Bảo tàng Báo chí Việt Nam- Nơi lưu trữ dấu ấn nghề báo

Thùy Chi 23:07, 18/06/2020

Bảo tàng Báo chí Việt Nam sẽ khánh thành vào ngày 19/6/2020, là sự kiện điểm nhấn trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam. Nhiều bản gốc của những tờ báo xuất hiện đầu tiên tại Việt Nam đã được bảo tàng sưu tầm và trưng bày như, tờ Gia Định Báo, Đăng Cổ Tùng Báo...

Theo Hội Nhà báo Việt Nam, đề án xây dựng Bảo tàng Báo chí Việt Nam xuất phát từ ý tưởng, tâm huyết gìn giữ, tôn vinh và phát huy mạnh mẽ truyền thống tốt đẹp của các thế hệ người làm báo Việt Nam. 

Tới đây, Bảo tàng Báo chí Việt Nam và bắt đầu mở cửa bảo tàng đón khách vào ngày 19/6. Được biết, từ khi được thành lập đến nay, Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã trải qua hơn 1.000 ngày để triển khai các dự án thành phần nói trên.

Hiện, Bảo tàng đã sưu tầm được nhiều tài liệu quý, phiên bản gốc của nhiều tờ báo xuất hiện đầu tiên tại Việt Nam, từ năm 1865 đến năm 1925. Giai đoạn này chủ yếu là báo chí phục vụ thực dân Pháp, bên cạnh đó cũng xuất hiện một số tờ báo có những khuynh hướng chính trị khác nhau của những nhóm nho học.

Hình ảnh trưng bày tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam: Liệt sĩ - Nhà báo Dương Thị Xuân Quý 

Hình tượng Bút Sen ở gian khánh tiết của Bảo tàng được tạo nên bằng tên những tờ báo, trong đó có các báo phụ nữ ở nước ta như Báo Phụ nữ Thời đàm, Báo Phụ nữ Tân văn, Báo Phụ nữ Việt Nam...

Có nhiều hiện vật, tài liệu độc đáo, quý hiếm phản ánh những sự kiện quan trọng của lịch sử báo chí Việt Nam phục vụ trưng bày.

Dự án sưu tầm tài liệu hiện vật hiện đã và đang tiếp tục triển khai. Hiện Bảo tàng đã sưu tầm trên 20 nghìn hiện vật, tài liệu được tập hợp và bảo quản tại kho cơ sở.

Bà Trần Thị Kim Hoa - Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam cho biết: “Bảo tàng Báo chí Việt Nam ra đời muộn so với nhiều bảo tàng khác nên công tác sưu tầm, khai thác tư liệu vô cùng khó khăn. Năm 2014, Bảo tàng đã có khoảng 500 hiện vật của các nhà báo lão thành công tác ở Hội nhà báo Việt Nam đóng góp.

Để có thể thu thập thêm nhiều hiện vật, chúng tôi đã kêu gọi, vận động các nhà báo hiến tặng hiện vật, tạo nên cái nhìn tương đối tổng quát về lịch sử báo chí”.

Có nhiều hiện vật, tài liệu độc đáo, quý hiếm phản ánh những sự kiện quan trọng của lịch sử báo chí Việt Nam phục vụ trưng bày.

Thẻ tác nghiệp của nữ nhà báo tên Bội Lan, đặc phái viên ở khu Năm của Báo Cứu Quốc khu Bốn được cấp ngày 27/1/1948.

Những tờ báo xuất bản trong khoảng thời gian 1925-1945, đây là giai đoạn báo chí yêu nước hoạt động bí mật và công khai nhưng phát triển mạnh.

Tuy nhiên, cũng theo bà Hoa, hiện tại vẫn có những chỗ Bảo tàng chưa có những hiện vật cần thiết như mong muốn. Câu chuyện sưu tầm vẫn là câu chuyện của ngày mai, sau khi bảo tàng ra đời hay câu chuyện sau khi khánh thành trưng bày. Bà mong rằng, bảo tàng sẽ ngày một đầy đặn hơn nếu có sự hợp tác của chính các nhà báo, các tác giả, các cơ quan báo chí trong cả nước.

Hơn 25.000 tài liệu, hiện vật tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã mang đến một bức tranh khá toàn cảnh, khái quát về lịch sử hình thành và phát triển của báo chí Việt Nam.

Nội dung trưng bày Bảo tàng gồm 5 phần: Phần 1 là báo chí Việt Nam giai đoạn 1865 - 1925; phần 2 là báo chí Việt Nam giai đoạn 1925 - 1945; phần 3 là báo chí Việt Nam giai đoạn 1945 - 1954; phần 4 là báo chí Việt Nam giai đoạn 1954 - 1975; phần 5 là báo chí Việt Nam giai đoạn 1975 đến nay.

Khu tưởng niệm các nhà báo liệt sĩ tại Bảo tàng

Nhà báo Lê Quốc Trung - cố vấn Bảo tàng Báo chí Việt Nam chia sẻ, hiện tại bảo tàng đã trưng bày 95% hiện vật gốc, còn lại là phục chế. Đơn vị đã cố gắng tối thiểu phục chế trong quá trình thu thập, sưu tầm.

"Những hiện vật gốc ví dụ như buồng tối trong báo ảnh Việt Nam của Thông tấn xã Việt Nam là hiện vật của những người làm trong thời kỳ chiến tranh, trước những năm 1975 được thu thập đầy đủ. Với những hiện vật này, chúng tôi phải nhờ một kỹ thuật viên đã từng làm buồng tối giúp bày biện lại đúng theo những cái sẵn có” - ông Trung lấy ví dụ.

Thùy Chi (T/h)