp tác quốc tế, chủ động phối hợp với an ninh, cảnh sát các nước xây dựng, tổ chức diễn tập các phương án phòng thủ đối phó với tấn công mạng, vì an ninh quốc gia và lợi ích của nhân dân mỗi nước, vì hòa bình, ổn định, phát triển trong khu vực và thế giới.

Hy vọng rằng với những biện pháp tích cực thì giới trẻ Việt Nam nói riêng và xã hội Việt Nam nói chung sẽ có những nhìn nhận chính xác về mặt tích cực của internet và ứng dụng nó một cách có hiệu quả trong mọi hoạt động.

Nha Trang.