Bất động sản thu hút FDI - Đòn bẩy quan trọng trong khó khăn

11:28, 31/10/2022

Thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được coi là một trong 5 “mũi giáp công” để phát triển nền kinh tế. Với mức tăng trưởng GDP cao cùng các yếu tố thuận lợi đang tạo điều kiện thúc đẩy dòng vốn FDI và sự phát triển của thị trường bất động sản tại Việt Nam, trong đó tiêu chí ESG và hậu cần đóng vai trò quan trọng.

                        Bất động sản vẫn là điểm sáng thu hút vốn FDI

Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, tính đến ngày 20/9, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam đạt 18,7 tỷ USD, giảm 15,3% so với cùng kỳ năm 2021. Đáng chú ý, lĩnh vực kinh doanh bất động sản tiếp tục đứng ở vị trí thứ 2 trong danh sách các ngành thu hút vốn FDI với hơn 3,5 tỷ USD, chiếm gần 19% tổng vốn đầu tư đăng ký. Con số này tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái với chỉ gần 1,8 tỷ USD.

Kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng 7,5% vào năm 2022, cao nhất trong khu vực Đông Á và Thái Bình Dương. Liệu đây sẽ là đòn bẩy để Việt Nam thu hút nhiều nhà đầu tư hơn và để ngành bất động sản được phát triển?

Mark Ridley - Tổng giám đốc Tập đoàn Savills toàn cầu: Việt Nam đang thu hút sự quan tâm từ các nhà đầu tư nước ngoài hơn bao giờ hết. Trong khi đó, một số thị trường phát triển tại châu Âu hoặc Vương quốc Anh sẽ rơi vào suy thoái trong hai đến ba quý tới. Do đó, Việt Nam được coi là một thị trường mạnh mẽ dành cho các nhà đầu tư.

Neil MacGregor - Giám đốc điều hành Savills Việt Nam: Sản xuất - chế tạo là động lực tăng trưởng chính ở Việt Nam. Trước tình hình người tiêu dùng thế giới đang thắt chặt chi tiêu, số lượng đơn đặt hàng sản xuất trong ngắn hạn sẽ giảm. Về dài hạn, xu hướng chuyển dịch vẫn sẽ được tiếp tục, kéo theo sự tăng trưởng của ngành sản xuất - chế tạo.

Trong khoảng 6-9 tháng tới, bất động sản công nghiệp có thể ghi nhận sự giảm nhẹ trong nhu cầu. Tuy nhiên, phân khúc này sẽ có sự phục hồi mạnh mẽ, đặc biệt khi xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng trở lại.

Chris Marriott - Giám đốc điều hành Savills Đông Nam Á: Các nhà sản xuất công nghệ cao như Samsung, LG hay Apple hiện đã thiết lập nhà máy sản xuất tại Việt Nam. Việt Nam đang cố gắng nâng cao chuỗi giá trị từ các nhà đầu tư trong khu vực.

Việt Nam nên làm gì để thu hút thêm vốn FDI từ các nước trên thế giới, liên quan đến việc dịch chuyển của ngành sản xuất hiện nay?

Mark Ridley: Thị trường thu hút được nhiều sự quan tâm cũng kéo theo yêu cầu khắt khe hơn từ phía nhà đầu tư về chất lượng sản phẩm. Nếu không thể đáp ứng nhu cầu, các nhà đầu tư sẽ hướng đến các thị trường khác nơi việc cận đầu tư dễ dàng hơn.

Neil MacGregor: Việt Nam đã thực hiện rất tốt việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng trong những năm gần đây. Chính phủ nên tiếp tục đầu tư nhiều hơn bởi đây là yếu tố quan trọng trong giai đoạn nền kinh tế tăng trưởng nhanh. Điều này sẽ tạo điều kiện phát triển cho các thị trường mới.

Xu hướng thịnh hành trong bất động sản thế giới là gì? Savills làm thế nào để có thể đón đầu và tận dụng xu hướng?

Chris Marriott: Mua nhà ở cho thuê là xu hướng đã lan rộng tại châu Á và phát triển mạnh mẽ trên toàn châu lục. Tuy nhiên, việc này không chỉ dừng ở việc xây nhà sau đó cho thuê, mà còn là chất lượng quản lý để có thể đạt được giá thuê tốt hơn.

Một phân khúc khác là bán lẻ trực tuyến và dịch vụ cung ứng. Phân khúc này hiện đang được phát triển ngày càng chuyên nghiệp với tốc độ giao nhanh, kịp thời, thậm chí đối với hàng hóa có giá trị cao và hàng hóa đông lạnh.

Ngoài ra, các lĩnh vực động sản ngách cũng đang phát triển, chẳng hạn như trung tâm dữ liệu. Các trung tâm dữ liệu đang thu hút nhiều sự quan tâm vì chúng có thể tạo ra lợi nhuận vượt trội nếu được thiết lập và thỏa thuận đúng cách.

Mark Ridley: Một xu hướng khác đáng được mong đợi là chính là bất động sản về khoa học đời sống. Sau đại dịch, khoa học đời sống trở nên phổ biến và đã có sự phát triển đáng kể. và cũng là phân khúc nhiều nhà đầu tư hiện đang tìm kiếm.

Savills đã cam kết thực hiên mục tiêu Net Zero và áp dụng các yếu tố ESG. Những điều này đã được triển khai như thế nào đối với phát triển bền vững tại Việt Nam?

Mark Ridley: Savills đã cam kết đạt net-zero vào năm 2030 tại tất cả các văn phòng của trên thế giới và tại các dự án bất động sản Savills quản lý. Ngoài ra, chúng tôi còn chú trọng vào chuỗi giá trị trong lĩnh vực bất động sản, không chỉ là việc sở hữu hay quản lý dự án mà còn tập trung vào khách hàng – những người trực tiếp sử dụng và làm việc tại đó. Đồng thời, chúng tôi cũng có những hoạt động gia tăng nhận thức với tất cả doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng, hỗ trợ họ đạt được những mục tiêu bền vững hơn.

Chris Marriott: Tại Singapore và sắp tới là Việt Nam, chúng tôi thành lập bộ phận chuyên môn, thực hiện các bước đánh giá xếp hạng tòa nhà theo tiêu chuẩn Xanh địa phương. Sau đó, đội ngũ này sẽ thông qua kế hoạch thiết kế để nâng cao xếp hạng của tòa nhà.

Hiện tại, việc đánh giá chỉ dựa trên lượng khí thải carbon và mức tiêu thụ điện năng. Tuy nhiên sẽ tùy thuộc vào các chính sách giảm phát thải mà chính phủ Việt Nam đưa ra đối với báo cáo ESG hay mục tiêu về phát thải ròng. Sắp tới, tất cả các công ty niêm yết sẽ phải báo cáo về phương án ESG như một phần trong chiến lược. Với tư cách là chuyên gia tư vấn, xem xét việc nâng cấp và quản lý dự án, chúng tôi có thể cung cấp rất nhiều chiến lược, lộ trình tư vấn khác nhau và hỗ trợ khách hàng với các báo cáo ESG.

Đâu là thách thức đối với ngành bất động sản Việt Nam trong những năm tới, khi là một nước đang phát triển nhưng giá đất cao, ngang với các nước phát triển?

Mark Ridley: Trong khoảng hai năm trở lại đây, giá đất tại Việt Nam đã ghi nhận mức tăng nhanh do thiếu hụt nguồn cung. Chính phủ cần cải thiện và đưa vào thị trường nguồn cung đất chất lượng, rõ ràng về pháp lý và tạo điều kiện phát triển. Điều này là động lực cho các nhà phát triển trong và ngoài nước đa dạng hóa các sản phẩm bất động sản, mang nhiều nguồn cung tới thị trường. Chính phủ cần phải tập trung đưa ra những quy hoạch tổng thể và tổ chức đấu giá hiệu quả để mang lại nguồn cung đất tốt cho thị trường.

Trong thời gian tới, thị trường sẽ chứng kiến sự điều chỉnh về giá. Tuy nhiên, chúng ta cần nhớ rằng Việt Nam sở hữu nhiều yếu tố cơ bản lạc quan; bên cạnh đó, nhu cầu đối với các lĩnh vực bất động sản vẫn ở mức cao. Do vậy, trong dài hạn, giá sẽ tiếp tục tăng theo hướng bền vững hơn cũng như nhận được nhiều sự quan tâm từ các nhà đầu tư. Các nhà đầu tư vẫn đánh giá rằng thị trường này sẽ mang tới cho họ lợi nhuận vượt trội hơn so với các thị trường phát triển khác.

Thành Nam (T/h)