Dự và chủ trì Toạ đàm có các đồng chí: Thượng tướng, PGS.TS Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; Thượng tướng, PGS.TS Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương; PGS.TS Phạm Minh Tuấn, Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật. Trung tướng, PGS.TS Trần Vi Dân, Giám đốc Học viện Chính trị Công an nhân dân, cơ quan Thường trực Toạ đàm…
Đến dự Tọa đàm còn có gần 500 đại biểu, khách mời đại diện các cơ quan, đơn vị trong và ngoài lực lượng Công an nhân dân, các nhà khoa học, các chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực nghiên cứu, các nhà hoạt động thực tiễn như: Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương; Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật, Viện An ninh phi truyền thống, Trường Quản trị và Kinh doanh, Đại học Quốc gia Hà Nội, Hội Triết học Việt Nam, Viện Nghiên cứu Danh nhân trực thuộc Hội Khoa học phát triển nguồn nhân lực - nhân tài Việt Nam; đại diện các cơ quan, đơn vị chức năng của Bộ Công an; cán bộ, giảng viên, học viên đang công tác, học tập tại Học viện Chính trị Công an nhân dân.
Thượng tướng, PGS.TS. Trần Quốc Tỏ, Thứ trưởng Bộ Công an phát biểu đề dẫn khai mạc Tọa đàm.
Mở đầu Tọa đàm, Chủ tịch Hội Triết học Việt Nam, GS.TS Nguyễn Trọng Chuẩn trình bày tham luận: “Tầm nhìn mới về chủ nghĩa xã hội trong tác phẩm một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng”. Theo đó, GS.TS Nguyễn Trọng Chuẩn nêu rõ, cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đặt ra nhiều câu hỏi và lý giải sâu về từng câu hỏi với một tầm nhìn mới về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội phù hợp với điều kiện của nước ta. GS.TS Nguyễn Trọng Chuẩn nhấn mạnh: Trong tác phẩm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, Việt Nam đi lên chủ nghĩa xã hội từ một nước nông nghiệp lạc hậu, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa, tức là “bỏ qua chế độ áp bức, bất công, bóc lột tư bản chủ nghĩa”; bỏ qua những thói hư tật xấu, những thiết chế, thể chế chính trị không phù hợp với chế độ XHCN, chứ không phải bỏ qua cả những thành tựu, giá trị văn minh mà nhân loại đã đạt được trong thời kỳ phát triển chủ nghĩa tư bản.
GS.TS Nguyễn Trọng Chuẩn nêu rõ, theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, xã hội XHCN mà chúng ta xây dựng và hướng tới là một xã hội mà trong đó sự phát triển thực sự là vì con người, “con người giữ vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển”; đặc biệt, sự phát triển về kinh tế phải gắn chặt với sự tiến bộ và công bằng xã hội để thu hẹp khoảng cách giàu nghèo. Xã hội đó phải thật sự khoan dung, nhân văn, mọi người đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ. Đồng thời, sự phát triển bền vững của xã hội phải hài hòa với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống trong lành cho con người của thế hệ hiện tại và cho cả các thế hệ tương lai.
Các đại biểu, nhà khoa học dự Tọa đàm cũng tập trung làm rõ nhận thức mới, quan điểm, tư tưởng, giá trị cốt lõi của chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam được đề cập trong tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; giá trị, ý nghĩa lý luận và thực tiễn tác phẩm của Tổng Bí thư trên các phương diện kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại… trong giai đoạn hiện nay. Đồng thời, vận dụng những quan điểm, tư tưởng đó vào thực tiễn, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chiến lược mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra. Làm sâu sắc hơn giá trị lý luận, thực tiễn, ý nghĩa tác phẩm của Tổng Bí thư đối với sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, xây dựng lực lượng Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại trong giai đoạn hiện nay.
Quang cảnh buổi tọa đàm.
Phát biểu kết thúc Tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Tỏ nêu rõ, kết quả Tọa đàm lần này góp phần cung cấp thêm những luận cứ hữu ích phục vụ cho Đảng ủy Công an Trung ương, Lãnh đạo Bộ Công an báo cáo các cấp có thẩm quyền tham vấn trong quá trình xây dựng công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại và hiện đại vào năm 2030. Thứ trưởng Bộ Công an đề nghị, các đại biểu và cơ quan, đơn vị trong công an nhân dân tiếp tục nghiên cứu, quán triệt tới cán bộ, đảng viên về nội dung, ý nghĩa của cuốn sách và nghiên cứu, vận dụng vào thực tiễn công tác của đơn vị, địa phương mình.
Như Ý (T/h)