“Bản thân nhiều nhà báo còn chưa nắm rõ Luật tiếp cận thông tin!”

08:25, 14/06/2022

Ông Lê Nghiêm, Phó Viện trưởng Viện ứng dụng Công nghệ thông tin và truyền thông đã nhận định như vậy tại tọa đàm "Nhà báo khai thác thông tin trong bối cảnh Chuyển đổi số" vừa diễn ra chiều 10/6.

Hơn 30 nhà báo tham gia buổi Tọa đàm

Hơn 30 nhà báo tham gia buổi Tọa đàm

Theo ông Lê Nghiêm, quyền hạn của nhà báo hiện nay được quy định trong 3 văn bản quy phạm pháp luật chính, đó là Luật Báo chí (2016), Luật Tiếp cận thông tin (2016) và Nghị định 09/2017 về Quyền tiếp cận thông tin. Đây chính là cơ sở pháp lý để các nhà báo tác nghiệp.

Luật Tiếp cận thông tin là một bước tiến, là tư duy mở của chính phủ. Tuy nhiên, theo ông Lê Nghiêm, rất tiếc nhiều nhà báo hiện nay chưa nắm rõ luật này, người dân thì càng không hiểu rõ. Ông Lê Nghiêm dẫn khảo sát của Viện ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông cho biết, có đến 99% người được hỏi đã trả lời không chính xác về quyền tiếp cận thông tin.

Vị Phó Viện trưởng, vốn là một nhà báo kỳ cựu (nguyên Trưởng Ban Nhân dân điện tử - Báo Nhân dân), nguyên Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại (Bộ Thông tin và Truyền thông) này nói rằng chỉ khi nhà báo hiểu rõ quyền hạn của mình, những thông tin nào không được phép tiếp cận, cũng như nắm được chủ thể hoặc người được ủy quyền phát ngôn tại các cơ quan nhà nước là ai thì việc tác nghiệp mới không bị hạn chế.

“Bản thân nhiều nhà báo còn chưa nắm rõ Luật tiếp cận thông tin!” ảnh 1

Ông Lê Nghiêm chia sẻ tại tọa đàm

Ông Đinh Văn Hải, Chủ nhiệm Tạp chí điện tử VietTimes đã dẫn ra điều 25.2 điểm C trong Luật Báo chí về quyền hạn tác nghiệp của các nhà báo. Ông Hải cho rằng các nhà báo, phóng viên có thể căn cứ vào điều luật này để tiếp cận thông tin tại các cơ quan, đơn vị.

Trước đó, mở đầu buổi tọa đàm, nhà báo Lê Đức Sảo, Tổng thư ký Hội Truyền thông số Việt Nam đã nêu lên thực trạng khó khăn của hoạt động báo chí trong giai đoạn hiện nay.

Ông Lê Đức Sảo nói rằng trong vòng 10 năm trở lại đây báo chí chính thống đang bị cạnh tranh gay gắt bởi truyền thông xã hội, mà lớn nhất là mạng xã hội. Công nghệ phát triển vượt bậc tạo điều kiện cho việc tiếp cận thông tin và đưa tin trở nên thuận lợi hơn. Tuy nhiên, trong cuộc chạy đua ấy, báo chí đang nhiều khi đã trở nên lép vế.

"Mặc dù báo chí có tính xác tín, vượt trội về tính tin cậy so với mạng xã hội, nhưng báo chí lại bị ràng buộc bởi những quy định pháp luật, nguyên tắc tác nghiệp và đạo đức hành nghề khiến việc đưa tin trở nên chậm hơn. Sức mạnh của mạng xã hội ngày nay ảnh hưởng không chỉ tới báo chí mà thậm chí còn tới quyết sách của các chính phủ", ông Lê Đức Sảo nói.

Vì thế, theo ông Lê Đức Sảo, làm thế nào để báo chí tìm được chỗ đứng trong giai đoạn hiện nay, đó chính là mục đích của buổi tọa đàm.

“Bản thân nhiều nhà báo còn chưa nắm rõ Luật tiếp cận thông tin!” ảnh 2

Ông Lê Đức Sảo - Tổng thư ký Hội Truyền thông số Việt Nam

Tham gia tọa đàm, nhà báo Mai Vũ Tuấn, Giám đốc, Tổng biên tập, Trung tâm Truyền thông Quảng Ninh đã chia sẻ về mô hình hoạt động của Trung tâm sau khi sáp nhập 4 đơn vị là Báo Quảng Ninh, Đài Phát thanh Truyền hình Quảng Ninh, Cổng thông tin điện tử tổng hợp (thuộc Văn phòng UBND) và Báo Hạ Long (Hội Văn hóa Nghệ thuật).

Theo nhà báo Mai Vũ Tuấn, thời gian đầu sáp nhập, Trung tâm gặp một số khó khăn như tư tưởng của cán bộ nhân viên khi về môi trường mới; sự không đồng đều về chuyên môn do đặc thù của từng cơ quan báo chí; vấn đề tự chủ tài chính; suy giảm quảng cáo. Tuy nhiên, đến thời điểm này về cơ bản Trung tâm đã khắc phục được và đã đạt được một số thành tựu đáng khích lệ. Hiện tại 70% cán bộ phóng viên của Trung tâm có thể tác nghiệp đa phương tiện. 21 đầu mối trước đây đã được tinh gọn còn 14 đơn vị, giúp cho hoạt động của Trung tâm trở nên hiệu quả hơn. Do thực hiện mô hình hợp nhất nên Trung tâm đã có nhân lực để thực hiện các nội dung lớn. Trung tâm có khả năng thực hiện được hầu hết các chiến dịch truyền thông lớn theo chỉ đạo của Tỉnh cũng như yêu cầu thực tiễn cuộc sống.

Đối với xu hướng chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí, ông Mai Vũ Tuấn chia sẻ rằng Trung tâm đã nhận thức được chuyển đối số là tất yếu, mang lại sức cạnh tranh cho đơn vị. Trung tâm đang tiến hành tin học hóa toàn bộ các khâu của tòa soạn hội tụ; xây dựng kho dữ liệu Big Data bằng cách số hóa toàn bộ kho hình ảnh video phát thanh truyền hình, báo in; áp dụng hàng loạt tiến bộ mới trong quá trình làm báo; xây dựng hệ thống đo lường khán thính giả để phân phối đến đúng đối tượng các sản phẩm báo chí mới; đảm bảo an ninh an toàn thông tin cho hệ thống.

Ông Lê Nguyễn Trường Giang, Viện trưởng Viện Chiến lược Chuyển đổi số (thuộc Hội Truyền thông số Việt Nam) gợi mở một số quan điểm về bản chất chuyển đổi số trong hoạt động báo chí.

Theo ông Giang, thách thức lớn nhất hiện nay của báo chí là sự dễ dàng tiếp cận thông tin. Ngoài báo chí, người dân có quá nhiều cách, nhiều nền tảng để tiếp cận thông tin. Vì vậy bài toán chuyển đổi số đặt ra cho báo chí là chuyển đổi cách thức để tạo ra giá trị. Nếu không tạo ra giá trị thì không một tờ báo nào trụ vững được.

“Trước hết phải tìm ra cách để tạo ra giá trị cho bản thân tờ báo trong một thời đại mới bằng việc định hình lại chính bản thân tờ báo đó, hình thành lại một cơ chế quản lý hợp lý bằng cách xây dựng một hệ sinh thái thông qua cơ sở dữ liệu, và cuối cùng quan trọng nhất là phải tạo cho mình một chiến lược hạng mục", ông Giang nói.

“Bản thân nhiều nhà báo còn chưa nắm rõ Luật tiếp cận thông tin!” ảnh 3

Ông Lê Nguyễn Trường Giang, Viện trưởng Viện Chiến lược Chuyển đổi số

Phát biểu tổng kết, Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam Nguyễn Minh Hồng khẳng định buổi tọa đàm đã lựa chọn một chủ đề rất hữu ích và thiết thực. Theo đó, buổi tọa đàm đã giúp các nhà báo và cơ quan báo chí đã nắm rõ hơn về quyền hạn của nhà báo theo Luật Báo chí và Luật tiếp cận thông tin.

Một vấn đề nữa cũng cần quan tâm, theo ông Nguyễn Minh Hồng, là áp dụng chuyển đổi số trong báo chí. Các cơ quan báo chí cần phải nhanh chóng áp dụng các thành tựu của công nghệ để tạo ra sức cạnh tranh với mạng xã hội.

“Bản thân nhiều nhà báo còn chưa nắm rõ Luật tiếp cận thông tin!” ảnh 4

Ông Nguyễn Minh Hồng, Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam

Ông Nguyễn Minh Hồng cũng chúc mừng Trung tâm Truyền thông Quảng Ninh, dù mới thành lập chưa lâu nhưng đã có những thành tựu đáng khích lệ và ông chúc Trung tâm tiếp tục phát triển, hoàn thành các nhiệm vụ mà Tỉnh ủy và chính quyền Quảng Ninh giao cho.

Ông Phạm Xuân Vinh, Phó Chủ tịch tập đoàn Tuần Châu cũng đồng tình rằng đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số là yêu cầu cấp thiết với báo chí. Ông Vinh chúc các đơn vị báo chí tìm được lối đi thành công thông qua buổi tọa đàm này.

“Bản thân nhiều nhà báo còn chưa nắm rõ Luật tiếp cận thông tin!” ảnh 5

Các diễn giả chụp ảnh lưu niệm cùng Ban tổ chức

Tọa đàm "Nhà báo khai thác thông tin trong bối cảnh chuyển đổi số" do Câu lạc bộ Cafe Số phối hợp với Trung tâm Truyền thông Quảng Ninh và Tập đoàn Tuần Châu tổ chức, diễn ra chiều 10/6 tại Hạ Long, Quảng Ninh.

Theo/viettimes.vn

https://viettimes.vn/ban-than-nhieu-nha-bao-con-chua-nam-ro-luat-tiep-can-thong-tin-post157602.html