Báo chí sẽ bị đào thải, nếu không chuyển đổi số
Sáng 24-12, tại TP HCM, Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 với sự tham dự của hơn 700 đại biểu.
Báo cáo tại hội nghị, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm nhìn nhận công tác báo chí đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Nổi bật là thông tin trên báo chí thể hiện rõ nét hơn vai trò dẫn dắt, chủ động, kịp thời, đạt hiệu quả trong tuyên truyền về những vấn đề, sự kiện quan trọng của đất nước góp phần tạo sự đồng thuận xã hội.
Nhiều cơ quan báo chí đã đổi mới, tiếp cận công nghệ làm báo hiện đại đưa thông tin lên các hạ tầng, nền tảng truyền thông khác nhau để tăng khả năng tiếp cận cho người dân; thực hiện chuyển đổi số báo chí.
Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh hoạt động báo chí tiếp tục được tiến hành một cách bài bản, quyết liệt, giữ kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động báo chí.
Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm phát biểu tại hội nghị.
Năm 2022 đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 32 lượt cơ quan báo chí với tổng số tiền phạt hơn 1,873 tỉ đồng, tước quyền sử dụng giấy phép trong thời hạn 3 tháng đối với 2 cơ quan báo chí, thu hồi thẻ nhà báo đối với 1 tổng biên tập.
"Những giải pháp trên đang tạo ra sự chuyển biến rất cơ bản và tích cực trong hoạt động báo chí"- ông Lâm đánh giá.
Tuy nhiên, đồng chí Trần Thanh Lâm cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế trong công tác báo chí. Đó là việc nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật không còn phù hợp với thực tiễn, chưa theo kịp với tốc độ phát triển của xã hội.
Một số sở thông tin và truyền thông chưa phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm, e dè, né tránh trong xử lý vi phạm hoạt động báo chí trên địa bàn. Vai trò, trách nhiệm của nhiều cơ quan chủ quản đối với cơ quan báo chí còn hạn chế, mờ nhạt.
Tình trạng báo "hóa" tạp chí, các biểu hiệu "tư nhân hóa" báo chí vẫn chưa được khắc phục triệt để. Vẫn còn thông tin giật gân, câu khách, không bảo đảm tính chính trị, tính định hướng, tính nhân văn
Theo đồng chí Trần Thanh Lâm, nguyên nhân là do kinh tế báo chí ngày càng khó khăn do ảnh hưởng chung của dịch bệnh COVID-19, xung đột vũ trang ở nước ngoài và cạnh tranh của các nền tảng xuyên biên giới.
Một số lãnh đạo cơ quan báo chí buông lỏng, phân cấp phân quyền duyệt tin, bài lên mạng internet cho cấp dưới một cách rộng rãi, coi nhẹ việc quản lý các chuyên trang, nhất là thông tin giải trí, khai thác tin thế giới thiếu chọn lọc…, dẫn đến nội dung đôi khi thiếu định hướng, phản cảm, không chính xác.
Trình độ chuyên môn nghiệp vụ và kỹ năng tác nghiệp của một bộ phận người làm báo vẫn còn hạn chế, chưa theo kịp ứng dụng công nghệ vào quá trình tác nghiệp gắn với chuyển đổi số.
Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm cho rằng chuyến đổi số báo chí là một xu hướng tất yếu, nhu cầu tự thân, không thể đảo ngược. Chúng ta sẽ bị tụt hậu, đào thải nếu không có những quyết tâm thay đổi mạnh mẽ về phương thức làm báo hiện đại.
Do đó, từ nhận thức đến hành động thực tiễn là cả một quá trình đòi hỏi sự quyết tâm, kiên trì, dám làm, dám chịu trách nhiệm của lãnh đạo cơ quan báo chí.
Thành Nam (T/h)