Báo Nga lý giải Việt Nam có thể thành trung tâm sản xuất chip
Việt Nam có thể đón đầu làn sóng đầu tư sản xuất vi mạch từ các nhà sản xuất muốn tránh phụ thuộc hoàn toàn vào các cơ sở tại Đài Loan (Trung Quốc)
Tờ Topwar của Nga dẫn thông tin từ các nhà kinh tế tại Đại học Fulbright dự đoán, lực lượng lao động trong ngành công nghiệp bán dẫn và vi mạch của Việt Nam sẽ vào khoảng 20.000 kỹ sư trong 5 năm tới, và tăng lên thành 50.000 trong 10 năm nữa.
Báo này cũng đưa tin về khả năng đào tạo nhân lực trình độ cao làm việc trong ngành bán dẫn của Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam cho biết, số lượng kỹ sư thiết kế vi mạch của cả nước hiện nay khoảng 5.000 người, như vậy là còn thiếu hụt so với nhu cầu được dự báo.
Theo đánh giá, dựa trên những ước tính thận trọng nhất, tốc độ tăng nhân sự trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn sẽ phải ở mức “cộng thêm 3.000” kỹ sư mỗi năm và ít nhất 30% trong số họ sẽ có trình độ sau đại học.
Việt Nam là nơi có hơn 50 doanh nghiệp có vốn nước ngoài đầu tư vào ngành vi điện tử, bán dẫn và đang có nhu cầu lớn về lao động tay nghề cao, đặc biệt là trong lĩnh vực thiết kế vi mạch. Tuy nhiên nhân sự đang là một bài toán, và để không bỏ lỡ thời cơ, Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực tìm giải pháp.
Việt Nam kỳ vọng rằng nỗ lực mới của chính phủ sẽ dẫn đến thực tế là trong tương lai gần, sẽ có thêm nhiều tập đoàn lớn trên toàn cầu đầu tư để phát triển và sản xuất vi mạch, khi nhu cầu về mặt hàng này ngày càng gia tăng trên thị trường thế giới.
Nhiều chuyên gia cho rằng nguy cơ xảy ra xung đột lớn ở nhiều nơi là nguyên nhân khiến các tập đoàn nước ngoài bắt đầu đầu tư vào sản xuất vi điện tử tại Việt Nam, coi đây là nơi trú ẩn an toàn cho các khoản đầu tư của mình.
Việt Nam sẽ cần tập trung đào tạo nhân lực nhằm đón đầu làn sóng đầu tư trong lĩnh vực vi điện tử. |
Việt Nam hiện có nhiều dự án của Chính phủ nhằm khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học mở rộng cũng như phát triển các chương trình đào tạo về khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học, công nghệ thông tin và những lĩnh vực liên quan đến truyền thông.
Từ năm 2019 đến năm 2022, số lượng sinh viên mới trong các lĩnh vực trên tăng trung bình 10%/năm, vượt tốc độ tăng trưởng chung là 6,5%.
Các phân khúc có tốc độ tăng trưởng cao nhất là công nghệ thông tin (17,1%) và công nghệ kỹ thuật (10,6%).
Các trường đại học công nghệ hàng đầu của Việt Nam đã trả lời rằng họ sẵn sàng về mặt đào tạo để đáp ứng nhu cầu nhân lực trong ngành bán dẫn và vi mạch.
Mặc dù vậy cũng có những thách thức mà các cơ sở giáo dục phải đối mặt trong việc thu hút sinh viên và nâng cao chất lượng giảng dạy để đáp ứng nhu cầu khắt khe của doanh nghiệp, và cần có chính sách hỗ trợ phù hợp từ chính phủ.
Theo Báo Giáo dục & Thời đại